Nguồn cung và giao dịch “ảm đạm”

Kể từ thời điểm giữa năm 2022, cùng với sự trầm lắng chung của thị trường bất động sản cả nước, bất động sản trung du và miền núi phía Bắc (gồm các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang) cũng ghi nhận sự khó khăn cả về nguồn cung và thanh khoán.

Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý đầu năm 2023, khu vực trung du và miền núi phía Bắc có 45 dự án mở bán, đều là các dự án mở bán từ trước, cung cấp ra thị trường khoảng 3.296 sản phẩm mới.

Mặc dù vậy, tỷ lệ hấp thụ của toàn thị trường khu vực này chỉ đạt khoảng 8,2%, tương đương 251 giao dịch thành công. Con số này đã giảm mạnh 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Thậm trí với những thị trường vốn dĩ đầy tiềm năng như Thái Nguyên hay Lào Cai cũng chịu ảnh “ảm đạm” chung, gần như không có giao dịch diễn ra.

Số liệu từ VARs cũng chỉ ra, đất nền là phân khúc ghi nhận tỷ lệ hấp thụ cao nhất, đạt khoảng 10,3%, tương đương 172 giao dịch. Giá bán trung bình của đất nền đạt trung bình khoảng 30 triệu đồng/m2, mặt bằng giá đi ngang so với quý cuối năm 2022. Một số dự án đất nền tiếp tục áp dụng các chính sách ưu đãi về lãi suất, tiến độ thanh toán chia thành nhiều đợt, chiết khấu khi đăng ký mua nhiều lô,...

Sau đó đến phân khúc nhà ở với tỷ lệ hấp thụ trung bình là 8,2%. Lượng nhỏ giao dịch ghi nhận ở một dự án có giá 36 - 40 triệu đồng/m2 ở Phú Thọ - đô thị cửa ngõ quan trọng của Thủ đô, trung tâm kinh tế năng động của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, giá trung bình 28,5 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, phân khúc biệt thự, liền kề, nhà phố có tỷ lệ hấp thụ chỉ khoảng 4,1%, tương đương 59 giao dịch. Mặt bằng giá sơ cấp trung bình 46,8 triệu đồng/m2.

Với nguồn cung, đất nền, biệt thự/liền kề/nhà phố là hai phân khúc bất động sản chiếm tỷ trọng nguồn cung mới lớn nhất, lần lượt chiếm 43% và 50% tổng nguồn cung toàn khu vực. Trong đó, đất nền có 16 dự án mở bán, đưa ra thị trường khoảng 1.655 sản phẩm mới, nguồn cung mới tập trung chủ yếu tại Hoà Bình, Lạng Sơn.

Còn biệt thự/liền kề/nhà phố trong quý I/2023, khu vực Trung du miền núi phía Bắc có 18 dự án mở bán, đưa ra thị trường khoảng 1.441 sản phẩm mới, nguồn cung mới và lượng giao dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Lạng Sơn, chiếm lần lượt 32% và 72% lượng cung.

Đối với phân khúc căn hộ chung cư, quý I/2023, toàn khu vực Trung du và miền núi phía Bắc chỉ ghi nhận 11 dự án chung cư mở bán.

Các sàn giao dịch gần như không có hoạt động

Chịu cảnh ảm đạm chung của thị trường, cả nguồn cung và thanh khoản đều bị “đóng băng” đã kéo theo việc các sàn giao dịch bất động sản tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc gần như không có hoạt động.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, có khoảng 80% các sàn đang không hoạt động tại khu vực này, còn khoảng 20% còn lại hoạt động cầm chừng hoặc đang trong tình trạng khó khăn.

Tuy nhiên, khi thị trường khu vực này đang ghi nhận sự ảm đạm, giá bắt đầu giảm thì nhiều chuyên gia lại cho rằng, đây là thời điểm tốt để khách hàng lựa chọn các sản phẩm thực, giá hợp lý nhằm đầu tư dài hạn, chuẩn bị cho chu kỳ phát triển tiếp theo của thị trường.

Và thực tế, VARs cũng cho biết, hiện nay hầu hết các nhà đầu tư bán cắt lỗ từ 10 - 30%, thậm chí lên đến 30 - 50% do áp lực tài chính khi sử dụng hết gói vay ưu đãi từ chủ đầu tư. Đồng thời, một số dự án đất nền được đấu giá tại Bắc Giang với giá khoảng 500 triệu đồng/nền đã có thanh khoản và tín hiệu tăng giá từ đầu tháng 3. Ngoài ra, dự án chợ du lịch 24/24h tại Lào Cai cũng thu hút khách hàng với thành công trong việc bán 119 gian hàng. Mô hình chợ mới này được đặt tại trung tâm thành phố Lào Cai, nơi mà mọi tour du lịch tâm linh hay du lịch văn hóa đến khu vực Tây Bắc đều phải đi qua.