Thay đổi tư duy để "chắp cánh" cho hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp phát triển bền vững
Ngày 17/7/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm “Cơ hội, tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam và khả năng hợp tác Việt Nam - Đài Loan trong phát triển chuỗi nông sản”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nông nghiệp luôn được đánh giá là ngành quan trọng và có lợi thế của Việt Nam. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phép nước ta phát triển một nền nông nghiệp đa dạng về cơ cấu cây trồng, vật nuôi trải dài khắp cả nước.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất. Hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Việt Nam trở thành một trong những nước có một số mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt hơn 29 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, sự phát triển còn thiếu bền vững, tổ chức sản xuất kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao.
Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn thấp, chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về nhân lực, tài chính, khoa học công nghệ, khả năng phát triển thị trường và vùng nguyên liệu. Do quy mô nhỏ, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đủ nguồn lực để đầu tư mua sắm trang thiết bị thử nghiệm, kiểm nghiệm, máy móc thiết bị chế biến và bảo quản tiên tiến. Các doanh nghiệp, hợp tác xã chưa tiếp cận được nguồn chuyên gia có kỹ thuật cao để hỗ trợ, tư vấn phát triển các ý tưởng kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tác động tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là tác động vô cùng mạnh mẽ. Xu hướng này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cho ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, hợp tác xã và mỗi người nông dân. Nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động và dựa vào tài nguyên.
Cũng theo Bộ trưởng, nếu chúng ta tiếp tục sử dụng diện tích đất lớn, tiêu tốn nguồn nước, tài nguyên, phân bón, nhân công, bóc lột sức lao động, sói mòn đất đai, chạy theo sản lượng nhưng giá bán thấp… là những điều rất nguy hiểm. Do vậy, phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hiệu quả dựa trên công nghệ cao; dựa vào hiệu quả trên cơ sở giống mới chất lượng hơn, chuyển sang hữu cơ, sản phẩm sạch, cơ cấu sản xuất và cách thức tổ chức chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, bền vững, cuối cùng là nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất sử dụng.
Chia sẻ tại tọa đàm, GS.TS Thái Đông Soán, Đại học Quốc gia Trung Hưng, Đài Loan (Trung Quốc) đã nhấn mạnh đến những đặc thù, đặc điểm của nền nông nghiệp Việt Nam với nhiều ưu đãi, lợi thế; đồng thời chia sẻ về kinh nghiệm thay đổi cách thức làm nông nghiệp, các bước đi hướng tới nền nông nghiệp bền vững của Đài Loan (Trung Quốc) trong 30 năm qua. Về dự án chuẩn bị phát triển ở Hòa Bình, phía Đài Loan sẵn sàng hỗ trợ với kinh nghiệm hơn 60 năm của Liên đoàn hợp tác xã Đài Loan, sẵn sàng đồng hành, hợp tác với các liên đoàn hợp tác xã, hiệp hội của Việt Nam./.
- Hà Nam: Xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các hợp tác xã
- Hà Giang: Nông dân đổi đời nhờ sự đồng hành của hợp tác xã
- Phát huy vai trò của mô hình hợp tác xã tại Cần Thơ