Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động tới các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
Ảnh minh họa. |
Ngày 10/11/2023, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, ngày 08/10/2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số.
Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?
Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Hiện 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào.
Thuế tối thiểu toàn cầu không phải điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng thuế suất thực tế ở Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, hơn 1.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu ngay trong từ năm 2024.
Đến nay, hầu hết các quốc gia thuộc liên minh châu Âu như Thụy Sĩ, Anh. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hong Kong (Trung Quốc), Australia xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024.
Việt Nam là nước chủ yếu tiếp nhận đầu tư nên trong bối cảnh này, chúng ta đang phải cân nhắc để có thể chủ động giành quyền đánh thuế và tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi.
Mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. OECD dự tính với việc áp dụng trụ cột 2, tổng nguồn thu thuế toàn cầu từ các công ty đa quốc gia sẽ tăng lên 220 tỷ USD. |
Tác động tới Việt Nam
Trình bày báo cáo tờ trình dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, dự kiến có khoảng 122 tập đoàn FDI sẽ thuộc diện điều chỉnh của Nghị quyết với tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp bổ sung (QDMTT) 14.600 tỷ đồng. Dự kiến có 6 tập đoàn trong nước sẽ thuộc diện điều chỉnh...
Việc áp dụng cũng mang lại cơ hội tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế và hạn chế hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.
Chính phủ đề xuất xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024, bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT).
Cụ thể, theo đánh giá, Việt Nam sẽ thu thêm thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với những doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có dự án đang được hưởng ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, với số thuế thực tế thấp hơn mức tối thiểu.
Góp ý tại tổ, ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, nói việc thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết, do Việt Nam không thu thuế này thì các nước khác cũng thu, như thế sẽ mất khoản thuế khoảng 14.600 tỷ đồng.
Bản chất của thu thuế tối thiểu toàn cầu, là với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng thuế suất ưu đãi 10%, họ sẽ phải nộp thêm khoản thuế bổ sung để đủ mức 15% theo quy định của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tức là ưu đãi về thuế cho số doanh nghiệp này sẽ bị giảm đi so với trước.
Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng, đi kèm với cơ chế áp thuế tối thiểu toàn cầu, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ trở lại để doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư. Các chính sách này hiện chưa được Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội. "Nhưng nếu các nhà đầu tư nước ngoài chỉ thấy Việt Nam tăng thu, mà không hỗ trợ trở lại, họ có thể rút vốn, chuyển bớt đầu tư sang nước khác", ông lo ngại.
Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đồng tình, Việt Nam thu thuế bổ sung thì cần nghiên cứu chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Việc này để nhà đầu tư thấy họ không còn được hưởng ưu đãi thuế, sẽ có các ưu đãi khác giúp giảm chi phí.
"Dự thảo Nghị quyết cần nêu thế nào để đưa ra được tín hiệu này, giao Chính phủ nghiên cứu phương án ưu đãi cụ thể. Đây là động thái cho nhà đầu tư biết rằng họ sẽ được hưởng thêm các chính sách khác khi áp thuế tối thiểu toàn cầu", ông Cường nêu.
Việc cần có các chính sách ưu đãi kèm theo cũng được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài nêu quan điểm trước đó. Nói tại một hội thảo về thuế tối thiểu toàn cầu hồi tháng 4, lãnh đạo Samsung Việt Nam - doanh nghiệp có thể chịu tác động - từng đề nghị Chính phủ Việt Nam nên đưa ra chính sách ưu đãi, hỗ trợ để duy trì đầu tư. Bởi họ cho rằng khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế của Việt Nam cho các doanh nghiệp FDI không còn hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh lưu ý, hiện OECD có chính sách chống chuyển lợi nhuận sang nước "thiên đường thuế" (thuế suất thấp), nên việc lấy trực tiếp khoản thu thêm để hỗ trợ doanh nghiệp là không khả thi, sẽ vi phạm quy định của tổ chức này.
"Đây là vấn đề khó, cần nghiên cứu kỹ để giữ chân nhà đầu tư cũ thu hút vốn mới, không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư", ông Tuấn Anh nói.
Trong khi đó, bà Tạ Thị Yên, Phó ban Công tác đại biểu, góp ý sau khi áp dụng, Bộ Tài chính cần đánh giá tác động đến thu ngân sách để cân đối lại với kế hoạch trung hạn 2021-2025, nhằm tăng chi cho đầu tư phát triển.
Các công ty có doanh thu toàn cầu từ 750 triệu EUR (tương đương khoảng 870 triệu USD) trở lên sẽ bị áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu là 15%. Ảnh minh họa. |
Qua rà soát, Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) cho biết, hiện có 619 tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất trong năm 2021 đạt khoảng 750 triệu euro trở lên (thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu).
Trong đó, có 438 tập đoàn có 1 công ty thành viên tại Việt Nam và 181 tập đoàn có nhiều công ty thành viên tại Việt Nam (576 công ty thành viên). Từ số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, cơ quan thuế tính sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, nếu loại thuế này được áp dụng từ năm 2024.
Ở góc độ khác, theo đánh giá của các chuyên gia, mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ gây ra nhiều mối lo về xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư, cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia cũng như chiến lược thu hút FDI nếu chậm chân ứng phó.
