Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho biết: “Thời gian qua, triển khai thực hiện yêu cầu trên của Nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Ban Bí thư, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và cộng đồng; hình thành ý thức trách nhiệm và kỹ năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường người dân và doanh nghiệp; góp phần phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW”.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu định hướng tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai cho rằng trong những thập niên qua, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác động mạnh mẽ, gây ra nhiều ảnh hưởng, thiệt hại đối với sự phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nước ta nằm ở vị trí chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu; Vấn đề ô nhiễm môi trường vốn đã chịu sức ép từ lịch sử chiến tranh, lại phải đối mặt với các vấn đề nảy sinh từ quy mô dân số gần 100 triệu dân, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các thách thức phi truyền thống đến từ biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 khiến công tác bảo vệ môi trường ngày càng trở nên khẩn thiết và nhiều khó khăn.

Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hệ thống các quan điểm về các vấn đề này của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt được tổng kết, bổ sung, hoàn thiện qua nhiều kỳ Đại hội. Nhiều chỉ thị, nghị quyết đã được ban hành đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đặt ra, trong đó có Nghị quyết số 24.

Báo cáo tổng kết công tác thông tin, tổng quan về tình hình thiên tai trong 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng phòng phát triển ứng phó thiên tai Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Việt Nam là một trong 05 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong 10 năm qua (2013 - 2022), trung bình hàng năm thiên tai làm trên 220 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế trên 23.000 tỷ đồng. Cùng với đó, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện thường xuyên hơn và gay gắt hơn trong đó điển hình là năm 2015-2016 xâm nhập mặn làn 250.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, 150.000 ha nông nghiệp bị thiệt hại. Lũ lớn cũng liên tiếp xuất hiện với tần suất ngày càng cao, thời gian duy trì lũ ngày càng dài tại các cùng, gây thiệt hại về người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế đất nước.

Trong thời gian tới, để thực hiện thành công những nhiệm vụ và giải pháp đã ra, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giúp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát triển kinh tế, phát triển bềnvững đất nước thì một trong những giải pháp hàng đầu, quan trọng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đó là cần đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu, nhà khoa học đã được nghe các báo cáo, trình bày của đại diện cơ quản quản lý trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Đồng thời, các nhà khoa học, đại diện Liên hiệp Hội và các tổ chức Hội đến từ nhiều địa phương đã có những thảo luận, đóng góp sáng kiến khoa học, kĩ thuật góp phần nâng cao hiệu quả công tác công tác thông tinvề chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thời gian tới.