Đơn hàng tăng, ngành sản xuất có bước chạy đà tích cực
Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2024 Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì vị trí “đầu tàu” trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước |
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của S&P Global, chỉ số quản trị mua hàng của ngành sản xuất Việt Nam (PMI) đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024.
Trong tháng đầu tiên của năm 2024, chỉ số PMI của Việt Nam đạt mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12/2023. Kết quả chỉ số cho thấy, sức khỏe của ngành sản xuất cải thiện lần đầu tiên sau 5 tháng. Các nhà sản xuất Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, khi những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Tháng 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ. Cùng với tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới, ngay những ngày đầu năm, khí thế thi đua lao động sản xuất trong các công trường, nhà máy, doanh nghiệp diễn ra sôi nổi.
Tại TP.HCM, đơn hàng đã ký đến hết năm 2024 với sản lượng sản xuất trên 150.000 tấn cấu kiện thép, tăng hơn 50% so với năm trước. Những ngày đầu năm, công nhân ở các nhà máy làm việc 3 ca/ngày, thậm chí sản xuất xuyên Tết để kịp tiến độ giao hàng.
Sôi nổi khí thế làm việc đầu năm. (Ảnh minh họa) |
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tháng 1 vừa qua, xuất khẩu giày dép đạt 1,85 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ với nhiều triển vọng tươi sáng trong năm 2024. Các doanh nghiệp cho biết là đơn hàng sau Tết cũng tương đối ổn định với các đối tác chính là Mỹ, Eu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tại TP.HCM, theo đánh giá của ngành chức năng, sản xuất công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xuất khẩu tháng đầu năm ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Hầu hết doanh nghiệp có đơn hàng ổn định sau Tết Nguyên đán.
TP.HCM cũng nhận định, bức tranh kinh tế tháng đầu năm nhiều thuận lợi - thách thức đan xen. Với khí thế lao động sôi nổi tại các nhà máy và quyết tâm cao của doanh nghiệp, người lao động, TP.HCM có cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng quý 1 không thấp hơn 6,5%.
Ngành sản xuất đang có dấu hiệu hồi phục khi kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất trong tháng 1/2024 tăng mạnh do sức cầu của thị trường thế giới đang có dấu hiệu cải thiện.
Nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu hồi phục là yếu tố then chốt giúp số lượng đơn hàng tăng. Các nhà sản xuất đang lạc quan về triển vọng tăng trưởng sản lượng trong năm 2024, với hy vọng nhu cầu sẽ cải thiện hơn nữa.
Dữ liệu được Tổng cục Thống kê công bố gần đây ghi nhận tín hiệu tích cực về "sức khỏe" của ngành sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đáng lưu ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam bắt đầu nhập khẩu nhiều hơn. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) nhìn nhận, đây là bước "chạy đà" cho xuất khẩu đạt tăng trưởng khá trong năm 2024./.
HƯƠNG LAN