ISSN-2815-5823

Tháo gỡ khó khăn trong tái cơ cấu nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long

(KDPT) – Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước. Dù vậy, sự phát triển của ngành vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng “được mùa, mất giá” cứ lập đi lặp lại từ nhiều năm nay, khiến đời sống nông dân vẫn còn khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, các tỉnh, thành ĐBSCL đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 899/QĐ-TTG ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Bước đầu, cơ cấu sản xuất nông nghiệp được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của từng ngành, địa phương. Nhiều loại nông sản có thị trường tiêu thụ tốt, đều gia tăng về sản lượng, giá trị đã đem lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn còn những khó khăn cần sớm được tháo gỡ.

Mô hình trồng hành tím cho thu nhập cao của nông dân huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.

Hiệu quả những mô hình sản xuất mới

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN&PTNT), sau hơn 7 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ĐBSCL, các địa phương trong khu vực đã chuyển đổi được gần 100 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau, dưa hấu, ngô, mè, đậu tương, thanh long…cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 20% – 30%. Nhiều hộ trồng ngô ở Đồng Tháp, An Giang đạt lợi nhuận cao gấp 1,5 – 1,8 lần so với trồng lúa. Nhiều địa phương tổ chức vùng sản xuất lớn trên cơ sở phát huy lợi thế của từng nơi. Tính riêng vụ lúa Đông – Xuân 2019-2020, toàn vùng xây dựng những cánh đồng lớn với gần 269 nghìn ha.

Đồng Tháp là tỉnh thực hiện khá thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách hợp lý, hiệu quả. Theo đó, lãnh đạo tỉnh mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm với mục tiêu, nâng cao giá trị gia tăng để phát triển bền vững. Nổi bật là việc áp dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa ở huyện Tam Nông. Đến nay, huyện mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo mô hình này được hơn 44 nghìn ha, với phương thức áp dụng cánh đồng một giống, xuống giống đồng loạt, trừ dịch hại và sâu bệnh một cách khoa học. Kết quả, giá thành sản xuất lúa gạo giảm 200 đồng/kg so với sản xuất nhỏ lẻ, lợi nhuận bình quân 21 triệu đồng/ha/vụ (tăng 2,8 triệu đồng so với sản xuất truyền thống). \

Năm 2019, Đồng Tháp thực hiện được 95.539 ha cánh đồng liên kết, chiếm 18% diện tích xuống giống cả tỉnh, có 55.920 hộ tham gia. Kết quả, mô hình cánh đồng liên kết vụ Đông Xuân – Hè Thu, năng suất lúa đạt 6,8 – 7,2 tấn/ha. Đặc biệt, mô hình giảm giá thành sản xuất giống lúa Jasmine ở HTX An Phong vụ Hè Thu – Thu Đông (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười) đạt năng suất trung bình 7,98 tấn/ha (tăng 0,48 tấn/ha), giá thành sản xuất 2.176 đồng/kg (giảm 798 đồng/kg), lợi nhuận 26 triệu đồng/ha (tăng 7,4 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình).

Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa hữu cơ trên hai giống lúa IR 50404, VD 20, giúp nông dân giảm giá thành từ 10 – 20%, tăng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm cho hạt gạo; mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa vụ Thu – Đông cho năng suất 6,3 tấn/ha, lợi nhuận đạt 15,2 triệu đồng/ha (cao hơn ngoài mô hình 3,1 triệu đồng/ha); mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất lúa; mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu; mô hình nuôi cá tra theo chuỗi giá trị liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh, khoảng 80% diện tích (400 ha) hộ nuôi cá thể tham gia vào chuỗi liên kết này, nên nguồn lợi nhuận nông dân luôn được ổn định; mô hình trồng xoài Úc (R2E2), sản xuất xoài rải vụ đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm ở xã Tịnh Thới (TP Cao Lãnh), xã Bình Thạnh, Mỹ Hương (huyện Cao Lãnh); mô hình trồng hoa kiểng, mô hình nuôi vịt hướng trứng an toàn sinh học – sản xuất theo nhóm gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm… cũng cho lợi nhuận khá cao.

Cửa hàng bán xoài của tiểu thương ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, thành công lớn nhất sau khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương là đã chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tự phát trước đây của bà con nông dân theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho nông dân. Nổi bật là khâu áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng phát triển rất mạnh. Hiện, toàn tỉnh có 319 máy gặt đập liên hợp, bảo đảm phục vụ 80% diện tích gieo trồng lúa, góp phần giảm chi phí sản xuất 24%, lợi nhuận tính trên một ha khi thu hoạch so với thu hoạch thủ công là 4,3 triệu đồng. Chương trình phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực cũng đạt hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh chọn 10 nhãn hiệu nông sản thế mạnh để đầu tư, gồm: lúa, mía, cam sành, bưởi, chanh không hạt, khóm, xoài, quýt đường, cá thát lát, cá rô đồng; trong đó có 5 loại nông sản là bưởi, cam sành, khóm, cá thát lát, cá rô đồng thực hiện đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là những sản phẩm có lợi thế của địa phương, phù hợp với điều kiện tự nhiên, năng suất, chất lượng tốt, lợi nhuận cao. Doanh thu hàng năm của các loại nông sản này đạt từ 80 – 200 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những hộ đạt 1 – 2 tỷ đổng/năm, lợi nhuận 40% trở lên.

Trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hậu Giang còn đưa vào thực hiện thí điểm mô hình cánh đồng lớn ở 5 điểm thuộc địa bàn của 5 huyện, thị xã. Với mô hình cánh đồng lớn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí, nhất là trong sản xuất lúa gạo, giá thành chi phí từ mức 4.100 đồng/kg lúa so với trước đây thì hiện nay đã giảm xuống 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, vụ Đông – Xuân 2019-2020 đã hạ xuống chỉ còn 2.800 đồng/kg, thấp nhất khu vực ĐBSCL. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản chuyên canh tập trung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu, như: vùng lúa chất lượng cao 32.000 ha, vùng mía nguyên liệu 10.300 ha, vùng cây có múi đặc sản 10.000 ha, vùng khóm 2.000 ha, vùng nuôi trồng thủy sản 1.500 ha…Nhờ vậy, Hậu Giang hiện có hơn 35.800 hộ có mô hình sản xuất hiệu quả, với doanh thu trên 100 triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt gần 87 triệu đồng, tăng gấp hai lần so với năm 2015 và lợi nhuận đạt trên 40%. Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt 400 triệu USD. Đáng kể, có 8 doanh nghiệp đăng ký xây dựng hệ thống dự trữ lúa gạo với quy mô 240.000 tấn.

Thương lái đến mua lúa ở Bạc Liêu.

TP Cần Thơ triển khai thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) ở ba huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai với tổng diện tích gần 30 nghìn ha, chiếm khoảng 34% diện tích sản xuất lúa của toàn thành phố, với tổng mức đầu tư hơn 323 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020. Dự án không chỉ góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương mà còn tăng cường năng lực thể chế, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; tăng thu nhập hộ nông dân sản xuất lúa; áp dụng biện pháp canh tác bền vững và liên kết sản xuất theo chuỗi với doanh nghiệp, hợp tác xã.

TP Cần Thơ còn hình thành các vùng sản xuất chuyên canh liên kết theo chuỗi giá trị, như phát triển vùng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái diện tích 14 nghìn ha; vùng rau an toàn hơn 300 ha; vùng trồng hoa kiểng 54 ha… Riêng ở huyện Bình Thủy, Phong Điền bà con nông dân còn áp dụng nhiều mô hình làm kinh tế VAC cho thu nhập khá cao, như mô hình trồng xoài IPM cho lợi nhuận 300 triệu đồng/ha/năm, trồng hẹ theo tiêu chuẩn VietGAP lợi nhuận gần 100 triệu đồng/ha/năm.

Lúa gạo xuất khẩu ở tỉnh An Giang.

Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang xuất hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP; phát triển mô hình nuôi cá – lúa; trồng rau màu, chăn nuôi bò, cá tra, nấm ăn, nấm dược liệu …cho hiệu quả kinh tế rất cao. Bà con nông dân huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) phát triển mô hình tôm – lúa bền vững, phù hợp với đặc điểm sinh thái của vùng mặn và lợ, nhờ vậy phong trào sản xuất “ Lúa thơm – Tôm sạch ” ở đây đã làm gia tăng đáng kể hiệu quả sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 21.300 ha nuôi tôm-lúa đạt sản lượng hơn 25.500 tấn, tăng hơn 12.400 tấn so với năm 2015, góp phần nâng cao giá trị thu hoạch từ sản xuất lúa và nuôi tôm đạt 140 triệu đồng/ha.

Những vướng mắc, yếu kém cần được tháo gỡ

Có thế nói, những nội dung và giải pháp về “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Chính phủ phê duyệt, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã nỗ lực triển khai thực hiện và bước đầu đạt kết quả đáng phấn khởi. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm được chuyển đổi theo nhu cầu thị trường trên cơ sở liên kết chặt giữa nông dân với doanh nghiệp; hình thành nhiều vùng nguyên liệu lúa gạo, trái cây, thủy sản tập trung với quy mô lớn, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP; nhiều cách làm mới, mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả được phổ biến, nhân rộng.

