ISSN-2815-5823

Thị trường BĐS còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ

(KDPT) - Sau một loạt các giải pháp từ Chính phủ, thị trường bất động sản đang dần có những chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa giải quyết triệt để. Để giải quyết các vấn đề này, nhóm doanh nghiệp đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Nhận định về vai trò quan trọng của thị trường bất động sản trong tương quan nền kinh tế, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường bất động sản có mối quan hệ với nhiều ngành kinh tế khác. Do đó, nếu thị trường bất động sản hoạt động an toàn, bền vững sẽ tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Chính vì vậy, trong thời gian qua, khi thị trường này gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các biện pháp, thành lập tổ tháo gỡ khó khăn và đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sau khi thực hiện nhiều giải pháp, thị trường này đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn, nếu thị trường được hanh thông sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế.

Ảnh minh họa.

Hiện tại, thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, đa phần các khó khăn này nằm ở vướng mắc về pháp lý như hệ thống thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, quy hoạch, đầu tư xây dựng; sự mất cân đối cung cầu tại các phân khúc, dư thừa nhà ở cao cấp, biệt thự trong khi nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ còn hạn chế; nhu cầu của thị trường tại một số phân khúc đang có sự sụt giảm mạnh; năng lực tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà; các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn, mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân...

Chính những khó khăn đó đã khiến cho dự án “đứng hình” chưa thể triển khai ngay, gây lãng phí nguồn tài nguyên và tổn thất cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp mong muốn gì?

Trước những vấn đề này, nhóm doanh nghiệp địa ốc đã đưa ra những đề xuất, giải pháp mong tiếp tục được nhận sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được thóa gỡ khó khăn pháp lý và khơi thông dòng vốn
Doanh nghiệp mong muốn tiếp tục được thóa gỡ khó khăn pháp lý và khơi thông dòng vốn.

Tại hội nghị tín dụng bất động sản tại NHNN, ông Dương Văn Bắc, Giám đốc tài chính Novaland nhận định, thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua. Song sớm nhất đến hết quý II/2024, thị trường bất động sản mới tốt lên. Do đó, ông Bắc đề nghị tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự tháo gỡ về pháp lý và tài khóa.

Phía Novaland đề nghị Chính phủ phối hợp cùng UBND các tỉnh/thành phố hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án đồng bộ đúng với chỉ tiêu được giao. Chính phủ và Quốc hội cân nhắc xem xét, kiện toàn Luật đầu tư để quy trình đầu tư - giao đất - quy hoạch - cấp phép xây dựng được diễn ra nhanh chóng, minh bạch, tiết kiệm nguồn vốn cho xã hội.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng mong Chính phủ có giải pháp giải quyết triệt để các vướng mắc về các thủ tục pháp lý chưa đồng bộ, các vướng mắc qua từng thời kỳ và không hồi tố. Đồng thời, đề nghị Bộ tài chính có chính sách giảm thuế và giãn thuế TNDN cho các doanh nghiệp bất động sản trong năm nay và năm tới.

“Hiện Chính phủ đang rất áp lực trong thu ngân sách, nhưng doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, hi vọng được giãn thuế, giảm áp lực cho năm nay và nửa đầu năm tới”, đại diện Novanland đề nghị.

Riêng với ngành ngân hàng, ông Bắc đề xuất các ngân hàng thương mại hạ mặt bằng lãi suất để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, xem xét gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Nới về lãi suất, bà Lê Thùy Linh - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư IMG cho biết, hiện nay lãi suất trung hạn 7 - 9%/năm rất là tốt cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước những khó khăn doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải, cần có chính sách tháo gỡ khác. “Đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp trong các công trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân bằng 10%. Đây là cách nhanh nhất và an toàn, hiệu quả cho các doanh nghiệp sử dụng vốn và người dân có được nhà ở xã hội vì tất cả được hạch toán trong giá bán cuối cùng”.

Phía Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đưa ra đề xuất về việc Ngân hàng Nhà nước có chính sách nới room tín dụng cho những ngân hàng tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản. Đồng thời, kiến nghị các ngân hàng tối giản hóa các điều kiện cho vay các dự án bất động sản và kéo dài thời gian cho vay hơn so với bình thường để doanh nghiệp có thêm thời gian xoay sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Còn ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP Invest đề xuất mong mỏi Quốc hội sẽ tập hợp được những ý kiến đóng góp chính xác phù hợp với thực tế của thị trường Việt Nam để có những lựa chọn, quyết định đúng đắn, đạt được sự hài hòa giữa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp với người dân.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn được minh bạch thông tin và tăng niềm tin với ngân hàng.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024