Sân chơi ứng dụng gọi xe công nghệ ngày càng khốc liệt
Việt Nam đã có gần 10 loại hình dịch vụ vận tải bằng ứng dụng từ các hãng khác nhau. Điều này cho thấy sự phổ biến cũng như giá trị kinh tế mà loại hình này đem lại.
Tưởng như mọi việc an bài khi Grab mua lại Uber, nhưng cuộc chiến ứng dụng gọi xe lại bắt đầu nóng lên với sự châm ngòi của Go-Jek, Aber, MVL… Dù thế nào thì cạnh tranh cũng sẽ khiến khách hàng được lợi hơn.
Sau khi Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á nhường cho Grab chính thức từ ngày 9/4, hàng loạt các công ty đã giới thiệu các ứng dụng gọi xe của mình để cạnh tranh cùng Grab.
Hai ứng dụng gọi xe là Go-Jek từ Indonesia, và MVL từ Singapore đang tích cực mời gọi giới tài xế Việt Nam để chuẩn bị “xuống đường vào đầu tháng 7 tới.
Suốt một thời gian dài, Uber và Grab cạnh tranh với nhau và với các doanh nghiệp khác bằng các mã khuyến mại cho khách hàng, nay sẽ “thống nhất về một mối”. Trước khi Go-Jek chính thức vào thị trường, Grab sẽ là “ông lớn” duy nhất còn lại tại Việt Nam. Như vậy, người dùng rất có thể bị giảm cơ hội được hưởng các mã khuyến mại.
Cũng không loại trừ khả năng, Grab sẽ tăng giá vận chuyển, tăng tỷ lệ doanh thu với lái xe. Điều này rất dễ xảy ra khi chỉ có một hãng chiếm thị phần lớn và gần như độc quyền.
Vì vậy, những động thái vừa qua của Go-Jek là tín hiệu tích cực cho thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam, khi xuất hiện thêm đối thủ cạnh tranh mới có khả năng tài chính, công nghệ mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp, những hãng taxi truyền thống của Việt Nam hay các ứng dụng công nghệ gọi xe như Vivu (FaceCar), Carento, 123 Xe… sẽ có cơ hội lấy lại thị trường, mở rộng thị phần. Tuy nhiên, sẽ rất khó để các hãng taxi truyền thống có thể cạnh tranh với Grab và các ứng dụng công nghệ có thể “bật lên”, nếu không có sự đầu tư lớn, mạnh, cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và sự ủng hộ của người dùng.
Cũng tham gia vào gọi xe công nghệ, ông Hồ Huy – chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cho biết đơn vị cũng nhanh chóng tung ra thị trường ứng dụng gọi xe Mai Linh Bike và cam kết chỉ thu 15% chiết khấu doanh thu chuyến đi của tài xế, thấp hơn 5% so với GrabBike. Mức giá cước được Mai Linh Bike áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu và 3.700 đồng/km tiếp theo, và cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm.
Thị trường thêm sôi động, khi ứng dụng Aber vừa chính thức công bố ra mắt thị trường Việt Nam để cạnh tranh với Grab, VATO… vào ngày 8-6, với điểm mới là không thu chiết khấu của tài xế.
Ông Huỳnh Lê Phú Phong – đại diện Aber cho biết sẽ tung ra 6 sản phẩm dịch vụ như: Aber Bike – xe ôm công nghệ; Aber Car – taxi công nghệ; Aber Truck -xe giao thàng; Aber Travel -trải nghiệm du lịch; Aber Business -xe doanh nghiệp, Aber Express – dịch vụ giao hàng.
Khác với Grab, với một chuyến đi Aber sẽ trừ 10% chi phí sử dụng ứng dụng của khách hàng được tính vào giá cước của chuyến đi đó.
Về giá cước ban đầu, Aber Bike tính 11.000 đồng/2km đầu và từ kilomet tiếp theo 3.500 đồng/km.
Với 2km đầu, Aber Car từ 5 – 7 chỗ có giá từ 22,500 – 27,000 đồng/km; và những kilomet tiếp theo sẽ được tính 9,900 đồng/km.
“Chúng tôi khẳng định sẽ không tăng giá cước vào giờ cao điểm nhưng sẽ phụ phí thêm khi đón khách vào thời gian sau như khung giờ 0h sáng đến 5h sáng hàng ngày từ thứ 2 đến Chủ nhật. Hay việc thay đổi lộ trình hoặc dừng tại nhiều điểm không có trên lộ trình, thu mỗi điểm dừng nhỏ, nhỏ hơn hoặc bằng 2km, áp dụng tối đa cho 3 điểm dừng là 25.000 đồng” – đại diện Aber nói.
Ngoài ra, Aber sẽ không trừ tiền sử dụng App nếu tài xế không đạt doanh thu đặt ra của Aber.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông – Vận tải) cho rằng: “Nhà cung cấp nào mang đến dịch vụ tốt nhất, phù hợp với sở thích của người dân thì sẽ được ưa chuộng. Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, người dân mong muốn sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng gọi xe. Thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn thì người dân càng được hưởng lợi”.
Công Trang