ISSN-2815-5823

Quan điểm của một chuyên gia tài chính: Nếu có 50 tỷ, tôi sẽ làm gì?

(KDPT) – Nếu có 50 tỷ đồng, vị chuyên gia này cho hay sẽ dùng 45 tỷ để đầu tư chứng khoán, số tiền còn lại mua nhà. Bởi với ông nhà cũng chỉ để ở mà thôi.

Một số công ty nghiên cứu thị trường cho rằng căn hộ hạng sang đang dần quay trở lại thị trường bất động sản TP HCM và xác lập kỷ lục giá trên 7.000 USD/m2, thậm chí nhiều hơn nữa.

Nhiều người kỳ vọng phân khúc hạng sang sẽ đem lại “luồng gió mới” cho thị trường dù lượng giao dịch chưa được thống kê chính xác. Tuy nhiên lại có ý kiến chuyên gia cho rằng thị trường dư cung căn hộ cao cấp, hạng sang và phân khúc bình dân mới là thứ khách hàng cần.

Chúng tôi có dịp ghi lại ý kiến giám đốc chi nhánh của một công ty môi giới chứng khoán. Ông có kinh nghiệm vài chục năm trên thị trường tài chính, là người gốc Hà Nội, hiện sinh sống tại TP HCM và từng du học ở Nga.

Nhà cũng chỉ để ở

Ông kể từng xem bảng giá căn hộ của một dự án hạng sang tại quận 1, TP HCM. Ông thừa nhận khi nhìn bảng giá này, ông “hơi choáng” vì giá căn hộ bình thường (không phải penthouse) diện tích 150 m2 đã khoảng 50 – 55 tỷ đồng. Tính trung bình, mức giá cho mỗi m2 là 350 triệu đồng/m2.

Mức giá “cao không tưởng” này làm ông nhớ lại những năm 70 của thế kỷ trước, khi Hà Nội bắt đầu làm quen với loại hình nhà ở mới: nhà tập thể lắp ghép. Những khu Giảng Võ, Trung Tự, Kim Liên, Thành Công nhanh chóng mọc lên, phân theo tiêu chuẩn. Người dân thì chỉ quanh quẩn nơi phố cổ, ngẩng mặt nhìn ngưỡng mộ những ngôi nhà cao 5 – 6 tầng.

Với thế hệ của ông, nhà đất nói chung ở Hà Nội khi đó đều không có giá. Chung cư dĩ nhiên lại càng không. Nhà chỉ là chỗ để ở, không được coi là tài sản. Để hình dung rõ hơn, nó giống như tivi, xe máy thời xưa là tài sản quý giá còn bây giờ là phương tiện đi lại, đồ dùng hàng ngày.

Sau giai đoạn đó, ông sang Nga du học và mới biết thế nào là căn hộ chung cư. Ông thấy 90% người dân nước bạn sống ở chung cư, trong những căn hộ 60 – 70 m2. Nhiều căn hộ ấm cúng, đẹp và sang trọng vì được chăm chút kỹ càng. Tuy nhiên dù như thế nào, ông nhận thấy họ cũng chỉ là ở, không thấy ai sở hữu 2 căn hộ. Họ coi căn hộ là giá trị sử dụng, không coi là tài sản để dành.

Điều này tương tự diễn ra ở các nước châu Âu, cũng như Mỹ hay Canada, vẫn có một bộ phận lớn người dân sống trong chung cư cao tầng. Họ cũng coi đó là nơi ở, không phải tài sản dành cho con cháu.

Tuy nhiên ở các nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam, nhà cửa nói chung đều thành tài sản. Chính tư duy này đã ăn sâu vào tâm trí người dân, cho nên cả căn hộ chung cư cũng trở thành tài sản để dành.

Căn hộ chung cư mới hiện nay đều đánh vào tâm lý đám đông, như view 3 mặt sông, hồ bơi tràn nước mặn, công viên nội khu… Tuy nhiên, ông cho rằng view đẹp 3 ngày là chán, quanh năm kéo rèm có nhìn ngắm gì đâu. Hồ bơi, công viên cũng chỉ để ngắm, vì đi làm cả ngày tối lại leo lên giường ngủ. Còn tài sản để dành ư? Ông tự hỏi làm sao con cháu chịu ở trong một chung cư xuống cấp qua từng đó năm. Mà ở Việt Nam, chỉ 10 – 12 năm là chung cư xuất hiện hàng loạt vấn đề. Bản thân ông cũng đang ở chung cư nên ông hiểu sự xuống cấp là như thế nào.

Có tiền thì đầu tư chứng khoán, mua nhà 4 – 5 tỷ là hợp lý

Do đó, ông băn khoăn nếu đẩy chung cư lên làm tài sản thì sẽ bị hao mòn theo thời gian? Vậy thì tại sao giá chung lại hay lên?

Ông nhớ lại năm 2007, ông mua một căn hộ chung cư cao cấp ở Nguyễn Hữu Cảnh, Bình Thạnh, TP HCM với giá 1.300 USD/m2 và đã được coi là “cực đắt”. Còn bây giờ, căn hộ 40 triệu đồng/m2 là bình dân, ở xa tít tắp. Nhiều căn hộ còn được đẩy lên tới 70 – 80 triệu đồng/m2.

Ông lý giải ở khía cạnh người mua, cả xã hội đi buôn bất động sản nên mọi người dần chấp nhận giá cả mới, không ai còn quan tâm làm sao để mua được căn hộ. Mọi người dồn sang chuyện mua bán để kiếm lời, giá đắt sẽ có giá đắt hơn. Thành ra, người ta giỏi nhất là thổi giá nhà.

Vị giám đốc này kết luận, nền kinh tế ở bất kỳ xã hội nào sẽ phải trở về quy luật vốn có. Một món hàng phải có giá trị đích thực. Những ảnh hưởng của đầu cơ chỉ là ngắn hạn, không thể bao phủ mục tiêu gốc. Nếu căn hộ chung cư để giải quyết nhu cầu thiết thực cho người dân là ở, thì giá cả phải tương ứng với thu nhập, tương ứng hiện trạng hạ tầng.

“Tôi không tin là người đi làm bình thường có đủ tiền mua căn hộ chung cư 50 tỷ đồng. Có thể họ bán đắt như thế vì đủ các loại chi, đủ các loại phí đẩy giá thành gốc lên quá cao”, ông nói.

Sau khi suy nghĩ, ông cho rằng, nếu có 50 tỷ đồng, ông sẽ lấy 40 tỷ đồng đi đầu tư chứng khoán (khả năng sinh lời chắc chắn hơn nhiều), còn lại sẽ chỉ mua một căn hộ khoảng 4 – 5 tỷ đồng để ở.

Theo CafeBiz



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/11/2024