ISSN-2815-5823

Tập trung phát triển sản phẩm du lịch golf chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng

(KDPT) - Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch golf Hà Nội”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023.

Du lịch golf hiện đang là một trong những sản phẩm du lịch tiềm năng, định hướng phát triển để trở thành sản phẩm chủ lực, khai thác hiệu quả các thế mạnh của golf kết hợp với trải nghiệm du lịch nhằm đóng góp vào sự phát triển Du lịch Việt Nam nói chung và Du lich Hà Nội nói riêng. Sản phẩm du lịch golf được định hướng trở thành chất xúc tác, tạo ra sự khác biệt cho ngành Du lịch Hà Nội.

Dự báo năm 2023, Hà Nội sẽ đón 60.000 lượt khách trải nghiệm du lịch golf; con số này sẽ tăng lên 100.000 lượt vào năm 2025. Ước tính, mỗi khách chi tiêu trung bình 40 triệu đồng trong 5 ngày, chưa gồm vé máy bay. Điều này cho thấy tiềm năng kết khai thác vơi du lịch của môn thể thao này là vô cùng to lớn.

Tọa đàm “Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch golf Hà Nội”.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội đang có 6 cụm sân golf với 10 sân thi đấu mang thương hiệu nổi tiếng, đẳng cấp như sân golf Long Biên, Vân Trì Golf Club, Kings’ Island Golf, sân golf Minh Trí, Legend Hill… cùng với hơn 10 hệ thống sân tập lớn như: sân tập golf Đảo Sen, sân tập golf Hanoi Club… Đây đều là những sân golf lớn, chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế với cảnh quan tự nhiên đa dạng, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu phong phú của người chơi. Các giải thi đấu được tổ chức thường xuyên, chuyên nghiệp; tiến tới sẽ tổ chức các giải đấu thường niên mang thương hiệu quốc tế. Có thể khẳng định, tiềm năng du lịch golf của Hà Nội được đánh giá cao, bởi vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống lưu trú đẳng cấp, văn hóa độc đáo cùng ẩm thực phong phú. Bên cạnh đó, hệ thống sân bãi được thiết kế, đầu tư cực kì chuyên nghiệp và dễ dàng kết nối tới hàng chục sân golf đẳng cấp tại các tỉnh, thành lân cận.

Dù vậy, du lịch golf Hà Nội vẫn còn những thách thức. Sản phẩm du lịch golf chưa thực sự hấp dẫn; số lượng sân golf còn hạn chế; tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf chỉ chiếm 0,8% trong tổng lượng khách du lịch quốc tế; chi tiêu của khách du lịch golf tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa xây dựng được sản phẩm du lịch golf một cách chuyên nghiệp; chưa có các sản phẩm du lịch bổ trợ, kết nối tạo sức hấp dẫn cho sản phẩm golf.

Ngoài ra, chi phí chơi golf ở Việt Nam hiện nay cao hơn từ 1,5-2 lần so với các nước trong khu vực cũng là một hạn chế; việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành với các sân golf còn yếu, chưa có sự “gắn kết” gia tăng giá trị cho đôi bên; du lịch golf hầu như chưa kết nối với các loại hình du lịch khác; thiếu các chương trình, sự kiện, quảng bá, xúc tiến cho sản phẩm du lịch golf trong nước cũng như tại các thị trường tiềm năng…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại buổi Tọa đàm

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, nhằm định hướng phát triển du lịch golf Hà Nội, ngày 10/3 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UB ND về phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2023, trong đó đã đề ra nhiệm vụ chú trọng phát triển sản phẩm du lịch golf.

Theo Kế hoạch, ngành Du lịch Hà Nội sẽ tập trung phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch golf. Cùng với đó, nâng cao khả năng tiếp cận du lịch golf đối với du khách thông qua việc tổ chức các giải đấu golf chuyên nghiệp, hấp dẫn, có thương hiệu, sức hút lớn. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch golf theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối các dịch vụ để xây dựng một sản phẩm trọn gói thực sự hấp dẫn; kết nối sản phẩm du lịch golf với các sản phẩm du lịch thế mạnh của các địa phương.

Du lịch Hà Nội cũng hướng đến xây dựng, định vị Hà Nội thành điểm đến du lịch golf nổi bật của châu Á và thế giới; tăng cường xúc tiến quảng bá về Hà Nội - điểm đến golf chất lượng tại các hội chợ golf lớn, hội chợ du lịch uy tín trong khu vực và trên thế giới; tuyên truyền, quảng bá trên các kênh thông tin, truyền thông lớn, các kênh chuyên về golf.

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh, du lịch golf được đánh giá là một sản phẩm du lịch tiềm năng, đóng góp quan trọng trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Sản phẩm du lịch golf hướng đến phân khúc thị trường cao cấp ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu; qua đó giúp gia tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch, góp phần tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn, tạo việc làm cũng như thu nhập cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng, cần có kế hoạch lâu dài và mang tính tổng thể để Hà Nội phát triển du lịch golf hiệu quả. “Cần định hướng giải pháp khai thác hiệu quả những thế mạnh, tiềm năng để biến thành nét đặc sắc, hấp dẫn của du lịch golf Hà Nội; tạo liên kết, hợp tác giữa đơn vị quản lý sân golf, doanh nghiệp lữ hành, điểm đến và các hàng hàng không; xây dựng và hình thành sản phẩm du lịch golf trọn gói thực sự đặc sắc, hấp dẫn; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hiệu quả các hoạt động du lịch golf…” – ông Nguyễn Hồng Minh kiến nghị.

Sân golf Long Biên – Hà Nội

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Phạm Thành Trí cho rằng, sản phẩm du lịch golf bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt (20%) cũng là một tồn tại khiến sản phẩm du lịch golf kém tính cạnh tranh với các nước trong khu vực. Theo ông Phạm Thành Trí, cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm du lịch golf Việt Nam. Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường du lịch golf thông qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu golf, các giải đấu giữa đội tuyển golf các nước với đội tuyển golf Việt Nam… Tăng cường sự kết nối, trong đó ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf.

Tại buổi Tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch golf. Cần biến tiềm năng thành hiện thực, hoàn thiện các dịch vụ bổ trợ, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá trên mọi phương tiện truyền thông. Đầu tư vào sản phẩm, kết nối với sản phẩm du lịch golf nhằm mang tới nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Mặt khác, cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường du lịch golf; đầu tư chuyên nghiệp cho những sự kiện liên quan tới golf để thu hút ngày càng đông người chơi golf nổi tiếng, người chơi golf chuyên nghiệp cũng như du khách đến trải nghiệm. Đẩy mạnh phát triển ngành phụ trợ (sản xuất giầy, quần áo, ly, cốc, sản phẩm lưu niệm gắn với điểm đến diễn ra sự kiện golf) để tạo nên giá trị gia tăng; đồng thời, tạo liên kết giữa các bên để cùng chia sẻ, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024