Tín hiệu mở đường cho Fintech tại Việt Nam
Tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng để lấy ý kiến đóng góp từ các cá nhân, tổ chức và cơ quan. Đáng chú ý, Dự thảo đề xuất cho thử nghiệm các giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng: chấm điểm tín dụng, cho vay ngang hàng và Open API (hay có thể gọi là “ngân hàng mở”).
Trên thế giới nhiều quốc gia khá “cởi mở” với lĩnh vực này. Có nhiều nhận định rằng dự thảo lần này của Ngân hàng Nhà nước là hướng đi tất yếu bởi thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động fintech cũng đòi hỏi Việt Nam phải sớm xây dựng quy định về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động công nghệ tài chính. Từ đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh và ngăn ngừa các hành vi vi phạm nhân danh fintech để bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw - để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.
PV: Thưa ông, dù đang phát triển rất mạnh và ngày càng mở rộng nhưng ở Việt Nam hiện nay chưa có văn bản pháp lý nào hoàn thiện để điều chỉnh hoạt động Fintech. Vậy dự thảo này của Ngân hàng Nhà nước có phải là một tín hiệu mở đường cho hành lang pháp lý cho Fintech trong giai đoạn tới?
LS. Nguyễn Thanh Hà: Cùng với xu hướng chung của thế giới, hoạt động Fintech ở Việt Nam đang ngày càng phát triển nhanh chóng và mở rộng phạm vi hoạt động. Việc xây dựng văn bản pháp lý như dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động Fintech có thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech đồng thời, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.
Qua quá trình lấy ý kiến đóng góp Nghị định, sẽ giúp các cơ quan quản lý hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của Fintech tại thị trường Việt Nam, tiếp thu quan điểm từ chính các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và khách hàng đang hoạt động trong lĩnh vực này để hoàn thiện các văn bản pháp luật.
Nếu dự thảo Nghị định này được thông qua và thực thi trong thời gian tới sẽ là một bước tiến tích cực và là nền tảng để xây dựng một hành lang pháp lý toàn diện và chi tiết để điều chỉnh hiệu quả hoạt động công nghệ tài chính, giúp định hướng các chính sách cho hoạt động Fintech của Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
PV: Trước khi đưa ra dự thảo này, Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc, chọn lọc và lựa chọn thử nghiệm ba nhóm giải pháp Fintech: Chấm điểm tín dụng; Cho vay ngang hàng và Open API. Dưới góc nhìn của luật sư, ông đánh giá thế nào về 3 giải pháp này?
LS. Nguyễn Thanh Hà: Thứ nhất, giải pháp chấm điểm tín dụng. Đây là một giải pháp quan trọng trong lĩnh vực tài chính, giúp đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng dựa trên các thông tin tài chính và hành vi thanh toán trước đó. Việc áp dụng chấm điểm tín dụng có thể giúp ngân hàng và tổ chức tài chính đưa ra quyết định cho vay một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng đòi hỏi sự chính xác và công bằng, đồng thời cần tuân thủ các quy định về bảo mật thông tin cá nhân, an toàn dữ liệu và an ninh mạng nói chung.
Thứ hai, giải pháp cho vay ngang hàng (P2P Lending). Giải pháp này tạo ra 1 kênh tài chính mới, cho phép các cá nhân và tổ chức cho vay và vay tiền trực tiếp thông qua các nền tảng trực tuyến. P2P Lending có thể giúp mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho những đối tượng chưa được ngân hàng phục vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái tài chính đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, việc thực hiện P2P Lending cần có sự quản lý rủi ro và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính an toàn và minh bạch cho các bên tham gia.
Thứ ba, giải pháp Open API. Giải pháp này giúp các công ty fintech giao tiếp, tương tác, chia sẻ dữ liệu với các đối tác ngân hàng và tổ chức tài chính. Open API có thể tạo ra một môi trường hợp tác và phát triển chung, giúp cải thiện trải nghiệm khách hàng và tăng cường tính cạnh tranh trong ngành tài chính. Điều này giúp tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính cho người dùng. Tuy nhiên, việc chia sẻ dữ liệu cần tuân thủ các quy định về bảo mật và quyền riêng tư, đồng thời đảm bảo tính bảo mật và an toàn cho dữ liệu khách hàng.
Nhìn chung, ba giải pháp này đều mang lại nhiều lợi ích cho người dùng và tổ chức tín dụng, nhưng cũng đòi hỏi một khung pháp lý rõ ràng và hiệu quả để đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên liên quan. Việc xây dựng khung pháp lý này sẽ cần phải xem xét đến các yếu tố như quyền riêng tư, an toàn dữ liệu, và an ninh mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh 3 loại hình này, nên chăng cơ quan soạn thảo cũng nghiên cứu một số mô hình mới trên thế giới, có thể bổ sung thêm nếu mô hình này đã phổ biển ở nước ngoài mà chưa có ở Việt Nam. Các quy định của pháp luật ngoài việc phục vụ nhu cầu quản lý cũng định hướng sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới.
