ISSN-2815-5823

Tìm kiếm công cụ mới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam

(KDPT) - Bệnh viện Phổi Trung ương và trường Đại học Bắc Carolina tại Việt Nam (UNC Việt Nam) vừa tiến hành lễ khởi động dự án nghiên cứu “Bảo vệ hộ gia đình khi phơi nhiễm với bệnh nhân chỉ điểm mới chẩn đoán lao kháng đa thuốc” (dự án PHOENIx MRD-TB).

Hiện nay, hằng năm trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người tử vong do lao, trong đó 13% tử vong do mắc lao kháng đa thuốc (MDR-TB). Người tiếp xúc hộ gia đình với lao kháng đa thuốc (MDR-TB) có nguy cơ nhiễm lao cao. Người HIV(+) có nguy cơ nhiễm MDR-TB gấp 2 lần người HIV(-) và tỷ lệ tử vong cao. MDR-TB ở trẻ em thường do lây từ người trong hộ gia đình.

Vì vậy, nhiều thử nghiệm lâm sàng về các phác đồ điều trị lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc hộ gia đình của MDR-TB đang được tiến hành để cung cấp số liệu và bằng chứng cho Tổ chức y tế thế giới WHO và các quốc gia nhằm giảm thiểu các hộ gia đình mắc lao khi phơi nhiễm với bệnh nhân chỉ điểm mới chẩn đoán lao kháng đa thuốc.

TS. BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

Theo TS. BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: “Hiện tại, Việt Nam vẫn là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc cao trên thế giới. Năm 2022, với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống phòng, chống lao trên toàn quốc, Việt Nam đã đạt mức phát hiện bệnh lao bằng với năm 2019 (trước khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nước ta). Tuy nhiên, tình hình bệnh lao và lao kháng thuốc vẫn là thách thức lớn để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035”.

Ths. Bs. Trần Việt Hà, Giám đốc văn phòng đại diện của đại học Bắc Carolina tại Việt Nam cũng cho rằng: “Số người tiếp xúc hộ gia đình có nguy cơ mắc lao tại Việt Nam hiện đáng lo ngại. Khoảng 50% người tiếp xúc hộ gia đình của bệnh nhân lao đa kháng thuốc có nguy có mắc lao. Tổ chức y tế thế giới khuyến khích có nhiều hơn nữa nghiên cứu về các phác đồ dự phòng lao tiềm ẩn cho người tiếp xúc hộ gia đình của bệnh nhân lao đa kháng thuốc”.

Ths. Bs. Trần Việt Hà, Giám đốc văn phòng đại diện của đại học Bắc Carolina tại Việt Nam

Trong bối cảnh đó, nghiên cứu PHOENIx được lập ra với mục tiêu nhằm so sánh tính hiệu quả và tính an toàn của Delamanid với Isoniazid trong dự phòng lao hoạt động cho người tiếp xúc hộ gia đình có nguy cơ cao của bệnh nhân lao kháng đa thuốc. Kết quả của nghiên cứu sẽ góp phần gợi ý cho chương trình phòng chống lao và tổ chức y tế thế giới đưa ra những khuyển cáo về một phác đồ dự phòng lao cho NTXHGĐ của bệnh nhân MDR-TB. Ngoài ra nghiên cứu làm giảm hạn chế tỷ lệ mắc lao trong cộng đồng, tìm ra những công cụ mới trong lĩnh vực điều trị và dự phòng lao và lao kháng thuốc tại Việt Nam, từ đó góp phần vào mục tiêu quốc gia chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Hiện tại, dự án nghiên cứu đang được thực hiện ở 29 cơ sở, tại 12 quốc gia trên toàn thế giới gồm: Thái Lan, Philippines, Brazil, Peru, Nam Phi, Uganda, Kenya, Haiti, Zimbabwe, Tanzania, Ấn Độ và Việt Nam. Tại Hà Nội, Văn phòng Trường Đại học Bắc Carolina tại Việt Nam (UNC Việt Nam) phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung Ương và Bệnh viện Phổi Hà Nội cùng thực hiện nghiên cứu PHOENIx. Cơ sở nghiên cứu được đặt tại Bệnh viện Phổi Trung Ương và điểm thu tuyển người tham gia ở Bệnh viện Phổi Hà Nội.

Có thể nói, đây là một tín hiệu đáng mừng trong công tác tìm hiểu và nghiên cứu công nghệ mới, cách tiếp cận mới phù hợp với định hướng chấm dứt bệnh lao đến năm 2035 của Bộ Y Tế Việt Nam nói riêng và Chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu nói chung.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024