Sắp vào mùa vải: Lo trước, liệu có vui sau?
Vải và nhãn là hai loại cây ăn quả chủ lực của các tỉnh miền Bắc với tổng diện tích năm 2017 là 98.000ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả miền Bắc. Dự tính, năm 2018 sản lượng vải 3 tỉnh ước đạt trên 217.000 tấn (Bắc Giang trên 150.000 tấn, Hải Dương 55.000 tấn, Hưng Yên 12 nghìn tấn).
Nỗi lo “được mùa mất giá” đối với hai loại quả này hoàn toàn có cơ sở, khi năm nay được dự báo là bội thu về sản lượng, dễ dẫn tới tình trạng giá cả đi xuống làm ảnh hưởng tới thu nhập của người trồng.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn, tỉ trọng vải tiêu thụ nội địa hiện đạt khoảng 50% và đang có xu hướng gia tăng (Hà Nội, TP.HCM là những thị trường tiêu thụ lớn).
Đến nay, vải đã được kết nối tiêu thụ trong hệ thống phân phối bán lẻ tại mạng lưới các siêu thị lớn Metro, Co.opmart, Hapro, BigC… và các chợ đầu mối và được xuất khẩu đến nhiều quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia… Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính đối với vải, nhãn Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, sẽ tạo điều kiện để các tỉnh tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội, như tại Hội chợ ở Hoàng Quốc Việt. Đồng thời lưu ý các tỉnh quan tâm tới thị trường phía Nam.
Với thị trường Trung Quốc, “Chúng ta đã cử người sang Quang Tây để tìm hiểu thông tin, cung cấp cho người dân và các tỉnh. Không được chủ quan trong khâu thị trường. Mục tiêu lớn nhất là tạo ra giá trị cao cho người nông dân. Được mùa nhưng không được mất giá ”.
Trước đó, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: “Cục đã làm việc với Trung tâm Xúc tiến thương mại, một số vùng trọng điểm sản xuất vải, nhãn tập trung cùng một số trung tâm phân phối, tiêu thụ sản phẩm để kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong nước”.
Trong đó, tập trung vào kênh phân phối siêu thị để phân phối hàng hóa trong thị trường nội địa và việc kết nối với các doanh nghiệp lớn thu mua nhằm xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho hay: “Năm nay, nhiều vùng sản xuất vải, nhãn đã mở rộng quy mô sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… để nâng cao chất lượng sản phẩm. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu”.
Về việc tiêu thụ vải nhãn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Sơn La sớm hoàn thành hai nhà máy chế biến rau quả, để giúp giảm áp lực cho người dân phải bán hoa quả tươi.
Duy Khánh (tổng hợp)