Tham vấn xây dựng kế hoạch hành động Quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh
Hội thảo thể hiện một bước tiến cơ bản của Việt Nam đối với việc thực hiện cam kết tăng cường đẩy mạnh bình đẳng giới, hòa bình và an ninh cho phụ nữ và trẻ em gái trong nước. Thông qua việc tập hợp các cơ quan và tổ chức hữu quan, và thúc đẩy hợp tác, Việt Nam hướng tới giải quyết các vấn đề quan trọng và thiết lập khuôn khổ cho một xã hội toàn diện, an toàn và hòa bình hơn.
Đây cũng là minh chứng mạnh mẽ cho nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện thực hóa các nguyên tắc của Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra vào tháng 10 năm 2000 thông qua Nghị quyết 1325 (UNSCR 1325) và các Nghị quyết tiếp theo về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Tại hội thảo, hơn 200 các lãnh đạo chính phủ, đại biểu và đại diện từ nhiều bộ ngành, các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, cơ quan Liên Hợp Quốc, chính quyền địa phương, viện nghiên cứu và tổ chức xã hội đã cùng thảo luận và xây dựng kế hoạch hành động quốc gia đầu tiên của Việt Nam về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (NAP WPS).
Phát biểu tại hội thảo, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết: “Kế hoạch hành động quốc gia được thảo luận ngày hôm nay thể hiện bước tiến lớn nhằm hướng tới một môi trường phát triển toàn diện, bình đẳng và an toàn hơn cho phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam. Kế hoạch này nhấn mạnh tầm quan trọng sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực: chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, cũng như vai trò quan trọng của họ trong việc duy trì hòa bình, an ninh trong nước và quốc tế.
Theo bà Pauline Tamesis, trong hành trình này, cần nhớ rằng chúng ta không chỉ định hình một kế hoạch quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh mà chúng ta đang định hình tương lai của phụ nữ, trẻ em gái ở Việt Nam cũng như hòa bình và an ninh của Việt Nam.
Hội thảo thể hiện một bước tiến cơ bản của Việt Nam đối với việc thực hiện cam kết tăng cường đẩy mạnh bình đẳng giới, hòa bình và an ninh cho phụ nữ và trẻ em gái trong nước. |
NAP WPS sẽ là một điểm nhấn quan trọng của Việt Nam trong việc áp dụng Chương trình Nghị sự Phụ nữ, Hòa bình và An ninh vào bối cảnh văn hóa Việt Nam, thông qua bốn trụ cột - phòng ngừa, bảo vệ, tham gia, cứu trợ và phục hồi - để giải quyết các mối đe dọa an ninh, trong đó bao gồm các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đang gia tăng như: biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, an ninh mạng, và đại dịch.
Các thành viên Ban soạn thảo Quốc gia bao gồm đại diện: Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc Phòng, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Quốc hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Đoàn Thanh niên. Ban Soạn thảo Quốc gia và Bộ chủ trì là Bộ Ngoại giao dự kiến sẽ trình bản Kế hoạch hoàn thiện cho Thủ tướng phê duyệt vào tháng 12/2023.