Techcombank được dự báo sẽ “hưởng lợi” khi thị trường bất động sản tiếp tục ấm lên
Tăng trưởng cho vay vượt xa toàn ngành
Công ty Chứng khoán Vndirect (Vndirect Research) vừa phát hành báo cáo cập nhật về ngân hàng Techcombank (mã: TCB) với tiêu đề: “Theo đà phục hồi của thị trường bất động sản”.
Tại báo cáo trên, Vndirect cho biết, trong quý III vừa qua, thu nhập lãi thuần của Techcombank tăng 22,8% so với cùng kỳ (svck) và được hỗ trợ bởi sự mở rộng mạnh mẽ của dư nợ cho vay, với NIM ổn định.
Trong quý, nhà băng này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cho vay mạnh mẽ, đạt 31,7% svck (+20,8% sv đầu năm). Tính đến cuối quý III/2024, tăng trưởng cho vay so với đầu năm đạt 20,8% và vượt xa mức tăng trưởng tín dụng hệ thống là 9% so với đầu năm.
NIM trong quý vẫn ổn định, chỉ giảm nhẹ 0,1% svck khi lợi suất tài sản (AY) giảm nhanh hơn chi phí vốn (COF).
Về mảng bảo hiểm, TCB đã chấm dứt hợp tác với Manulife và phải trả khoản phí 1.800 tỷ đồng sẽ được ghi nhận là chi phí trong quý IV/2024, làm giảm 6,3% dự báo lợi nhuận trước thuế cả năm 2024.
Tuy nhiên, vào tháng 10 vừa qua, Techcombank đã công bố thành lập Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Techcombank. Các đối tác khác trong liên doanh bảo hiểm phi nhân thọ này sẽ hoạt động dưới thương hiệu của TCB, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về trải nghiệm khách hàng của ngân hàng.
Đáng chú ý, trong quý, chất lượng tài sản của TCB có sự suy giảm nhẹ khi tỷ lệ NPL tăng lên 1,29% từ 1,23% trong quý II/2024. Điều này xảy ra dù giá trị nợ xấu hình thành mới (bao gồm các khoản thu hồi) giảm 49%, do giảm tỷ lệ xóa nợ xuống còn 0,1% trong quý III/2024 từ 0,7% trong quý II/2024.
Dự phóng trong quý IV này lợi nhuận ròng của TCB sẽ giảm 0,1% svck, chủ yếu do việc ghi nhận phí chấm dứt hợp đồng từ việc chấm dứt hợp tác với Manulife.
Theo báo cáo, tăng trưởng lợi nhuận trong quý IV sẽ được thúc đẩy bởi: Tăng trưởng tín dụng dự báo đạt 18,9% so với đầu năm (+1,1% so với quý trước) vào cuối quý IV/2024, vượt mục tiêu của NHNN cho toàn hệ thống là 15% so với đầu năm.
Ngoài ra, nhu cầu cá nhân (+2,3% so với quý trước) sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2024, được hỗ trợ bởi sự phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu vay mua nhà. Trước đó, TCB đã ghi nhận tăng trưởng tích cực trong các khoản vay mua nhà trong hai quý liên tiếp (quý II/2024: +9,7% svck; quý III/2024: +16,6% svck).
NIM theo quý dự báo sẽ ổn định so với quý trước, duy trì ở mức 4,2% trong quý IV/2024, nhờ vào lãi suất cho vay cao hơn bù đắp cho lãi suất tiền gửi cao.
Tăng trưởng năm 2025 đồng hành với thị trường bất động sản
Dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của TCB sẽ đạt 26,3% svck trong năm 2025, nhờ vào: NIM cao hơn; tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ; chi phí dự phòng thấp hơn và tỷ lệ CIR thấp hơn 2,0 điểm % nhờ vào việc áp dụng công nghệ.
Dự báo thu nhập lãi ròng trong năm 2025 sẽ tăng trưởng 20,2% svck, duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ 30,9% svck trong 2024. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ đạt 19,3% svck trong 2025, vượt mức tăng trưởng 18,9% svck trong 2024, nhờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Theo báo cáo, hiện thị trường bất động sản đã có sự phục hồi vững chắc trong hai quý qua khi: cả tổng cung mới và số lượng căn hộ bán ra đều tăng mạnh tại Hà Nội và TP.HCM; và tỷ lệ hấp thụ vẫn cao ~120%. Ngoài ra, giá bất động sản vẫn duy trì ở mức cao tại Hà Nội và TP.HCM.
Dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục do được hỗ trợ bởi: Nhu cầu ở thật ổn định; sự trở lại của dòng vốn nhà đầu tư; sự gia tăng nguồn cung từ các dự án mới và đã khôi phục, được hỗ trợ bởi các thủ tục pháp lý thuận lợi hơn sau khi thực hiện Luật Đất đai sửa đổi và lãi suất vay ổn định sẽ thúc đẩy sự tự tin của người mua nhà.
Về phía doanh nghiệp, với giá bất động sản vẫn duy trì ở mức cao, các doanh nghiệp sẽ cần nguồn vốn để tăng cung. Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu cao từ các nhà phát triển bất động sản, các công ty xây dựng và các nhà cung cấp vật liệu xây dựng, chiếm 67% tỷ trọng dư nợ doanh nghiệp. Về phía cá nhân, lãi suất vay ổn định và nhu cầu ở thật duy trì sẽ thúc đẩy nhu cầu vay thế chấp gia tăng, chiếm 73% tỷ trọng dư nợ cá nhân.
“Chúng tôi tin rằng giá bất động sản duy trì cao, kết hợp với sự phục hồi của nhu cầu ở thực và hoạt động đầu tư sẽ cải thiện thanh khoản trên thị trường bất động sản. Do đó, khả năng thanh lý tài sản của cả khách hàng và TCB, cùng với tình hình tài chính của khách hàng, sẽ được cải thiện.
Với chất lượng tài sản tốt hơn, áp lực xóa nợ và dự phòng sẽ giảm bớt. Chúng tôi dự báo tỷ lệ xóa nợ sẽ giảm xuống 0,45% trong 2025 từ 0,52% trong 2024. Do đó, chi phí tín dụng dự báo sẽ giảm 17 điểm cơ bản svck trong 2025, khiến chi phí dự phòng giảm 3% svck”, báo cáo cho biết./.
- Để du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên phát huy hết tiềm năng
- Thu ngân sách Nhà nước 11 tháng vượt dự toán, đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng
- Bản tin kinh tế - tài chính ngày 5/12: Temu tạm dừng bán hàng tại Việt Nam