Xu hướng thanh toán online mới
Thanh toán trực tuyến (online) đang có sự phát triển vượt bậc khi những sinh hoạt của đời sống hàng ngày người dân dùng mã QR, ví điện tử, chuyển khoản… ngày càng nhiều.
Thanh toán số “lên ngôi”
Số liệu khảo sát về tình hình kinh doanh năm 2023 của Sapo - nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc cho thấy các nhà bán hàng đang chấp nhận thanh toán qua chuyển khoản chiếm tới 43,8%. Các ngân hàng cũng đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ như tạo mã QR, mở rộng các tính năng để kích cầu tiêu dùng không dùng tiền mặt. Nếu như trước đây các mã QR chỉ phổ biến trong mua sắm thì nay tỷ trọng thanh toán qua mã này ngày càng tăng về số lượng và giá trị. Các chi phí trong đời sống như điện, nước, internet, điện thoại, học phí… triển khai thanh toán qua QR với số lượng giao dịch tăng mạnh.
Theo đại diện của Napas, ngoài nguyên nhân quan trọng do chính sách khuyến khích không dùng tiền mặt của Chính phủ đã lan toả trong đời sống thì việc người dân thanh toán qua mã QR còn được đón nhận từ phần lớn người dùng trẻ tới già bởi dễ thực hiện, tối ưu chi phí và tiện lợi.
Nghiên cứu từ Visa - công ty công nghệ thanh toán điện tử cho thấy xu hướng chuyển đổi sang các phương thức thanh toán điện tử hiện đại đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam khi 56% số người dùng được khảo sát đang ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước. Người trẻ đóng vai trò là tiên phong thúc đẩy đà tăng trưởng này khi 89% số người khảo sát tiếp cận thanh toán số trong đời sống hàng ngày. Thông tin từ Visa cũng cho thấy sự “lên ngôi” của ví điện tử và phương thức này đang góp phần thúc đẩy tăng trưởng tài chính số tại Việt Nam.
Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi với thanh toán số. Thống kê năm 2023 cho thấy, có tới 66% người dùng thanh toán thẻ trực tuyến, 70% sử dụng ví điện tử, 61% thanh toán bằng mã QR. Con số này so với năm 2022 đều có sự tăng trưởng vượt bậc cho thấy xu hướng nói không với tiền mặt của người tiêu dùng.
Đánh giá của các chuyên gia cho rằng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục có xu hướng tăng nhanh trong thời gian tới. Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam thông tin số lượng giao dịch sử dụng QR code, mobile banking, ví điện tử đã tăng vọt trong thời gian gần đây, nhất là thời điểm từ sau đại dịch COVID-19. Ông Minh cũng cho rằng, thanh toán số là khâu then chốt trong việc mở rộng quy mô và tăng tốc thương mại điện tử cả trong và ngoài nước. Mức độ an toàn, chính xác và tiện lợi có thể nói là vượt trội so với việc thanh toán sử dụng tiền mặt và đây chính là lý do các quốc gia trên thế giới sử dụng các công cụ thanh toán số.
Cuộc đua của những nền tảng công nghệ
Trước sự “lên ngôi”mạnh mẽ của thanh toán số, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán online đang đứng trước cơ hội đầy tiềm năng để sáng tạo và đổi mới, cập nhật những xu hướng công nghệ mới đem đến cho người tiêu dùng những lợi ích đáng kể. Một xu hướng thanh toán online mới hiện nay đang dẫn đầu là xác thực sinh trắc học (quét vân tay, khuôn mặt, phân tích nhịp tim…). NHNN mới đây cho biết từ ngày 1/7 năm nay, khi chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng, người chuyển tiền phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Đây đang được xem là biện pháp mới trong việc phòng chống các vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền tài khoản ngân hàng.
Không chỉ riêng ở Việt Nam, ở các nước trên thế giới cũng đã sử dụng các xu hướng công nghệ mới trong thanh toán online nhằm bảo đảm tốt hơn cho người tiêu dùng. Ví dụ Tập đoàn Tencent (Trung Quốc) trong ứng dụng WeChat đã tích hợp nhiều tính năng như mạng xã hội, mua sắm, thanh toán trực tuyến và họ đã thử nghiệm cho phép người sử dụng quét lòng bàn tay để mua sắm, check in. Hệ thống của Tập đoàn Amazon (Mỹ) cho phép kết nối dữ liệu sinh trắc học lên thẻ tín dụng để mua sắm tại các cửa hàng không thu ngân. Hay như Công ty Công nghệ Fujitsu (Nhật Bản) thay vì dùng mật khẩu thì có hệ thống quét bàn tay để đăng nhập tài khoản trên internet.
Ngoài công nghệ sinh trắc vân tay thì xu hướng công nghệ mới còn phải kể đến thanh toán kích hoạt bằng giọng nói sẽ tăng lên khi tích hợp với trí tuệ nhân tạo (AI). Việc sử dụng các công nghệ này giúp cho có được cơ sở xác thực tốt hơn, giao dịch dễ dàng và ít bị lỗi hơn.
Chia sẻ về thị trường thanh toán số Việt Nam, bà Winnie Wong, Giám đốc quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhận định, các ngân hàng Việt đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kỹ thuật để đưa ra sản phẩm có tính năng cá nhân hoá trải nghiệm hấp hẫn cho người dùng trong đó giới trẻ có phong cách sống mới được gọi là “kỹ thuật số là trên hết”.
Các chuyên gia dự báo với xu hướng và triển vọng hiện nay thì các khoản thanh toán được thực hiện bằng mã QR sẽ tăng lên nhờ các ứng dụng các công nghệ mới. Nghiên cứu từ nhóm phân tích của Công ty Nghiên cứu thị trường Analytics Insight nhận định sự phát triển và thịnh hành của ứng dụng thanh toán online cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì lĩnh vực thanh toán số sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới. Đây vừa là cơ hội song cũng là bài toán đầy thách thức cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ở lĩnh vực này. Các doanh nghiệp này cần phải nghiên cứu thị trường một cách thấu đáo để đưa ra các phương thức thanh toán phù hợp cho người tiêu dùng đồng thời cũng duy trì được lợi thế cạnh tranh tốt./.
- Hàng tỷ cổ phiếu sẽ được “bơm” ra thị trường chứng khoán khi mùa Đại hội cổ đông đang đến gần
- "Cạn" tài sản thế chấp, nhiều doanh nghiệp khó vay vốn
- Nhiều ngân hàng hé lộ kế hoạch kinh doanh cho năm nay: Vietcombank và MB dự kiến đạt lợi nhuận khủng