Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Quảng Nam.

Theo báo cáo tại cuộc họp, trong 7 tháng đầu năm 2022, các đơn vị, lực lượng chức năng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 625 vụ việc, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 258 tỷ đồng. Tiến hành khởi tố 128 vụ/317 đối tượng.

Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử được tăng cường triển khai đến các cơ quan, đơn vị thành viên. Trên cơ sở đó, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị; chủ động nắm bắt tình hình, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Chưa phát hiện có vụ việc nổi cộm xảy ra trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.

Qua thực hiện các biện pháp nghiệp vụ các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện 01 vụ việc vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại điện tử (hoạt động giới thiệu, bán hàng qua mạng xã hội facebook). Lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 3 triệu đồng, hành vi phạm là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, trị giá tang vật vi phạm là 4,5 triệu đồng, hàng hóa vi phạm là Kit test nhanh Covid – 19.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng: Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mai và hàng giả, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng. Trong đó tuyên truyền với nội dung phong phú, ngoài các phương tiện truyền thông truyền thống như báo, đài, cần đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội. Đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu cho công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đề nghị các ngành phối hợp chặt chẽ với Chi cục Quản lý thị trường trong công tác. Tăng cường quản lý chặt thị trường giá, đặc biệt là lĩnh vực khoáng sản, bất động sản, thuốc, dược liệu…

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng đã chỉ ra những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai. Trong đó, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác quản lý, thanh, kiểm tra còn thiếu hoặc chưa được trang bị; tại một số đơn vị, cán bộ làm công tác kiêm nhiệm, nhiều lĩnh vực chưa được đào tạo chuyên sâu nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực thi công vụ.

Ngoài ra, hiện nay, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử bán hàng trên mạng còn có nhiều bất cập như: Việc bán hàng qua mạng xã hội như facebook, Zalo… rất phổ biến, hầu hết hàng hóa giao dịch không có hóa đơn, chứng từ, nhiều chủ thể bán hàng là cơ sở nhỏ lẻ sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, xác minh truy tìm dấu vết để kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính.