Giao thông xanh là giải pháp giúp giải bài toán ô nhiễm không khí trầm trọng hiện nay
Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nhức nhối
Thời tiết trong những ngày gần đây tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Vấn đề ô nhiễm không khí đã và đang tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, sáng 5/1, ô nhiễm không khí tại miền Bắc phổ biến ở ngưỡng xấu (có hại cho sức khoẻ). Ô nhiễm không khí tiếp tục bao trùm Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình. Tại một số điểm đo lên ngưỡng rất xấu như tại Thái Nguyên, TP. Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) và TP. Thái Bình (tỉnh Thái Bình).
Cụ thể hơn, tình trạng ô nhiễm không khí quanh khu vực Hồ Tây vẫn tái diễn, nhiều điểm đo ghi nhận chỉ số AQI ngưỡng tím như Tô Ngọc Vân AQI 298, Hồ Tây Compound AQI 291, Ciputra AQI 264, Từ Hoa AQI 246, Quảng Bá AQI 262... Nhiều điểm đo khác cũng ghi nhận ngưỡng tím như Vinhomes Riverside (Hoàn Kiếm) AQI 249, Cự Khối (Long Biên) AQI 234, Hoàng Quốc Việt AQI 248... AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao.
Trong khi đó, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí toàn cầu Air Visual ghi nhận Hà Nội ô nhiễm thứ ba thế giới lúc 9h sáng ngày 5/1, chỉ sau thành phố Dhaka của Bangladesh và Thủ đô Bagdad của Iraq. Mức độ ô nhiễm của Hà Nội còn vượt xa hai thành phố thường xuyên đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí là Delhi của Ấn Độ và Karachi của Pakistan. Trong đó hai ngày 6-7/1, mức độ ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng rất xấu, rất có hại cho sức khoẻ mọi người.
Bộ Y tế cho biết, chỉ số AQI ở mức 201-300 cho thấy chất lượng không khí đang ở mức xấu, có thể gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người.
Giao thông là nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng
Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, giao thông chính là một trong những nguyên nhân đầu tiên. Cụ thể, nguồn phát thải từ phương tiện giao thông xả ra môi trường một lượng lớn hạt sooty và oxit nitơ... Tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong thành phố lớn, đô thị đông dân cư cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều.
Phương tiện giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị, đóng góp 70% tổng lượng bụi, khí thải vào môi trường không khí. Nguồn ô nhiễm này gây tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng, là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm. Trong đó, có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố…
Theo TS. Nguyễn Đình Thạo - Giảng viên Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải, hiện nay hoạt động vận tải chủ yếu sử dụng nhiên liệu truyền thống, nhiên liệu hóa thạch. Loại nguyên liệu này sẽ phát ra khí thải nhà kính. Người ta tính toán mỗi một xe ô tô con thông thường, cứ chạy 1km sẽ phát thải 250-252g khí thải CO2 ra môi trường. Còn nếu tính trong một năm thì lượng CO2 mà một xe ô tô này thải ra môi trường là 3 tấn.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn cho biết, TP hiện có khoảng 1,1 triệu ô tô, 6,9 triệu xe máy, 10 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp, 1.370 làng nghề đang hoạt động. Đây là những cơ sở có hoạt động ảnh hưởng đến chất lượng không khí của Hà Nội.
Tổng hợp từ các nghiên cứu kiểm kê khác nhau của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới và các nghiên cứu khác cho thấy, đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi sơ cấp PM2.5 tại 11 điểm trên địa bàn Thủ đô tùy vào từng điểm chiếm tỷ lệ khác nhau.
Nguồn giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn có đóng góp mức cao nhất, từ 58 - 74%; tiếp đến là nguồn công nghiệp từ 14-23%; nguồn nông nghiệp từ 3,4-18,9%; nguồn dân sinh và nguồn đốt rác có mức đóng góp thấp nhất. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thông tin, vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô nổi bật nhất là ô nhiễm bụi PM 2.5 và PM 10. Giai đoạn năm 2019-2020, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.
Khuyến khích sử dụng giao thông xanh
Chuyển đổi xanh nền kinh tế, chuyển đổi xanh phương tiện giao thông trong bối cảnh ô nhiễm môi trường không khí do hoạt động giao thông đã trở nên bức xúc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân tại một số đô thị; việc chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng xanh có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan.
Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp khả thi là tăng thuế đối với xe chạy bằng xăng dầu và trợ cấp cho việc mua ô tô điện, xe máy điện mới hàng năm đến năm 2030. Điều này sẽ không chỉ giúp giảm ô nhiễm không khí mà còn thúc đẩy chuyển đổi xanh trong giao thông, tạo nền tảng cho một thành phố sạch hơn và bền vững hơn trong tương lai. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi về thuế, phí đăng ký, lệ phí trước bạ để khuyến khích người dân sở hữu và sử dụng các loại xe điện, hybrid. Đồng thời, phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng điện, như xe buýt, tàu điện... cũng cần được ưu tiên.
Việt Nam có thể tham khảo những bài học từ Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ xe điện. Trong 8 tháng đầu năm 2024, ô tô điện sản xuất tại Trung Quốc đã chiếm tới 62% thị phần toàn cầu, trong khi xe hybrid sạc điện (PHEV) của Trung Quốc chiếm 77% thị phần thế giới. Điều này cho thấy Trung Quốc đã có sự đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này, từ việc xây dựng hạ tầng trạm sạc, pin và các công nghệ liên quan. Kinh nghiệm của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn các chính sách thúc đẩy phát triển phương tiện sử dụng điện và năng lượng sạch.
Ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, 10 tuyến bus xanh đã được đưa vào hoạt động giúp giảm phát thải 36,5 nghìn tấn CO2, tương đương trồng 1,68 triệu cây xanh.
Hiện nay, Hà Nội đang tích cực chuyển đổi xe xăng sang xe điện, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Cụ thể, Hà Nội hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.000 xe buýt, trong đó có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Cùng với đó, Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận nội thành.
Trong thời gian tới, để tình trạng ô nhiễm không khí được giảm thiểu cần tiếp tục tạo cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng năng lượng xanh. Trong đó, bao gồm cả chính sách thiết thực, hiệu quả như hỗ trợ đầu tư các trạm sạc điện, hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện giao thông xanh…
Bên cạnh đó, người dân đóng vai trò quan trọng trong quá trình xanh hóa phương tiện giao thông, bởi họ là những người trực tiếp sử dụng phương tiện, tham gia giao thông. Do vậy, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho người dân, qua đó thay đổi nhận thức để họ thấy được lợi ích lâu dài của việc xanh hóa phương tiện giao thông./.
- Nâng cao những hoạt động trong bảo tồn đa dạng sinh học
- Tìm hướng đi phù hợp cho mục tiêu phát triển đô thị xanh và bền vững