ISSN-2815-5823

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới

(KDPT) - Ngày 18/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp cùng Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo “Cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới: Doanh nghiệp phải làm gì?”

Phát biểu dẫn đề hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, nước ta đang bước vào một kỷ nguyên phát triển mới với những cơ hội chưa từng có để vươn mình, song kèm với đó là những khó khăn, thách thức nghiệt ngã chưa từng thấy do những biến động dữ dội của địa chính trị và kinh tế thế giới, những rủi ro về biến đổi khí hậu, những đòi hỏi bức bách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số từ những yếu kém nội tại và những bất cập về cơ chế chính sách.

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phát biểu tại Hội thảo.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phát biểu tại Hội thảo.

Trong bối cảnh nói trên, làm gì và làm thế nào để tận dụng được cơ hội và hoá giải thách thức đang trở thành câu hỏi lớn mang tính thời sự đối với cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của Chính phủ.

Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, một số nhân tố rủi ro tác động đến nền kinh tế thế giới là rủi ro lạm phát tăng do giá dịch vụ giảm chậm và áp lực giá phát sinh từ căng thẳng thương mại hoặc địa chính trị; Nguy cơ lãi suất tăng cao hơn trong thời gian dài hơn do rủi ro lạm phát gia tăng, từ đó làm tăng rủi ro tài chính; và có thể có những thay đổi đáng kể trong chính sách kinh tế xuất phát từ kết quả của các cuộc bầu cử năm nay, với những tác động tiêu cực đến phần còn lại của thế giới.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế của Việt Nam được nhìn nhận tích cực, cơ hội và rủi ro nhìn chung ở thế cân bằng. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 đạt 6,1%. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo dự kiến sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2024, sau khi phục hồi ở mức 16,9% (so với cùng kỳ năm trước) trong nửa đầu năm 2024. Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi và dự báo sẽ xoay chiều vào cuối 2024 và đầu 2025 sau khi giải quyết được tình trạng đóng băng thị trường trái phiếu doanh nghiệp và Luật Đất đai có hiệu lực từ tháng 8/2024. Nhu cầu trong nước sẽ tăng lên vào nửa cuối năm 2024 khi tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng được cải thiện. Cân đối tài khoản vãng lai được dự báo vẫn duy trì thặng dư, đồng thời Chính phủ đang quay lại mục tiêu cân đối ngân sách.

GS. TSKH Nguyễn Mại tại Hội thảo
GS. TSKH Nguyễn Mại tại Hội thảo

Theo nhận định của Trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam đang đứng thứ 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trên thế giới, đứng thứ 22 về tốc độ phát triển số hóa. Điều này đã chứng tỏ sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, trong điều kiện cạnh tranh toàn cầu gia tăng, hoạt động quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Do đó, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi số hiệu quả thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh cũng như mất thị trường ngay trên sân nhà.

Đối mặt với những thách thức như: năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế; nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số còn yếu; còn nhiều e ngại trong ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động kinh doanh; và hệ thống pháp luật điều tiết lĩnh vực này còn chồng chéo, chưa hoàn chỉnh, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng, Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng đồng bộ thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế số, sửa đổi, bổ sung quy định đối với các ngành kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số… Cùng với chính sách khuyến khích kết nối theo chuỗi cung ứng sản phẩm giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, giữa tập đoàn kinh tế Việt Nam với SMEs để hình thành thương hiệu Việt Nam trên thị trường trong nước và thị trường thế giới. Đặc biệt là phát triển hạ tầng chuyển đổi số đáp ứng đòi hỏi trao đổi thông tin, sử dụng các công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Các diễn giả tại Hội thảo.
Các diễn giả tại Hội thảo.

Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại và sản xuất toàn cầu. Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ Việt Nam, với mục tiêu đưa Việt Nam vào top 50 quốc gia về chính phủ số và kinh tế số vào năm 2025 là một nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi này./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/11/2024