Một tín hiệu tích cực là thời gian gần đây, có khá nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ… đầu tư kinh phí lớn vào nông nghiệp, như xây nhà máy chế biến, nhà máy xay xát lúa gạo, xây dựng vùng nguyên liệu. Đây là thời cơ thuận lợi cho nông nghiệp ĐBSCL phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Đồng Tháp đẩy mạnh mô hình sản xuất nông nghiệp cao.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, kết quả tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ nét, chưa thật sự vững chắc. Nhiều địa phương triển khai thực hiện tái cơ cấu còn chậm, chưa đồng bộ, giải pháp cho các ngành hàng sản xuất chưa rõ ràng, chi phí sản xuất cao nên nông dân khó áp dụng. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất còn lúng túng, hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn yếu, kinh tế hộ nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp.

Năng suất, chất lượng một số loại nông sản, khả năng cạnh tranh còn thấp; việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chuyển đổi chưa ổn định, các mặt hàng rau quả, trái cây gặp khó về tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong khi, chưa có quy hoạch tổng thể cơ cấu ngành cho toàn vùng và thiếu công nghệ chế biến sau thu hoạch. Thu nhập và đời sống người nông dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Nông dân Đồng Tháp thu hoạch xoài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, chia sẻ: “Cái khó hiện nay của địa phương là thiếu nguồn vốn đầu tư. Điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi còn hạn chế, nên số doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp còn quá ít. Việc triển khai một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc như: Chương trình phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5.200 ha; Chương trình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu với 27 dự án cũng đang gặp khó về nguồn vốn triển khai thực hiện. Trong khi một bộ phận nông dân, kể cả cán bộ vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên, chưa chủ động chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, tình hình thiên tai, xâm nhập mặn, dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Từ đó, việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn”.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, việc tái cơ cấu nông nghiệp ở địa phương phải thực hiện từng bước một. Theo đó, ngoài việc tiếp tục thực hiện các dự án nêu trên giai đoạn 2016-2020, Hậu Giang bổ sung thêm hai dự án phát triển cây trồng, vật nuôi, thủy sản chất lượng cao với tổng kinh phí đầu tư hơn 698 tỷ đồng; dự án phát triển trạm bơm điện phục vụ sản xuất cho 44.505 ha, với kinh phí đầu tư 909,5 tỷ đồng. Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả, Hậu Giang đã và đang tổ chức các buổi tọa đàm về phát triển bền vững mô hình lúa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy; mô hình tôm-lúa ở xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ; mô hình cây trồng, vật nuôi ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp… Nhằm xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất tập trung, có sự liên kết giữa bốn nhà, theo hướng bền vững, tăng thu nhập và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Việc xác định tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn là hướng đi đúng. Tuy nhiên, vấn đề hạn điền đang là vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Từ thực tế trên, Đồng Tháp thực hiện chính sách thí điểm hỗ trợ 50% lãi suất và san phẳng đồng ruộng cho các HTX nông nghiệp khi thuê đất đầu tư mở rộng quy mô sản xuất; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn; biệt phái viên chức về làm Phó Giám đốc HTX…Nhờ vậy đã đem lại hiệu quả to lớn cho xã viên, như giảm được lượng giống gieo sạ, giảm 70% công làm cỏ, phân bón, cấy dặm, sâu bệnh, thu hoạch thuận tiện bằng cơ giới; năng suất tăng 0,2 tấn/ha, lợi nhuận tăng hơn 1 triệu đồng/ha so với chưa thực hiện san phẳng đồng ruộng”.

Để tháo gỡ những khó khăn mà địa phương đang gặp trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ lưu ý đến công tác dự báo thị trường, xây dựng thương hiệu, liên kết vùng để phát huy thế mạnh, thay đổi nhận thức cho nông dân. Đồng thời, có chương trình, kế hoạch cụ thể từng giai đoạn để thuận lợi cho việc đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm kịp thời khắc phục những vướng mắc, yếu kém. Mặt khác, đẩy mạnh hợp tác, liên kết với Trường Đại học Cần Thơ, Viện lúa ĐBSCL để chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, theo hướng tăng giá trị, hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nông dân Bên Tre trồng chôm chôm chất lượng cao.

Những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện nay đang được các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tập trung tháo gỡ. Trước hết là vấn đề thu hút đầu tư vào nông nghiệp, về tích tụ ruộng đất, chuyển từ nền sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao để cạnh tranh thị trường. Nhân rộng những cách làm mới, mô hình sản xuất mới có hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người nông dân.

Để đạt được mục tiêu này, các tỉnh, thành ĐBSCL cũng đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chính sách phát triển mô hình HTX kiểu mới; xem việc tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp là khâu đột phá để phát triển nền nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, gắn việc hình thành vùng sản xuất lớn. Thêm nữa là chính sách cho vùng sâu, vùng xa, những vùng khó khăn nhằm tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp để bảo đảm cho sản xuất, nâng cao đời sống người dân, góp phần thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: ĐỖ NAM – PHÚC HẬU



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024