ISSN-2815-5823

Tiền vẫn chảy chậm nhưng dư địa giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay gần như đã hết

(KDPT) - TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá sát so với mức lạm phát, nên dư địa tiếp tục giảm lãi suất huy động để giúp giảm lãi suất cho vay là khó khả thi.

Tiền vẫn chảy chậm

Sau một năm 2023 nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam cho thấy dấu hiệu hồi phục tại thời điểm cuối năm và được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2024. Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng có sự tăng mạnh vào 2 tháng cuối năm, giúp phần nào đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm. Dù mức tăng trưởng tín dụng của tháng 3/2024 có cải thiện, báo hiệu nhu cầu vốn của doanh nghiệp đã trở lại, nhưng mức tăng vẫn thấp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tại cuối tháng 3 tăng lên đạt 0,6%, cho thấy sự cải thiện tích cực trong tháng 3 vừa qua. Các tổ chức tín dụng cũng nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng quý I/2024 sẽ cải thiện, dù thấp hơn kỳ vọng. Đồng thời, dư nợ tín dụng bình quân sẽ tăng 13,6% trong năm 2024.

Tăng trưởng tín dụng vẫn thấp
Tăng trưởng tín dụng vẫn thấp

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, tăng trưởng tín dụng tháng 1,2 không cao bởi tháng 10, 11, 12/2023 các doanh nghiệp đã vay đầu tư sản xuất kinh doanh, tích trữ. Đây cũng là lý do mức tăng trưởng tín dụng của 3 tháng cuối năm ngoái rất cao.

“Còn tháng 1/2024 thì họ đã chuẩn bị xong cho dịp lễ và sau đó là Tết âm lịch nên họ cũng không có nhu cầu vay vốn. Tháng 2/2024 là tháng tết nên doanh nghiệp cũng không vay vốn nhiều. Tuy vậy, từ tháng 3 trở đi tăng trưởng tín dụng sẽ dương bởi nhiều doanh nghiệp phải vay vốn để chuẩn bị nguyên vật liệu, sản xuất các đơn hàng”, ông Thịnh nói.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh (CIEM) nhìn nhận, việc giải ngân tín dụng còn khá chậm khi mức tăng chỉ đạt 0,26% vào cuối tháng 3 chỉ đạt 0,25% so với năm 2023. Trong khi, cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng là 1,99%. Có thể thấy mức tăng này cách khá xa so với mục tiêu của năm 2024 là 15%.

“Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm khá sát với lạm phát. Do vậy, dư địa giảm tiếp lãi suất huy động để giúp giảm lãi suất cho vay khó khả thi”, bà Minh nêu.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Theo Viện trưởng CIEM, các ngân hàng thương mại cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giảm thiểu chi phí để hạ lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

“Những diễn biến trên cho thấy cần phải đánh giá cụ thể hơn năng lực hấp thụ tín dụng để có những giải pháp cải thiện phù hợp”, bà Minh nhấn mạnh.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, cần tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính về vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp; giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngoài ra, ông Anh đề nghị, cần tiếp tục cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế (trong 6 tháng thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, nhập khẩu); hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, sản xuất theo hướng xanh, bền vững.

Phía trước nhiều sóng bão nhưng vẫn hy vọng sự tích cực

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, tăng trưởng tín dụng trong tháng 4,5 tới đây sẽ cao hơn nhiều so với 3 tháng đầu năm. Đặc biệt Ngân hàng Nhà nước đã giao mức tăng trưởng tín dụng 15% từ đầu năm, do đó các ngân hàng thương mại sẽ tìm mọi cách họ cho vay, vì đây là nguồn lợi nhuận của họ.

Thêm nữa, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho biết, Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu mạnh mẽ về việc công khai lãi suất cho vay bình quân. Điều này giúp cho việc cấp tín dụng của ngân hàng thương mại công khai minh bạch, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp.

“Nếu cứ giấu mức lãi suất cho vay thì có thể những doanh nghiệp sân sau, đi đêm sẽ có được mức tín dụng không thoả đáng, làm cho hoạt động cấp tín dụng thiếu minh bạch”, ông Thịnh nói và nêu thêm, việc này góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp đến vay nhiều hơn.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ của các ngân hàng cũng kéo theo nỗi lo cho phía Ngân hàng Nhà nước. Đó là các ngân hàng thương mại có thể vì lợi nhuận để cho vay quá nhiều vào một lĩnh vực nào đó, không hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh mà lại cho vay nhiều ở lĩnh vực đầu tư như bất động sản, chứng khoán…

Do vậy, chuyên gia này cho hay, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu kiểm tra một cách nghiêm ngặt tăng trưởng tín dụng ở 14 ngân hàng lớn. “Nếu không, việc tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro thì rất nguy hiểm”, ông Thịnh nêu.

Để đẩy mạnh vốn ra nền kinh tế, chuyên gia này rằng, các ngân hàng thương mại nên tích cực cho vay tín chấp, thông qua việc cho vay theo dòng tiền, dự án, hợp đồng…

“Các nước kinh tế thị trường việc cho vay tín chấp này khá phổ biến. Phía ngân hàng cũng cần có những cán bộ thẩm định hiểu rõ các lĩnh vực này để việc cho vay theo dòng tiền được đẩy mạnh. Bản thân các doanh nghiệp phải có được kế hoạch về dòng tiền chắc chắn, khả thi; hợp đồng xuất khẩu phải rõ ràng, minh bạch, hợp đồng đầu tư phải theo quy trình, dễ thẩm định…”, ông Thịnh nói.

Hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế
Hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM cho hay, từ quí III/2022, có nhiều áp lực lên lãi suất, tỷ giá, thiếu hụt thanh khoản. “Rung lắc, sang chấn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp lẫn bất động sản. Tuy nhiên đến 2023 thì thành khoản dồi dào, lãi suất giảm đáng kể, tỷ giá ổn định, lạm phát thấp. Ngoài ra, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có nhiều tiến triển.

Ông Thành nêu rõ, phía trước còn nhiều sóng bão, song vẫn có lý do để tin vào một kết quả tích cực hơn trong năm 2024 và hy vọng Việt Nam tạo dựng được những nền tảng cơ bản tốt hơn để bứt phá phát triển trong giai đoạn tới./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024