ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 02h39 30/07/2021

Tin giả thời Covid-19: Cuộc chiến ngày một cam go

(KDPT) – Bất chấp cảnh báo, bất chấp những trường hợp điển hình từng bị xử phạt, tin giả, sai sự thật vẫn được các tài khoản đăng tải lên mạng xã hội, đặc biệt là những nội dung liên quan đến dịch bệnh, nhằm mục đích “câu like”, “câu view”. Điều này đã đặt ra bài toán nan giải, khiến cuộc chiến phòng chống Covid-19 ngày một khó khăn hơn.

Tin giả cũng là một loại vi-rút

Kể từ khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận vào cuối năm 2019 đến nay, những thông tin giả mạo đã xuất hiện với số lượng và tần suất ngày càng dày đặc trên các trang mạng xã hội, thậm chí là mạo danh lực lượng tuyến đầu để truyền phát thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Đây đồng thời là điều mà các nhà khoa học, các chuyên gia y tế và các công ty mạng xã hội vẫn chưa thể xử lý một cách triệt để.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: SCMP)

Trên thế giới, hiện nay xuất hiện rất nhiều người bán vắc-xin Covid-19 giả trên mạng, tại nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mexico, Australia… Công ty Pfizer cho biết đã xác định những trường hợp làm giả vắc-xin Covid-19 của hãng này tại Mexico và Ba Lan.

Tình trạng phòng ngừa và chữa Covid-19 theo “lời mách” trên mạng xã hội cũng ngày càng gia tăng. Tại Indonesia, một số đoạn video trên mạng xã hội cho thấy nhiều người dân nước này đổ xô đi mua một loại sữa bột vì có tin đồn vô căn cứ rằng loại sữa này có thể tạo ra kháng thể chống lại Covid-19. Trong khi đó, vẫn chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào chỉ ra việc uống loại sữa này có thể phòng chống dịch Covid-19.

Nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters dựa trên 225 thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19 cho thấy, có đến 88% lượng thông tin trên xuất hiện ở các nền tảng mạng xã hội, trong khi con số này chỉ là 9% đối với truyền hình và 8% trên báo chí.

Với khoảng 3 tỷ người dùng trên khắp thế giới, các trang mạng xã hội đã và đang dễ dàng trở thành “vùng đất màu mỡ” để chia sẻ và lan truyền những tin tức giả mạo, sai sự thật với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền tảng nào khác, bất chấp nỗ lực kiểm soát từ các hãng công nghệ.

Hậu quả của những tin đồn thất thiệt này không chỉ dừng lại ở việc cản trở công tác chống dịch của các tổ chức y tế hay gây ra bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến tính mạng và sức khỏe cộng đồng nếu làm theo những chỉ dẫn sai lệch không có căn cứ được lan truyền.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gọi đây là một “đại dịch tin giả” (infodemic), và đưa ra cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả vi-rút, và mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”.

Chung tay hành động quyết liệt

Trước diễn biến khó lường và tốc độ lan truyền của đại dịch thông tin này, Chính phủ các nước cùng hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn đã vào cuộc, nhằm tìm ra giải pháp kiểm soát sự tràn lan của tin giả cũng như thảo luận về việc chuẩn bị ứng phó với thảm họa và cách truyền bá thông tin chính xác tới người dùng mạng xã hội.

Ngày 11/3, Chính phủ Mỹ đề nghị các tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon tham gia chiến dịch chống Covid-19 bằng cách phối hợp ngăn chặn thông tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để sớm phát hiện và loại bỏ thông tin này trước khi chúng được phát tán rộng rãi.

Facebook, Youtube, Twitter cùng nhiều trang mạng xã hội khác được cho là đang phối hợp chặt chẽ với WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) trong nỗ lực truy cứu nguồn gốc, kiểm chứng và loại bỏ thông tin giả mạo ngay khi phát hiện, đồng thời định hướng người dùng mạng xã hội đến những nguồn thông tin đáng tin cậy.

Google cũng tuyên bố sẽ quyết tâm loại bỏ những tin đồn thất thiệt đang xuất hiện trên công cụ tìm kiếm cũng như trên nền tảng Youtube, đồng thời định hướng người dùng đến những nguồn tin được xác thực từ WHO và các cơ quan y tế của Chính phủ các nước.

Tại Việt Nam, việc kiểm soát những thông tin sai sự thật liên quan đến Covid-19 được đánh giá là mang lại hiệu quả. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các cơ quan truyền thông trên “mặt trận” chống tin giả, tin sai lệch là một đặc điểm nổi bật của Việt Nam, được thế giới đánh giá cao.

Lực lượng chức năng các địa phương kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ tài khoản mạng xã hội có hành vi “cung cấp thông tin sai sự thật”.

Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 cùa Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định:

  1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử, tên cơ quan chủ quản (nếu có), địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung trên trang chủ của trang thông tin điện tử.
  2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
    a) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật;
    b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
  3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
    a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;
    b) Đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia;
    c) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm;
    d) Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác;
    đ) Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
  4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
  5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;
    b) Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.

Cuộc chiến chưa hồi kết

Mặc dù nỗ lực trong việc ngăn chặn tin giả luôn được duy trì thực hiện, song vẫn tồn tại không ít thách thức từ những lỗ hổng công nghệ. Đó có thể là các nhóm riêng tư, ứng dụng nhắn tin từ trang mạng xã hội; đồng thời, là tốc độ số lượng tin giả được sản sinh và phát tán nhanh chóng hơn các nỗ lực kiểm soát của các công ty công nghệ.

Tung tin giả một phần do người dùng mạng xã hội thiếu kiến thức pháp luật, thiếu cẩn trọng khi tạo và đưa tin trên các phương tiện truyền thông, vô tư chia sẻ thông tin không kiểm chứng nguồn gốc và tính chính xác của thông tin. Một mặt do người dùng mạng xã hội phần nào thiếu trách nhiệm, muốn nổi tiếng hay “câu like”… Song cũng không thể loại trừ khả năng: tung tin giả là chiêu bài có kịch bản của các thế lực thù địch, với âm mưu thâm hiểm là tạo bất ổn trật tự xã hội, gây khó khăn và phá hoại các nỗ lực phòng chống dịch Covid-19.

Cả nước đang ra trận. Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 chắc chắn còn rất nhiều thử thách, khó khăn. Và cuộc chiến chống lại những thông tin giả mạo dường như cũng chưa thể đi đến hồi kết. Do đó, những người dùng mạng xã hội nên trở thành những “người đọc thông thái” bằng cách luôn cập nhật các nguồn tin chính thống cũng như phát triển kỹ năng cần thiết để kiểm chứng, đối chiếu thông tin khi đối mặt với “cơn bão” tin giả tràn lan trên không gian mạng hiện nay.

Biện pháp mạnh tay từ bộ máy công quyền, sự giám sát chặt chẽ phối hợp cùng các đơn vị công nghệ, và ý thức trách nhiệm của mỗi công dân chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tạo ra môi trường mạng an ninh, an toàn cho cộng đồng.

NGUYÊN AN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024