Được coi là “thỏi nam châm” hút vốn đầu tư FDI, thậm chí giữa đỉnh điểm đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút gần 30 tỷ USD, dù giảm so với cùng kỳ nhưng là tín hiệu vô cùng tích cực, với trên 36.000 dự án còn hiệu lực có tổng vốn đăng ký trên 430 tỷ USD.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng thời gian qua bởi Việt Nam triển khai nhiều chính sách thuế ưu đãi, trong đó chính sách miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp rất cạnh tranh, có thể miễn thuế đến 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, cùng các thế mạnh như: tình hình kinh tế chính trị ổn định, nguồn lao động lớn...
Theo Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 335 dự án tại Việt Nam có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế và khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao như: Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn...
Chỉ với hơn 300 dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án này chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam, lên tới khoảng 131,3 tỷ USD. Đây được coi là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu, kèm theo đó là hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ đi theo sẽ bị ảnh hưởng nếu các tập đoàn này điều chỉnh chính sách đầu tư.
Về số thu ngân sách nhà nước, trong giai đoạn 2020 - 2022, tổng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 18 - 21% tổng số thu ngân sách nội địa.
Trong đó, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 39 - 41% tổng số thu thuế thu nhập doanh nghiệp. Cũng theo tính toán của Tổng cục Thuế, trong tổng số thu ngân sách nội địa, số thu thuế thu nhập doanh nghiệp từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 7,5 - 8,5%.
Lựa chọn “làm tổ” ở Việt Nam và liên tục triển khai các hoạt động đầu tư với con số lũy kế lên tới 20 tỷ USD nhiều năm qua, lãnh đạo một doanh nghiệp FDI khẳng định, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu đang được triển khai áp dụng như hiện nay, chính sách miễn giảm thuế của Việt Nam không chỉ mất phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp FDI mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Bởi lẽ các công ty đang được hưởng ưu đãi của chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam phải nộp bổ sung lên mức thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại quốc gia có công ty mẹ.
Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết khi thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, đơn vị sẽ phải nộp bổ sung số thuế 6,5 tỷ USD cho toàn thời gian của dự án triển khai tại Việt Nam.
Rõ ràng, điều này sẽ làm tăng gánh nặng tài chính về thuế với những “ông lớn” FDI và làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cũng như làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, vốn đang có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Thậm chí, chính sách này đẩy các doanh nghiệp đa quốc gia đứng trước “ngã ba đường”, phải xem xét lại chiến lược vận hành cứ điểm sản xuất đầu tư và thậm chí có thể “rời tổ” khỏi Việt Nam.
Như vậy, khi các biện pháp ưu đãi thuế không còn nhiều tác dụng sẽ đặt ra thách thức không nhỏ đến việc thu hút đầu tư mới và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trước những tác động của thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng vào năm 2024, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, khẳng định nếu Việt Nam không có những giải pháp ứng phó kịp thời, những lợi ích mang lại từ các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà các dự án được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn.
Đồng thời, ảnh hưởng đến tính hấp dẫn và mất lợi thế cạnh tranh của thị trường Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như ảnh hưởng tới kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án.
Cùng với đó, “trong trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, toàn bộ số thu được ưu đãi cho các doanh nghiệp hiện tại sẽ được các nước phát triển có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó”, ông Minh lưu ý...
Trên thực tế, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là việc chắc chắn phải làm. Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, việc thu hút FDI ở các quốc gia trên thế giới không chỉ dừng ở các chính sách ưu đãi thuế, mà còn nhiều chính sách khác liên quan đến thể chế chính trị, hỗ trợ từ Chính phủ, cơ chế quản lý, hiệp định thương mại mở rộng, đất đai, hạ tầng, nguồn lao động...
Do vậy, trong các quốc gia tiềm năng sẽ áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu, Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định để thu hút FDI. Chính vì thế, vấn đề lúc này là làm sao có giải pháp để Việt Nam có thể tối ưu hóa lợi ích, đồng thời giảm tác động xấu khi tham gia chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Hiện nay, với lợi ích tăng khoản thu lớn, phía các nước xuất khẩu vốn, nhất là các thành viên của OECD như Hàn Quốc, Nhật Bản… đang rất tích cực thúc đẩy việc nội luật hóa các hướng dẫn của OECD để sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản pháp luật trong nước. Từ đó, mở rộng và khai thác thêm số thu bổ sung đối với phần thu nhập từ hoạt động đầu tư ra nước ngoài qua các công ty con khi thực hiện báo cáo hợp nhất về thu nhập toàn cầu của tập đoàn. Các quy định này dự kiến được áp dụng ngay trong năm 2023 để sớm thu về chính quốc mức thuế bổ sung.
Trong khi đó, với các nước đang phát triển cần thu hút đầu tư, các biện pháp đang được cân nhắc cũng là nội luật hóa các hướng dẫn về thuế tối thiểu toàn cầu để không mất thuế sang túi các nước xuất khẩu vốn, cũng như đàm phán lại các “hợp đồng” đầu tư với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam cũng cần phải làm như vậy. Sớm nghiên cứu để sửa đổi các chính sách thuế và đàm phán với các nhà đầu tư, để làm sao vừa bảo vệ được lợi ích của mình, vừa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, đồng thời vẫn có thể lôi kéo được các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.