ISSN-2815-5823
ĐẶNG NGUYỆT
Chủ nhật, 17h20 11/02/2024

Ngành dệt may tăng tốc trên đường đua xuất khẩu

Cover image
Ngành dệt may Việt Nam đã có một khởi đầu thuận lợi trong tháng 1/2024 khi là một trong 4 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và đang tiếp tục trên đường đua xuất khẩu.

Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, trong tháng 1/2024, chỉ số sản xuất của ngành dệt may khá tích cực với dệt tăng 46,2%; sản xuất trang phục tăng 20,9%, quần áo mặc thường tăng 25,8% hay sản phẩm vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 57%...

Cùng với đó, dệt may cũng là một trong 4 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD với mức tăng trưởng 28,6% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả khả quan này được cho là nhờ sự hồi phục của các doanh nghiệp kể từ cuối năm 2023 khi nhu cầu may mặc dịp lễ Tết tăng giúp đơn hàng dần tăng trưởng trở lại.

Ngành dệt may tăng tốc trên đường đua xuất khẩu
Chỉ số sản xuất của ngành dệt may khá tích cực trong tháng 1/2024.

Chẳng hạn như Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, hiện đã ký được những đơn hàng mới cho nửa đầu năm 2024. TNG theo đó cũng đã lên kế hoạch doanh thu năm 2024 tăng từ 5-10% so với năm trước đó.

Tương tự, Tổng Công ty May 10 - CTCP ghi nhận số lượng đơn hàng chưa dồi dào nhưng không còn quá khó khăn như năm 2023 nhờ giữ được uy tín với các nhà nhập khẩu. May 10 đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 130 tỷ đồng, với thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng.

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, năm 2024 có những điểm sáng cho ngành dệt may hồi phục trở lại, đặc biệt là ở những thị trường xuất khẩu lớn và truyền thống của ngành. Trong đó, một động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại là việc Mỹ với tín hiệu có thể có 3 đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%.

Ngoài ra, các nước cạnh tranh đối mặt với nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang, còn Việt Nam là điểm đến an toàn và là một động lực mới cho đơn hàng có thể trở lại Việt Nam tốt hơn. Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP đạt mức cao hơn so với năm 2023.

Ngành dệt may tăng tốc trên đường đua xuất khẩu
Năm 2024 có những điểm sáng cho ngành dệt may hồi phục trở lại.

Tuy vậy, dựa trên bài học kinh nghiệm từ năm 2023, hiện nay thị trường thế giới biến động rất khó lường, do đó việc chuẩn bị tâm thế vững chắc với nội lực đủ mạnh để chớp thời cơ và nâng cao sức chống chịu là khuyến cáo chung được các chuyên gia phân tích đề cập đến.

Chính các doanh nghiệp dệt may trong nước trên cơ sở sức khỏe thực tế đều nên có định hướng và những biện pháp ứng phó cụ thể.

Theo ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc May 10, doanh nghiệp sẽ chủ yếu tập trung vào việc tìm kiếm và khai thác thị trường trong nước và quốc tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong chiến lược đa dạng hóa mặt hàng, khách hàng và thị trường.

Ngoài ra, cũng tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng hợp lý và tinh gọn, chú ý công tác phục vụ cho sản xuất, nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm, sản phẩm mới - chất lượng mới, thúc đẩy tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp và thời hạn gian giao hàng nhanh…

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh đầu tư thiết bị theo chiều sâu, dùng thiết bị tự động hóa và số hóa nhiều hơn để cho ra mặt hàng giá trị cao và tập trung cải thiện năng suất lao động.

Ngành dệt may tăng tốc trên đường đua xuất khẩu
Đơn hàng dệt may đang dần tăng trở lại

Ông Đặng Vũ Hùng - Thành viên HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo ông, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận một thị trường rộng lớn khi 16 FTA đã có hiệu lực. Vai trò chuỗi cung ứng rất quan trọng khi các hiệp định vào cuộc. Khách hàng sẽ đến với nhà cung ứng có thể cung cấp trọn gói sản phẩm dệt may. Thị trường hiện đang ấm dần, nhiều tập đoàn bán lẻ trong khối thành viên FTA như Canada, Úc, Châu Âu… đã tìm tới Việt Nam để có được chuỗi cung ứng giá cạnh tranh.

Theo đó, Tập đoàn dệt may Việt Nam sẽ duy trì thực hiện liên kết doanh nghiệp sản xuất sợi dệt vải để hoàn thiện chuỗi cung ứng. Đối với mảng dệt kim, tập đoàn sẽ xây dựng chuỗi cung ứng cụ thể đối với từng dòng sản phẩm thị trường mục tiêu, đa dạng hóa mặt hàng, xây dựng giải pháp, phát triển phù hợp và phát huy được khả năng của đội ngũ cho từng thị trường, hoạch định.

Theo đại diện cho doanh nghiệp ngành sợi, ông Trần Hữu Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinatex Phú Hưng, quan điểm quản trị và điều hành các công ty sẽ hiện nay phải thay đổi để phù hợp với xu thế mới vì môi trường dệt may trở nên nhạy cảm và linh hoạt với bất kỳ sự biến động nào đến từ các yếu tố của nền kinh tế và chính trị trên thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, việc chú trọng tập trung thu mua nguyên liệu (chiếm 70-80% giá thành sản phẩm) là vô cùng quan trọng thay vì quản trị nhà máy - một yếu tố đem lại hiệu quả cho ngành. Bởi lẽ nó quyết định hiệu quả của ngành sợi trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Theo Lãnh đạo Vinatex Phú Hưng, hy vọng doanh nghiệp sẽ giảm lỗ và có lãi kể tứ quý ll, quý III năm nay vì sợi đã bắt đầu có đơn hàng mới. Ông nhấn mạnh rằn, tâm thế của chúng ta hiện nay không phải là ứng phó với khó khăn mà là nắm bắt thời cơ để có hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, tiếp tục tiết kiệm, đảm bảo chi phí sản xuất tốt, có hiệu quả sớm và chuẩn bị những điều kiện về thiết bị, năng lực quản trị sản xuất với năng suất và chất lượng cao nhất./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/05/2024