Ảnh minh họa, nguồn internet.

Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất Đông Nam Á, đạt 33%. Các chỉ số từ Google Trends, App Annie, Socialbakers được iprice.vn tổng hợp và được tóm tắt tạo thành những điểm nổi bật nhất của thương mại điện tử Việt Nam trong năm qua. Có thể nói với thị trường hơn 90 triệu dân và số lượng người sử dụng điện thoại thông minh cùng hạ tầng kĩ thuật, internet được đánh giá ở mức cao so với thế giới, Việt Nam là “vùng đất hứa” với các ông lớn trong ngành thương mại điện tử (TMĐT).
Xét về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam là một trong những thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Báo cáo gần đây của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel cho biết, hoạt động TMĐT của Việt Nam tăng 69% trong năm qua.
Tốc độ tăng trưởng cao như vậy có thể giải thích vì sao các công ty TMĐT của Trung Quốc đang dồn vào Việt Nam. Một đại diện của Shopee Việt Nam từng dự báo quy mô TMĐT tại Việt Nam năm 2016 vào khoảng 1,7 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên khoảng 7,5 tỷ USD.
Tháng 11/2017, tỉ phú Jack Ma, ông chủ của Alibaba tới Việt Nam mang theo câu chuyện về cảm hứng kinh doanh. Nhưng đó chỉ là phần nổi. Đó không chỉ để truyền cảm hứng, mà đằng sau đó có thể còn là để dọn đường cho việc chiếm lĩnh thị trường TMĐT Việt Nam?
Tháng 4/2016, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã chi 1 tỷ USD để mua lại 51% cổ phần tại Lazada, vốn được coi là Amazon của Đông Nam Á. Đến tháng 06/2017, Alibaba tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83% tại start-up được định giá 3,15 tỷ USD này. Có thể nói tham vọng của Jack Ma về thị trường TMĐT ở Việt Nam là quá rõ ràng.
Thông tin Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam trong tháng 3 này đang khiến giới bán lẻ xôn xao. Sức nóng từ “con cá mập” trong ngành TMĐT này đang phả vào gáy các đối thủ.
Trong khi đó Alibaba đang thiết lập một trung tâm hậu cần quốc tế tại Malaysia vào cuối năm 2019, trung tâm sẽ hoạt động như một cơ quan thông quan, kho bãi và thực hiện các thủ tục hải quan cho Malaysia và các nước trong khu vực nhằm cung cấp các giải pháp cho xuất khẩu và nhập khẩu.
Giống như Alibaba, Amazon sẽ đổ bộ vào thị trường Việt Nam bằng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bán hàng, song song với việc xuất khẩu qua hệ sinh thái của Amazon.
Trong câu chuyện Alibaba xâm nhập vào thị trường TMĐT Việt Nam, có thể thấy doanh nghiệp này đã thực hiện chiến lược “cửa sau”, khi gần như thâu tóm Lazada, một đơn vị bán lẻ trực tuyến tên tuổi.
Việc Amazon bước vào thị trường TMĐT Việt Nam và trước đó là Alibaba, cần đặt ra câu hỏi: Doanh nghiệp và người tiêu dùng được và mất gì? Có thể tóm gọn lại trong một câu: Mừng và sợ.
Mừng là có thêm một cơ hội quảng bá thương hiệu bán lẻ của mình đến khách hàng. Nhưng điều đáng lo là hàng Trung Quốc sẽ có cơ hội thâm nhập vào thị trường Việt Nam nhiều hơn, mạnh mẽ hơn vì điều chắc chắn là giá sẽ rẻ hơn.
Họ chỉ cần gia tăng cơ hội quảng bá, tiếp thị, giảm giá… sẽ làm nhiều nhà bán lẻ… chết đứng.
Tuy nhiên đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất đẩy mạnh hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhưng phải thận trọng, không nên quá hào hứng vì mua bán trực tuyến tại Việt Nam vẫn còn những khó khăn riêng.
Lo nhất hiện nay là số phận của các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang kinh doanh trực tuyến của Việt Nam như Tiki.vn, Sendo.vn, Vatgia.com…
VNG vừa đầu tư vào Tiki.vn 18 triệu USD với kỳ vọng sẽ gia tăng sức mạnh cho trang thương mại điện tử đang tạo được uy tín với người tiêu dùng Việt. Khi nghe tin Alibaba đầu tư vào Lazada, VNG như “ngồi trên đống lửa”!
Chưa có thống kê nhưng phần đông hàng hóa trên Lazada.vn hiện nay là hàng hóa có nguồn gốc từ các nhà sản xuất Trung Quốc, từ hàng cao cấp đến hàng bình dân do các doanh nghiệp Việt nhập khẩu.
Đã có nhiều “lùm xùm” trên thế giới về việc Alibaba bán hàng kém chất lượng và tiết lộ thông tin khách hàng ở Mỹ hay các quốc gia châu Á khác. Và dĩ nhiên câu chuyện về nỗi lo hàng giả ở Việt Nam không hề là viễn cảnh khi ở Việt Nam các chế tài quản lý về TMĐT vẫn còn chưa chặt chẽ và người tiêu dùng lại thường không quan tâm đến vấn đề này một cách cụ thể.
Với việc Amazon chính thức đặt nền móng vào TMĐT ở Việt Nam, cuộc chơi đang đến hồi gay cấn hơn bao giờ hết. Và chúng ta có quyền hi vọng vào việc sẽ “mừng nhiều hơn lo”.

Duy Khánh (tổng hợp)