ISSN-2815-5823
Thứ tư, 02h42 05/12/2018

Tài sản “bốc hơi” hơn 10.000 tỷ đồng, tỷ phú thép không còn “hòa và phát”?

(KDPT) – Tính đến hết tháng 11 vừa qua, cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã rơi hơn 30% so với đỉnh hồi tháng 3. Với việc nắm giữ hơn 750 triệu cổ phiếu, tổng tài sản của gia đình chủ tịch Trần Đình Long cũng “bốc hơi” 10.800 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát.

Theo Tạp chí Forbes, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) đã không còn trong danh sách tỷ phú USD. Không những không giữ được tài sản (hoà) và gia tăng sự giàu có (phát), thời điểm này chỉ tính riêng tài sản của chủ tịch đã “bốc hơi” 7.700 tỷ đồng so với hồi tháng 3/2018, thời điểm ông Long đã được ghi nhận là người giàu thứ 1.736 trong bảng xếp hạng của Forbes với 1,3 tỷ USD tài sản.

Nguyên nhân trực tiếp đến từ việc rớt giá mạnh của cổ phiếu HPG khi đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, cổ phiếu HPG chỉ còn 33.200 đồng/cổ phiếu, phá đáy 33.750 đồng/cổ phiếu thiết lập hồi tháng 7. So với đỉnh 47.640 đồng/cổ phiếu thiết lập hồi đầu tháng 3, thời điểm ông Long lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes, cổ phiếu HPG đã “bốc hơi” hơn 30%.

Biến động này đã thổi bay 10.800 tỷ đồng khỏi khối tài sản gia đình ông Long khi vợ chồng ông Long nắm giữ tổng cộng hơn 750 triệu cổ phiếu HPG, tỷ lệ sở hữu lên trên 35,3%. Trong đó, riêng ông Long đang trực tiếp nắm giữ hơn 534 triệu cổ phiếu HPG tương đương 25,15% vốn Hòa Phát. Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long cũng nắm giữ 216 triệu cổ phiếu HPG, với tỷ lệ sở hữu 10,2%.

Cổ phiếu trượt dài, khối ngoại liên tục “xả hàng”

Nhìn lại động thái của khối ngoại có thể thấy, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng cổ phiếu HPG từ đầu năm tới nay.

Theo đó, khối ngoại đã bán ròng hơn 9,5 triệu cổ phiếu HPG từ thời điểm cổ phiếu này đạt đỉnh hồi tháng 3, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 40% xuống còn 39,55% (30/11). Nếu tính từ đầu năm, thời điểm tỷ lệ phủ room ngoại lên đến 41,4%, khối ngoại đã “xả” hơn 39 triệu cổ phiếu HPG.

Mới đây nhất, quỹ ngoại đến từ Đức, PENM III dù cam kết gắn bó lâu dài với Hòa Phát nhưng vẫn tiếp tục đăng ký bán bớt 20 triệu cổ phiếu trong tổng số hơn 49 triệu cổ phiếu HPG (tỷ lệ 2,31%) đang sở hữu với mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 16/11 đến 14/12/2018.

Trước đó, PENM III cũng đã bán 10,9 triệu cổ phiếu HPG trên tổng số 20 triệu cổ đăng ký bán trước đó với lý do giá thị trường không đạt kỳ vọng dù vẫn chưa sử dụng hết thời gian đăng ký bán. Giao dịch bán ra này thực hiện từ 5/10 đến 10/10/2018.

Kết quả kinh doanh vẫn tăng nhưng nợ cũng tăng đáng kể

Thực tế, kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2018 vẫn ghi nhận sự tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung ngành thép. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 14.394 tỷ đồng và 2.408 tỷ đồng, đều tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng, HPG đã đạt 41.988 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, Hoà Phát đã hoàn thành 85% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, đáng chú ý, tổng nợ phải trả của Hoà Phát thời điểm cuối quý III đã vượt hơn 31 nghìn tỷ đồng, tương đương 44% tổng tài sản (riêng nợ vay tài chính cũng tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm lên mức 22.000 tỷ đồng). Con số này cao hơn nhiều so với mức 33% mà nhiều công ty chứng khoán đã dự báo về tỷ lệ nợ/tài sản của Hòa Phát sau khi quyết định đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất.

Ngoài ra, thông tin vĩ mô liên quan đến chủ trương tăng thuế nhập khẩu thép của tổng thống Mỹ Donald Trump khiến thuế nhập khẩu thép tăng cũng trở thành rào cản cho các thị trường xuất khẩu thép, trong đó có Việt Nam và đặc biệt là Hòa Phát.

Theo Bizlive

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024