QR Code tiếp tục dẫn đầu xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt
Thanh toán qua QR Code tăng gần 850%
Số liệu mới được công bố của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, thanh toán không sử dụng tiền mặt cùng với thanh toán điện tử tại Việt Nam đã và đang ngày càng phát triển mạnh. Đáng chú ý, phương thức thanh toán qua mã QR (hay còn gọi là QR Code) đang ngày càng phổ biến, được nhiều người ưa chuộng.
Thời điểm hiện tại, QR Code đang hiện hữu khắp mọi nơi, dù là chỗ ăn uống mua sắm, ở trung tâm thương mại hay cửa hàng, chợ dân sinh, thậm chí là các gánh hàng rong trên vỉa hè cũng đều có. Các chuyên gia nhận định, phương thức thanh toán bằng QR Code trong năm 2024 sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, dần dần trở thành QR Code đa năng.
Cũng theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong 2 tháng đầu năm nay đã tăng 59,6% về số lượng cùng 32,73% về giá trị. Theo đó, thanh toán qua kênh Internet đã tăng tương ứng ở mức 51,60% và 23,88%; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng lần lượt 63,24% về số lượng và 33,43% về giá trị. Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR code đã tăng phi mã 846,41% về số lượng và 1.146,14% về giá trị trong khi thanh toán qua POS lần lượt tăng 2,53% và 3,56%.
Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động đã tăng lần lượt 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; trong khi thanh toán bằng QR code tăng 242,46% và 157,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Liên quan đến vấn đề này, Vụ Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhiều tổ chức tín dụng tại Việt Nam hiện nay có tỷ lệ hơn 90% giao dịch được thực hiện thông qua kênh số. Tính đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng và hơn 35 triệu tài khoản thanh toán; ngoài ra còn có khoảng 14,9 triệu thẻ đã được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động.
Theo ông Nguyễn Hưng Nguyên - Phó Tổng Giám đốc NAPAS, với tốc độ tăng trưởng nhanh của loạt giao dịch thanh toán điện tử như thời điểm hiện tại, việc quan trọng là phải đảm bảo hệ thống hạ tầng thanh toán quốc gia được an toàn, thông suốt và ổn định. Cũng trong năm vừa qua, QR Code duy trì vị trí đầu bảng về tốc độ tăng trưởng. Theo số liệu của Payoo về thanh toán QR Code, giá trị giao dịch bằng QR Code đã tăng gấp 3 lần trong khi giao dịch thẻ nội địa lại chỉ tăng hơn 10%, so với cùng kỳ năm trước thẻ quốc tế đã tăng gần 30%.
Trong khi đó, những giao dịch sử dụng thẻ quốc tế thường phổ biến hơn với các đơn hàng giá trị cao, QR Code lại là phương thức thanh toán ưa chuộng với những đơn có giá trị nhỏ. So với năm 2022, giao dịch thanh toán bằng mã QR với giá trị dưới 100.000 đồng bằng hệ thống Payoo năm 2023 đã tăng trưởng gấp 5 lần.
Ông Nguyên chia sẻ thêm, cần phải đảm bảo chi phí xử lý giao dịch ở mức thấp nhất có thể, cung cấp nền tảng thanh toán và góp phần phổ cập tài chính toàn diện. Đồng thời, vị này còn đề cập đến vấn đề lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây và cho biết, NAPAS hiện tại đang phối hợp với các ngân hàng, cơ quan quản lý đưa thêm một số giải pháp hỗ trợ để giám sát và phát hiện sớm những tài khoản có dấu hiệu gian lận và giả mạo, hạn chế rủi ro khi khách hàng thực hiện giao dịch.
Thực tế, mã QR hay còn được gọi là QR Code, tên gọi đầy đủ là Quick Response code. Đây là một dạng thông tin đã được mã hóa với mục đích hiển thị sao cho máy có thể đọc được. Mã QR bao gồm 2 màu trắng và đen cùng các chấm đen và ô vuông mẫu trên nền trắng.
Thanh toán bằng QR Code cần lưu ý những gì?
QR Code là hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt được ưa chuộng nhất thời điểm hiện tại. Phương thức này mang đến nhiều tiện ích cho người sử dụng như: Chuyển khoản và thanh toán một cách nhanh chóng, thông tin chính xác và tiết kiệm được nhiều thao tác.
Tuy nhiên, ngoài những tiện ích nói trên, các ngân hàng cũng đưa ra nhiều lưu ý khi khách hàng sử dụng hình thức thanh toán bằng QR Code. Nếu khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, ngân hàng khuyến cáo khách hàng không để người khác sử dụng thẻ của mình, không cung cấp mật khẩu hoặc mã OTP cho người khác; không truy cập vào các đường link được gửi từ những website lạ hoặc có nghi ngờ gian lận, giả mạo.
Tuyệt đối không sử dụng những thiết bị công cộng để thực hiện các giao dịch thanh toán, nên đăng ký biến động số dư để theo dõi các giao dịch của bản thân. Nếu phát sinh những giao dịch đáng nghi cần thông báo ngay đến ngân hàng thanh toán thẻ, hoặc sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử để có thể khóa thẻ ngay lập tức.
Ngoài ra, khách hàng khi sử dụng thẻ cũng cần phải trả nợ thẻ tín dụng đầy đủ khi đến hạn, đặc biệt là ngân hàng thông báo, tránh phát sinh nợ xấu ngoài mong muốn./.
- Fintech trong ngành du lịch: Đổi mới phương thức thanh toán
- Thanh toán bằng Muadee by HDBank: 50.000 đồng cũng được trả góp
- Xu hướng thanh toán online mới