ISSN-2815-5823

Sẵn sàng để thích ứng với các yêu cầu hội nhập CPTPP

(KDPT) – Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức thông báo hoàn tất thủ tục pháp lý với nước lưu chiểu (NewZealand). Để tận dụng được các cơ hội và hạn chế thách thức từ CPTPP, cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp cần sẵn sàng thích ứng.

Nhiều cam kết mở cửa

Theo qui định chung của CPTPP, hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày có ít nhất 6 nước ký kết, hoặc ít nhất 50% số nước ký kết hiệp định thông báo cho Cơ quan lưu chiểu hiệp định (NewZealand) bằng văn bản rằng họ đã hoàn thành các thủ tục pháp lý. Đến nay, đã có 6 nước chính thức thông báo hoàn thành phê chuẩn CPTPP gồm: Mexico, Nhật Bản, Singapore, NewZealand, Canada, Úc – hiệp định sẽ có hiệu lực với 6 nước này kể từ ngày 30/12/2018. Đối với Việt Nam, Quốc hội đã phê chuẩn CPTPP ngày 12/11/2018, dự kiến sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo chính thức với nước lưu chiểu.

Ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn CPTPP. Ảnh minh họa

Theo cam kết tại CPTPP, Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 100% số dòng thuế, trong đó, 65,8% dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4; khoảng 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11; các mặt hàng còn lại Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.

Đối với thuế xuất khẩu, trong CPTPP có 3 nước hiện nay đang áp dụng gồm Việt Nam, Malaisia, Canada. Tuy nhiên, cả 3 nước đều cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu, ngoại trừ các nhóm mặt hàng được bảo lưu. Trong đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi CPTPP có hiệu lực; một số nhóm mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) Việt Nam được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.

Ngoài cam kết về thuế, Việt Nam cũng cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ tài chính mới như: dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới, một số loại hình dịch vụ chứng khoán; bổ sung các cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư như cơ chế giải quyết tranh chấp, nguyên tắc đối xử tối thiểu MST. Mặc dù vậy, Việt Nam cũng được quyền áp dụng các biện pháp thận trọng, các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân, các chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư ổn định, an toàn.

Trong lĩnh vực hải quan, Việt Nam cam kết thủ tục hải quan đáp ứng yêu cầu CPTPP với thời gian giải phóng hàng chuyển phát nhanh trong vòng 6 giờ; thời gian giải phóng hàng hóa trong vòng 48 giờ khi nhập cảnh hải quan, thông tin xử lý bằng phương thức điện tử trước khi hàng đến; tuân thủ các qui định về xuất xứ hàng hóa, quản lý rủi ro… của CPTPP. Trong các qui định về hải quan, đáng chú ý là cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện tại là doanh nghiệp có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp, điều này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang rốt ráo hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện CPTPP để đảm bảo có hiệu lực đồng thời cùng với thời điểm CPTPP có hiệu lực.

Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh để thích ứng hội nhập CPTPP

Chuẩn bị tốt để hóa giải thách thức khi hội nhập

Theo nhận định của Bộ Tài chính, CPTPP sẽ mang lại cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu và gắn kết chặt chẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong các chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao. Đây cũng là cơ hội giúp cho Việt Mam hoàn thiện thể chế, khung pháp lý, tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế trong quản lý và giám sát thị trường bảo hiểm, chứng khoán, cải cách doanh nghiệp nhà nước và mua sắm chính phủ, cải cách thủ tục hải quan, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Tuy nhiên, một số ngành sản xuất trong nước có năng lực cạnh tranh yếu như chăn nuôi, chế biến thực phẩm, ô tô, dược phẩm… sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với hàng hóa từ các nền kinh tế phát triển trong khối CPTPP. Thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam cũng sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh mạnh với các nước CPTPP đã có thị trường này phát triển ở mức cao. Việc quản lý, giám sát dòng vốn, đảm bảo sự an toàn của thị trường tài chính sẽ gặp nhiều thách thức do tính liên thông giữa trong nước và quốc tế. Thách thức nữa là trình độ quản lý và môi trường pháp lý Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa theo kịp tiêu chuẩn thế giới và tiêu chuẩn của các nước thành viên CPTPP. Thu ngân sách Nhà nước từ các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng, dù lộ trình đã được thông báo trước.

Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng, để tận dụng hiệu quả cơ hội và giảm thiểu thách thức từ CPTPP, cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, tài chính, ngân sách để đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng kế hoạch thực thi các cam kết cụ thể, trong đó lưu ý nội luật hóa các cam kết để minh bạch, công khai; đồng thời kết hợp với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung cam kết cho các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp.

Cần tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo chất lượng hàng nhập khẩu và góp phần bảo vệ các ngành sản xuất trong nước; tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng các hình thức hợp tác, đầu tư trong quá trình tái cơ cấu; tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và các ngành sản xuất; phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, gắn kết mạng sản xuất với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng quốc tế; tăng cường vai trò giám sát các hoạt động thị trường tài chính, đặc biệt lĩnh vực dịch vụ tài chính nhằm đảm bảo minh bạch, công bằng, hạn chế tiêu cực và phù hợp với các tiêu chuẩn chung trên thế giới cũng như các cam kết trong CPTPP.

Đối với các doanh nghiệp, cần phải xác định được lợi thế của mình, định vị được ngành hàng, từ đó chủ động đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, phối hợp với các cơ quan nhà nước trong quá trình đàm phán để bảo vệ lợi các ích của doanh nghiệp, ngành hàng mình. Doanh nghiệp cần phải nắm bắt đầy đủ cam kết về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó chủ động xây dựng chiến lược điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp để tận dụng các cơ hội và sẵn sàng cạnh tranh. Các hiệp hội ngành nghề cần chủ động tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, góp ý kiến và cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước để hoạch định chính sách phù hợp.

Theo Báo Công Thương Điện Tử



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024