ISSN-2815-5823

Phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội): Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy

(KDPT) - Phòng, chống “giặc lửa” từ cơ sở được xác định là yếu tố then chốt, có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy. Thời gian qua, UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) đã đẩy mạnh xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy. Qua đó, mang lại hiệu quả cao trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn.

Thực hiện Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 20/2/2023 của UBND quận Ba Đình về việc tuyên truyền phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn quận Ba Đình. Ngay từ đầu năm, UBND phường Vĩnh Phúc đã quan tâm và ban hành kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH trên địa bàn.

Hội nghị huấn luyện, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình

Ông Đoàn Trung Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù công tác phòng ngừa hỏa hoạn đã được các lực lượng chức năng của phường chủ động và đang làm tốt, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, bởi ý thức của người dân, bởi hệ thống thiết bị điện, hạ tầng cơ sở vật chất còn chưa đồng bộ…

Để hạn chế cháy, nổ và giảm thiệt hại do cháy xảy ra cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của người dân, cần xây dựng “mỗi người dân thành 1 lính cứu hỏa” ở trong gia đình, khu dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia tập huấn, trang bị kỹ năng, phương tiện để khi sự cố cháy, nổ xảy ra người dân sẽ chủ động kịp thời xử lý tình huống để cứu mình và người thân an toàn.

Người dân trên địa bàn phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình tích cực tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tuyên truyền về PCCC

Tiếp tục vận động mỗi hộ gia đình phải có ít nhất một người tham gia lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH; phấn đấu mỗi hộ gia đình được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện phục vụ phá dỡ, thoát nạn.

Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình an toàn về PCCC và CNCH đáp ứng theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).

Đồng thời, nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”; “khu chung cư, tập thể an toàn PCCC”; “Cụm liên kết Làng nghề an toàn PCCC”; “Cụm liên kết an toàn PCCC trong Khu/Cụm công nghiệp; “Cụm liên kết an toàn PCCC rừng”.

Tính đến ngày 19/4 UBND phường Vĩnh Phúc đã hoàn tất 24 buổi tuyên truyền tại 24 tổ dân phố về công tác PCCC và xây dựng nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”.

Chiến sỹ Công an hướng dẫn người dân cách sử dụng bình xịt cứu hỏa

Mô hình tổ liên gia an toàn PCCC có từ 5 đến 15 hộ gia đình (gồm nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau. Điều kiện đối với mô hình tổ liên gia là mỗi gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay và một dụng cụ phá dỡ ( xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu,…) để ở nơi dễ thấy, dễ lấy.

Ngoài ra, mỗi hộ gia đình lắp đặt một chuông báo cháy tại tầng một, lắp đặt hai nút ấn báo cháy (một nút ấn trong nhà, một nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau, đảm bảo khi ấn bất kỳ nút nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình đều kêu.

Tổ liên gia được thành lập và có quy chế hoạt động do Chủ tịch UBND xã, phường quyết định, ban hành. Kinh phí thực hiện mô hình do các hộ gia đình trong tổ đóng góp. Đây là lực lượng PCCC tại chỗ, được trang bị kỹ năng chữa cháy, đảm bảo an toàn cho khu dân cư trong suốt quá trình sinh hoạt, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Người dân được thực hành sử dụng bình xịt cứu hỏa để dập tắt đám cháy

Về mô hình điểm chữa cháy công cộng, đây là mô hình được bố trí tại các ngõ, hẻm sâu tập trung nhiều nhà có chiều sâu 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được. Các điểm chữa cháy được trang bị sẵn các phương tiện như: Bình chữa cháy, xà beng, búa, kìm thủy lực… và bố trí ở các điểm thuận lợi cho việc sử dụng các phương tiện để chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, không cản trở đi lại của người dân, tránh mưa nắng và có biển thông báo.

Thông qua những mô hình thực tế trên sẽ giúp huy động được tối đa lực lượng và phương tiện tại chỗ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, góp phần xây dựng lực lượng quần chúng tham gia vào công tác PCCC từ cơ sở.

Thời gian tới, phường Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đa dạng hóa, đổi mới nội dung các hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, xây dựng và nhân rộng các mô hình, các tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến về PCCC. Đồng thời, từng bước xã hội hóa công tác PCCC; chủ động nâng cao năng lực cho lực lượng PCCC tại chỗ mạnh về chất, lớn về lượng, phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ”; tăng cường trang bị phương tiện PCCC, xây dựng phương án PCCC, bố trí diễn tập sát với thực tế, đặc điểm tình hình cơ sở… hướng tới mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn, kiềm chế gia tăng về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra – Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc Đoàn Trung Chiến cho biết thêm.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 11/05/2024