ISSN-2815-5823
QUANG ĐỨC
Thứ bảy, 15h00 03/02/2024

Xuất khẩu thủy sản khởi sắc

(KDPT) - Thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu thủy hải sản đã có nhiều chuyển biến khởi sắc, mở ra những kỳ vọng mới cho doanh nghiệp và người dân.
Năm 2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so kế hoạch (10 tỷ USD)
Năm 2023, xuất khẩu thủy sản ước đạt 9,2 tỷ USD, đạt 92% so kế hoạch (10 tỷ USD). Mục tiêu năm 2024 thủy sản sẽ mang về 9,5 tỷ USD.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), năm 2023, lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh trong nước như chi phí đầu vào cho cả chuỗi cung ứng đều tăng, thẻ vàng IUU ảnh hưởng đến xuất khẩu hải sản sang EU… Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới thì mức sụt giảm 18% so với mức đỉnh gần 11 tỷ USD của năm 2022 không phải là quá bi quan.

Càng về cuối năm, đã thấy rõ những tín hiệu hồi phục xuất khẩu, khi đơn hàng từ các thị trường bắt đầu khởi sắc.

Về tổng thể, năm 2023, xuất khẩu những mặt hàng chính là tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm 16-25%. Xuất khẩu các loài cá khác (chủ yếu là cá biển: cá thu, cá hồi, cá nục, cá cơm, cá minh thái…) giảm nhẹ 7%, cua ghẹ cũng giảm 4%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 20% và nhuyễn thể có vỏ (nghêu, sò, ốc…) giảm 14%.

Nguyên nhân lớn nhất kéo kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm qua tụt xuống đó là giá nhập khẩu tại các thị trường đều giảm sâu.

Đơn cử, giá xuất khẩu trung bình cá tra và tôm chân trắng xuất khẩu sang Mỹ tới cuối năm 2023 giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, trong đó giá tôm giảm 31% từ mức đỉnh 14,7 USD/kg tháng 8/2022 xuống còn 9,7 USD/kg vào tháng 12/2023.

Giá xuất khẩu cá tra giảm sâu hơn (-47%) từ mức đỉnh 5,26 USD xuống 2,8 USD/kg.

Năm 2024, vẫn còn những khó khăn thách thức, nhưng với sự nỗ lực, khả năng thích ứng của doanh nghiệp thủy sản, cùng với những tín hiệu hồi phục thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9,5 tỷ USD.

Xu hướng tăng đơn hàng và những biến động địa chính trị, các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, EU với Nga, của Trung Quốc với Nhật Bản… sẽ gây ra thiếu hụt cục bộ về nguồn cung thủy sản ở những thị trường lớn này. Do vậy, lượng hàng tồn kho sẽ giảm mạnh và dự đoán sẽ cạn kiệt trong nửa đầu năm.

Từ đó có thể suy luận xu hướng giá thấp của năm trước sẽ chấm dứt trong năm nay. Dự báo giá các loài thủy sản sẽ tăng trở lại từ quý II và có thể tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.

Theo VASEP, trong khó khăn, các doanh nghiệp có thể sẽ có những cú “bẻ lái” về thị trường và sản phẩm xuất khẩu, biến thách thức thành cơ hội.

Theo số liệu thống kê của ITC cho thấy, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thủy sản của một số thị trường lớn như Hoa Kỳ và Hàn Quốc bắt đầu có tín hiệu phục hồi, trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, Nhật Bản vẫn giảm mạnh. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 6 cho Hoa Kỳ, sau Canada, Chile, Ấn Độ, Indonesia, Ecuado.

Thời gian qua, nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Chính phủ và các địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, khai thác, chế biến sâu. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu thủy sản ra các nước trên thế giới.

10 xu hướng thị trường và dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2024

Thứ nhất, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.

Thứ hai, xung đột Nga - Ukrain, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới chắc chắn làm xáo trộn thương mại toàn cầu trong đó có thủy sản. Hệ lụy sẽ làm chi phí vận tải tăng, các giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Cũng có thể gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024.

Thứ ba, tôm Việt Nam sẽ tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung, tình trạng dư cung có thể vẫn tiếp diễn tới nửa đầu năm (sản lượng tôm thế giới năm 2024 sẽ tăng 4,8% lên 5,9 triệu tấn).

Ecuador và Ấn Độ đang tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, đồng thời tăng xuất khẩu tôm chế biến dù tỷ trọng còn khiêm tốn.

Thứ tư, tồn kho cá tra tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU không còn là vấn đề. Giá xuất khẩu sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm phile đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng.

Thứ năm, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Thứ sáu, về tiêu thụ, nhu cầu thị trường tập trung vào các phân khúc hàng giá rẻ hơn như cá hộp, cá nguyên liệu để chế biến cá hộp, cá khô, tép khô.

Thứ bảy, chu kỳ giảm giá nhiều loài thủy sản có thể vẫn tiếp diễn tới hết nửa đầu năm 2024.

Thứ tám, chi phí thức ăn tiếp tục là thách thức lớn cho cả ngành nuôi tôm và cá tra

Thứ chín, do nhu cầu hồi phục chậm và xu hướng tăng nhập khẩu tôm giá rẻ từ Ecuador. Do đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ khó khăn hơn nếu bị áp thuế chống trợ cấp (CVD).

Thứ mười, nhu cầu thị trường Trung Quốc phục hồi mạnh hơn, nhưng trả giá thấp, khó cạnh tranh.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 30/10/2024