ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 10h05 30/10/2020

Tập huấn tuyên truyền nội dung Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cho phóng viên báo chí

Hội nghị đã nghe PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương thông tin về các nội dung cốt lõi của Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

(KDPT) – Sáng 30-10, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội nghị tập huấn cho phóng viên báo chí tuyên truyền nội dung Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

PGS.TS Phạm Văn Linh đã giới thiệu về chủ đề của Đại hội, nêu rõ 5 thành tố cơ bản: Đại hội được tiến hành theo phương châm: Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển, với chủ đề: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

PGS.TS Phạm Văn Linh quán triệt nội dung tuyên truyền Dự thảo văn kiện Đại hội.

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cũng giới thiệu một số nội dung cơ bản trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nguyên nhân và kinh nghiệm cho thấy, năm năm qua, nắm bắt thời cơ, thuận lợi; vượt qua thách thức, khó khăn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng.

Tổng quát lại, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đất nước tiếp tuc phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế vĩ mô ổn định tăng trưởng liên tục, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới, sức cạnh tranh tiềm lực và quuy mô của nền kinh tế được nâng lên. Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tạo nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, đòi hỏi toàn Đảng phải nghiêm túc nhìn nhận, nỗ lực phấn đấu để khắc phục, tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

PGS.TS Phạm Văn Linh cũng trình bày đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới; Dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới, quan điểm chỉ đạo của Đảng, mục tiêu tổng quát…

Theo đó, mục tiêu tổng quát là nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Các cán bộ, phóng viên dự tập huấn cũng được nghe giới thiệu 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá chiến lươc trong nhiệm kỳ Đại hôi XIII. Cụ thể, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tại buổi tập huấn, PGS.TS Phạm Văn Linh và Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đã giải thích một số câu hỏi của các nhà báo về các mục tiêu chủ yếu, cụ thể trong Dự thảo Báo cáo chính trị; về thời gian lấy ý kiến góp ý văn kiện….

H.L

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024