Ngay cả khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine chưa xảy ra, nền kinh tế toàn cầu vốn dĩ đã ở tình trạng báo động với một loạt gánh nặng như lạm phát gia tăng, các chuỗi cung ứng phức tạp, bên cạnh giá cổ phiếu sụt giảm. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine vừa phóng đại những mối đe dọa nói trên, vừa làm phức tạp các giải pháp tiềm năng cho nền kinh tế thế giới.

Ngay khi cuộc chiến xảy ra, Mỹ và EU đã đi tiên phong trong việc phối hợp nỗ lực quốc tế áp đặt trên 5.000 lệnh cấm vận với Nga, khiến Nga trở thành một trong số ít các nước bị cấm vận ngặt nghèo nhất thế giới.

Các lệnh cấm vận này tập trung vào những “tử huyệt” của nền kinh tế Nga: cấm vận về năng lượng; loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; các tập đoàn lớn rút đầu tư và hoạt động tại Nga; đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài trị giá trên 300 tỉ USD và tịch thu, phong tỏa tài sản của các tỉ phú có liên hệ mật thiết với Tổng thống Putin và chính quyền Nga.

Một kho khí đốt ngầm của Nga ở Kasimov.

Cuộc xung đột này cũng đã đẩy giá vàng, giá dầu lên cao chưa từng thấy. Giá khí đốt ở châu Âu tăng lên mức kỷ lục và giá dầu duy trì trên 100 USD/thùng đang “bào mòn” ví tiền từ doanh nghiệp đến từng người dân, nhất là tại lục địa già. Còn giá vàng phi thẳng lên mốc 2.049 USD/ounce, tăng 7,7% chỉ trong nửa tháng.

Nga và Ukraina hiện cung cấp gần 30% tổng sản lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Ukraina chiếm khoảng 90% xuất khẩu hướng dương. Ngô và lúa mạch cũng đến từ hai nước này với số lượng đáng kể.

Các lệnh trừng phạt nhắm vào ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga khiến nước này không thể xuất khẩu lương thực. Trong khi đó, nguồn cung từ Ukraina cũng bị gián đoạn nghiêm trọng. Nga đã chặn Biển Đen. Ukraina cũng không đủ tàu để vận chuyển lương thực qua đường bộ.

Kết quả, giá ngô và lúa mạch đã tăng lần lượt 36% và 82%.

Bên cạnh đó, giá các kim loại như niken, đồng, bạch kim và palladium đang tăng chóng mặt.

Theo một tính toán, xung đột với Nga khiến kinh tế Ukraine thiệt hại gần 120 tỷ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo ngay cả trong trường hợp cuộc xung đột sớm được giải quyết, Ukraine vẫn bị sụt giảm 10% sản lượng trong năm nay; nếu xung đột kéo dài, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Xung đột Nga-Ukraine, kéo theo các lệnh trừng phạt tạo ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, làm rối loạn thị trường tài chính. Giá năng lượng tăng cao làm tổn hại người tiêu dùng, khủng hoảng năng lượng toàn diện có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu. Brenda Shaffer, chuyên gia về năng lượng cho rằng việc loại bỏ Nga khỏi các thị trường sẽ gây ra “một cú sốc lớn” đối với giá dầu toàn cầu và nền kinh tế thế giới.

Trong vòng 12 tháng tới Mỹ và châu Âu không thể thay thế hoàn toàn nguồn cung cấp dầu khí của Nga. Một số ngành sản xuất ở châu Âu bắt đầu khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu vốn được nhập từ Nga hay Ukraine. Trong số này, phải kể đến các nguyên liệu là kim loại như quặng sắt, alumin, và một số kim loại hiếm.

Các chuỗi cung ứng toàn cầu có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa; lạm phát tăng và thị trường chứng khoán ảm đạm. Giá lương thực, thực phẩm toàn cầu có nguy cơ bị đẩy tăng cao. Lệnh cấm bay áp đặt đối với Nga và phản ứng đáp trả của Moscow đang tác động tiêu cực đến ngành hàng không và du lịch toàn cầu. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022 đang được điều chỉnh giảm.

Để chống lạm phát, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất khi nhóm họp sau hai tuần nữa, nhằm đảo ngược các chính sách lãi suất cực thấp mà chính tổ chức này đã áp dụng vào năm 2020 để giúp giải cứu nền kinh tế khỏi suy thoái do đại dịch.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang rút dần các nỗ lực kích thích đại dịch. Dù vậy, các ngân hàng trung ương phải cân nhắc việc gia tăng áp lực lạm phát trước nguy cơ khủng hoảng Ukraine sẽ làm suy yếu các nền kinh tế.

MINH ANH