Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới
Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam tại sân bay quốc tế Bắc Kinh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau 7 năm; là hoạt động gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo chủ chốt hai nước sau khi Trung Quốc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước khóa mới.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) đã tiếp động lực mạnh mẽ cho quan hệ hai nước. Tin cậy chính trị Việt Nam – Trung Quốc được tăng cường; hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư duy trì tăng trưởng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 cùa Trung Quốc trên thế giới; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.
Dự kiến, trong chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường; hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; hội kiến Ủy viên Trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế…
Chuyến công tác khẳng định thông điệp rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, thể hiện sự coi trọng của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc; mong muốn chia sẻ, cập nhật những xu thế mới, tư duy phát triển - quản trị tiên tiến và quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút đầu tư vào Việt Nam thông qua WEF.
Trong khi đó, hợp tác giữa Việt Nam và WEF tiếp tục phát triển tốt đẹp. WEF và cá nhân Giáo sư Klaus Schwab coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Hai bên hợp tác trong tư vấn chính sách vĩ mô, giảm rác thải nhựa, nông nghiệp bền vững, thu hẹp khoảng cách kỹ năng lao động, chuyển đổi số...
Hội nghị WEF Thiên Tân do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức hàng năm, có quy mô lớn thứ 2 sau WEF Davos.
Hội nghị WEF lần này có chủ đề "Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu" gồm hơn 100 phiên họp, thu hút nhiều nhà lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự.
Việc tăng cường hợp tác qua các chương trình, dự án và tham dự các hội nghị của WEF, phối hợp tổ chức thành công một số sự kiện góp phần giúp Việt Nam thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước, tăng cường quan hệ với các tập đoàn toàn cầu, cập nhật những xu thế mới, tư duy phát triển-quản trị tiên tiến./.