Thanh Hóa ra mắt mô hình 'Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng VneID'
Người dân thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VnelD tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa |
Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06). Tính đến ngày 19/5/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu nhận được 3.325.898 hồ sơ CCCD; nhận và trả 2.911.920 thẻ CCCD cho công dân; thu nhận được 1.403.071 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử (trong đó hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 là 882.662 hồ sơ).
Toàn cảnh tại buổi lễ |
Các đơn vị Công an và Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với nhau, tiến hành rà soát, làm sạch dữ liệu người tham gia bảo hiểm. Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 675 cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế, trong đó 100% cơ sở đã triển khai thực hiện khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chíp; tổng số lượt tra cứu là 4.405.812 lượt trong đó có 2.785.547 lượt tra cứu thành công, số lượng CCCD được đồng bộ với thẻ bảo hiểm y tế còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh bằng CCCD là 2.922.436.
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Việc triển khai sử dụng CCCD gắn chip để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính, là minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, Chính phủ số, tạo điều kiện tối đa cho người có thẻ bảo hiểm y tế về các thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, không phát sinh bất kỳ thủ tục giấy tờ, thời gian thực hiện thủ tục khám, chữa bệnh được tiết giảm tối đa. Do đó, việc triển khai Mô hình điểm “Khám chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID” phải được thực hiện có chiều sâu, tạo sức lan tỏa lớn; phát huy hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho tất cả công dân trong quá trình khám, chữa bệnh.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong năm 2023, ông đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn cần tiếp tục xác định Đề án 06 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột phá nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số, hướng đến lợi ích chung, lấy lợi ích của người dân là trung tâm; tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu, khẩn trương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06.
Đặc biệt, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID thay thế thẻ BHYT cho người dân đến khám, chữa bệnh thông qua việc hướng dẫn, pano, áp phích... tại bộ phận tiếp nhận bệnh nhân ban đầu, hạn chế tối đa việc yêu cầu người dân xuất trình thẻ BHYT giấy, ứng dụng VssID để khám chữa bệnh; đầu tư trang bị đầu đọc mã Qrcode theo quy chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông; đảm bảo duy trì tỷ lệ 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn (bao gồm cả công lập và tư nhân) sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử, ứng dụng VNeID thay thế thẻ BHYT, ứng dụng VssID khi khám, chữa bệnh.