Phía sau “Độ ta không độ nàng”: Không đơn giản là một chuyện tình buồn…
Vì sao “Độ ta không độ nàng” lại gây sốt?
Rất nhiều câu hỏi đặt ra rằng tại sao chỉ một bài hát với độ dài không nhiều và là bản dịch từ nước ngoài lại có độ “hot” đến như vậy. Hàng trăm bản cover, hàng triệu lượt chia sẻ, thậm chí còn xếp vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng video trên các nền tảng mạng xã hội, đâu đâu cũng có thể bắt gặp giai điệu của “Độ ta không độ nàng”. Lý giải về việc này đa phần nhiều người cho rằng giai điệu ca khúc dễ thuộc, khá bắt tai, thu hút và dễ “gây nghiện”. Chỉ mới nghe qua, bất kỳ ai cũng cảm nhận được và “bắt sóng” được giai điệu này.
Bên cạnh đó với những ai theo xu hướng lãng mạn và hiểu được cốt truyện phía sau thì lại bị thu hút bởi lời lẽ và ca từ da diết, đậm chất ngôn tình. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng chính bộ phim hoạt hình chuyển thể từ câu chuyện cùng tên với bài hát khiến cho ca khúc này quay trở lại và gây “sốt” như hiện nay.
Là một người cũng trình bày ca khúc này nhưng theo một bản lời khác, ca sĩ Phương Thanh lại lý giải rằng: “Sở dĩ ca khúc “dậy sóng” bởi do thế gian yêu đương, chia ly, đau khổ quá nhiều mà chưa ngộ ra. Cuộc đời con người ai cũng vướng vào tình duyên thôi, tôi cũng đã từng vậy. Phần lời ca khúc đã nói “trúng tim đen” của rất nhiều người. Là chúng ta, những người vẫn ngày đêm không thể dứt đoạn với hồng trần. Nhưng đó mới chính là cảm xúc sâu nặng của con người. Điều đó chứng tỏ thế gian nghiệp duyên dang dở, oán hận còn đầy…”.
Nên hay không việc lan truyền ca khúc này?
Từ trước đến nay, tất cả những vẫn đầy nóng trên mạng xã hội đều được đem ra bàn tán và nhận về rất nhiều ý kiến khác nhau, ca khúc “Độ ta không độ nàng” cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Trước sự “dậy sóng” của ca khúc, thân là một phật tử, nay là Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, trụ trì chùa Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã lên tiếng, nêu rõ quan điểm của mình qua một buổi trò chuyện trực tiếp. Ở góc độ là người xuất gia, tu hành, Thượng tọa khẳng định không đồng ý với bản nguyên tác tiếng Trung cũng như bản phiên dịch tiếng Việt của ca khúc bởi bài hát đang “tạo hình ảnh quá tiêu cực, quá ảm đạm, bi quan, chán chường và tuyệt vọng của người tu sĩ đã lỡ rơi vào cõi yêu đương không lối thoát, đến độ phải giết người có thù hằn bằng một lưỡi kiếm”.
Có thể nói, giai điệu của ca khúc đã thực sự tạo ra một hiện tượng, tuy nhiên, nếu xét theo phong tục văn hóa cũng như tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam, thì việc dùng hình ảnh tu sĩ trả thù tình, oán hận đức Phật là sai lầm. Bởi chúng ta luôn quan niệm rằng, đức Phật từ bi, độ với tất cả chúng sinh, không trừ một ai nên chuyện tình cảm đôi lứa là do tự bản thân họ chứ không phải người thứ ba hay đức Phật, thần linh nào sắp xếp. Vì vậy, khi chia sẻ hay bàn luận người nghe cần cân nhắc kĩ và phải có cái nhìn sâu sắc cũng như thấu hiểu về nguồn gốc câu chuyện phía sau bài hát này để tránh dẫn đến có cái nhìn tiêu cực, lệch lạc.
Không chỉ đơn thuần là chuyện tình yêu
Không chỉ đưa ra nhận định về ca khúc đang gây bão trên cộng đồng mạng, Thượng tọa Thích Minh Hiền – Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) lại có một cái nhìn khác về một thực tế, một “căn bệnh” của thời đại thông qua việc cảm nhận lời bài hát, đó là bệnh nhờ cậy – con người đang chỉ thích dựa dẫm vào tha lực của người khác.
Thượng tọa chia sẻ: “Có điều này đáng suy nghĩ, là thầy đang nhìn thấy tha lực dường như đã trở thành một đặc tính của chúng sinh ngày nay. Con người ngày nay rất hay nhờ cậy vào người khác. Cái gì cũng nhờ, thậm chí cả hành lễ cũng nhờ. Trong khi đó, Đức Phật luôn luôn khuyến khích chúng sinh hãy tự thắp đuốc lên mà đi”.
Mỗi người rồi sẽ có cho mình cách nhìn nhận, cảm thụ riêng. Tuy nhiên, cần nên biết nghe nhạc cũng cần đến sự tỉnh táo. Nghe để tìm cho mình sự đồng cảm, để dặn mình phải mạnh mẽ, chứ tuyệt đối không thể để nghe rồi bị những suy nghĩ tiêu cực dẫn dắt lầm lối, gây ra những hậu quả vô cùng thương tâm.
P.M