ISSN-2815-5823

Phúc Yên (Vĩnh Phúc): Khu du lịch sinh thái kinh doanh trái phép trên hàng chục héc-ta đất rừng

(KDPT) – Được xây dựng trên diện tích lớn, trải dài theo con đường Hoàng Hoa Thám, Đồng Câu, Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), khu du lịch sinh thái Phú Lâm FARMSTAY rất thu hút du khách khi tới đây, bởi quy mô hoành tráng từ những dãy nhà kiên cố và khu vui chơi. Điều đáng nói, Phú Lâm FARMSTAY với các công trình khu nghỉ dưỡng và du lịch lại được khai thác, xây dựng, đầu tư kinh doanh trái phép trên hàng chục héc-ta đất rừng, phá vỡ quy hoạch, cảnh quan, môi trường sinh thái, nhằm phục vụ lợi ích cho một nhóm người.

Theo điều 14 của Luật Đất đai năm 2013 quy định việc sử dụng đất lâm nghiệp phải đúng mục đích là để trồng rừng, mọi hoạt động sử dụng trái với mục đích là không được phép, kể cả việc xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp. Vậy mà khu du lịch sinh thái Phú Lâm FARMSTAY vẫn ngang nhiên xây dựng những dãy nhà kiên cố hiện đại, những bể bơi lớn và khu vui chơi vẫn chềnh ềnh trên diện tích đất rừng đã bị san gạt.

Các hạng mục công trình được xây dựng kiên cố trên diện tích đất rừng lớn.

Theo ghi nhận của phóng viên, thì tình trạng xây dựng các công trình làm khu sinh thái diễn ra từ lâu và đã đi vào hoạt động đón tiếp khách công khai từ đầu năm 2021, nhưng dường như không gặp phải động thái quyết liệt nào từ chính quyền địa phương. Qua tìm hiểu được biết, giá những phòng nghỉ tại đây dao động từ 1.500.000 đến 1.900.000 đồng một phòng. Và khách muốn nghỉ ngày cuối tuần phải đặt lịch trước vì cuối tuần ở đây luôn trong tình trạng hết phòng bởi lượng khách rất đông.

Sau Tết, mặc dù dịch bệnh tại Vĩnh Phúc diễn biến hết sức phức tạp, nhưng Phú Lâm FarmStay luôn đón lượng khách đông đảo.

Trao đổi với PV, ông T.H.T – người dân ở địa phương, bức xúc: “Chúng tôi mà xây vi phạm một tí thôi thì chính quyền tới lập biên bản và buộc dừng ngay, nhưng chỗ này và nhiều chỗ khác xây trái phép quy mô lớn mà không bị gì, càng ngày sai phạm lại càng phình to ra. Vậy tôi hỏi các anh, liệu có ai chống lưng mới làm được như thế không?”.

Để làm rõ những hoài nghi của người dân về vấn đề này, chúng tôi đã đến trụ sở UBND xã Ngọc Thanh để tìm hiểu thông tin, được ông Lưu Tiến Chung – Phó Chủ tịch UBND xã, khẳng định: Khu sinh thái xây dựng trái phép trên diện tích 32ha rừng và có những biên bản xử phạt. Tuy nhiên, khi PV hỏi về những văn bản xử phạt này, thì Phó Chủ tịch Lưu Tiến Chung lại từ chối cung cấp và hẹn buổi sau. Sau đó, mặc dù PV đã nhiều lần liên hệ xin được gặp nhằm nắm bắt thông tin khách quan, chiều sâu, nhưng vẫn như “ném đá ao bèo”, PV vẫn không thể tiếp cận làm việc, với nhiều lý do từ vị Phó Chủ tịch này.

Cũng cần nói thêm rằng, xã Ngọc Thanh là một “điểm đen” trong việc hàng loạt các công trình xây dựng trái phép trên đất rừng với quy mô lớn trong thời gian dài, công khai thách thức pháp luật, mà chỉ đến khi dư luận và báo chí phản ánh thì những vụ việc mới được “kiểm tra”. Thế nhưng, sau những sai phạm lớn thì chính quyền địa phương hay nói cách khác là những người đứng đầu lại là những người “vô can”. Vậy những diện tích rừng bị tàn phá, những tác động môi trường mà người dân phải gánh chịu, thì trách nhiệm đó sau cùng thuộc về ai? Liệu có hay không việc chính quyền “ngoảnh mặt làm ngơ” cho các công trình sai phạm ngang nhiên hoạt động, để rồi khi dư luận phản ánh thì cán bộ lại “thờ ơ” như cách mà vị phó chủ tịch xã “hứa” cung cấp thông tin cho PV và bạn đọc.

Nhóm PV



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024