PV: Trong 3 giải pháp Fintech trên có hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) đang là một lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển và hợp xu thế nhưng thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các quốc gia trên thế giới đã ứng xử với điều này ra sao, thưa ông?
LS. Nguyễn Thanh Hà: Là mô hình kinh doanh dịch vụ tài chính cho vay ngang hàng dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp giữa người cho vay với người vay. P2P Lending trong những năm gần đây đang nổi lên như một xu thế, thay thế các khoản cho vay truyền thống của các ngân hàng thương mại. Khách hàng mục tiêu của loại hình cho vay này chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa và các cá nhân.
Các nền tảng P2P Lending giải quyết các vấn đề liên quan đến cho vay bằng cách sử dụng các quy trình tự động. Việc này cũng giúp giảm chi phí và rủi ro tín dụng của các mô hình sử dụng dữ liệu phi truyền thống. P2P Lending và các hình thức tài trợ fintech khác đã phát triển nhanh chóng trong vài năm qua với tốc độ rất khác nhau trong đó các thị trường P2P Lending lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Mỹ, Anh và Nhật Bản.
Vương Quốc Anh được cho là một trong những quốc gia khởi đầu mô hình P2P Lending. Năm 2014, Cơ quan Kiểm soát Tài chính của Anh đã ban hành Bộ luật Quản lý hình thức P2P Lending để quản lý P2P Lending. Giúp loại hình cho vay này phù hợp với thực tiễn. Sau đó, Anh cũng theo dõi sát sao tình hình thực tiễn P2P Lending trên thị trường để có những điều chỉnh phù hợp. Ngoài ra, Bộ Luật này cũng tập trung vào việc đánh giá, quản lý rủi ro, phương pháp định giá của doanh nghiệp, đặc biệt hoạt động quảng bá cho mô hình P2P Lending cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tại Trung Quốc, khung pháp lý của P2P Lending thay đổi theo từng giai đoạn phát triển. Trước năm 2016, thị trường tín dụng P2P được Chính phủ Trung Quốc không kiểm soát chặt chẽ. Điều này giúp thị trường đáp ứng nhu cầu vốn của một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân không có khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc không tồn tại các quy định pháp lý để điều chỉnh đã làm cho hoạt động P2P Lending tại quốc gia này phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, còn gây ra nhiều thực trạng cực kì đáng báo động. Ngay sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã phải can thiệp mạnh để ngăn chặn ảnh hưởng lớn tới an toàn hệ thống tài chính đồng thời ổn định đời sống kinh tế - xã hội. Hiện nay, cùng với những chính sách cứng rắn của Chính phủ, thị trường P2P Lending với cá nhân tại Trung Quốc gần như không còn hoạt động.
Trái ngược với Trung Quốc, thị trường P2P Lending tại Nhật Bản lại hoạt động khá hiệu quả dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Tại Nhật, Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về việc xây dựng khung pháp lý, quy định về P2P Lending. Cũng tại Nhật Bản, các nền tảng P2P Lending sẽ phải tuân thủ theo Luật Công cụ Tài chính được sửa đổi năm 2015. Ngoài ra, theo Luật Thương mại của Nhật Bản, nguồn vốn của nhà đầu tư sẽ được thực hiện dưới dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh. Khi đó, các nền tảng P2P Lending cho vay với tư cách là nhà điều hành của doanh nghiệp (khi đó, các nền tảng này có thể đưa ra những hỗ trợ cần thiết khác về tri thức, công nghệ,…), về phía người cho vay sẽ chịu trách nhiệm cung cấp vốn cho nền tảng P2P Lending với tư cách là các nhà đầu tư ẩn danh.
PV: Theo ông, từ bài học của nhiều nước trên thế giới và thực trạng tại Việt Nam, chúng ta có thể mong chờ khung pháp lý như thế nào cho hoạt động này?
LS. Nguyễn Thanh Hà: Từ bài học kinh nghiệm quản lý của các nước trên thế giới, để P2P Lending hoạt động an toàn, hiệu quả, Việt Nam có thể rút ra 4 bài học.
Thứ nhất là việc yêu cầu đăng ký và quản lý bởi cơ quan tài chính quốc gia. Theo đó, cần công nhận, cho phép và quản lý các công ty P2P Lending. Có thể thấy, nếu không có các cơ quan quản lý chịu trách nhiệm đưa ra quy định, điều chỉnh đối với các mô hình kinh doanh mới sẽ dẫn đến những nguy cơ, hành vi có dấu hiệu trái pháp luật thậm chí gây thiệt hại về quyền lợi cho người tiêu dùng. Về phía Ngân hàng Nhà nước, đơn vị cần xác định khung pháp lý quản lý phù hợp qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Ngoài ra cần lựa chọn mô hình vận hành đảm bảo an toàn cho các bên tham gia. Cùng với đó, cần hoàn thiện các quy định, cơ chế chia sẻ thông tin, giải pháp về dữ liệu, dữ liệu giữa tổ chức tín dụng và Fintech, Bigtech… nhằm tạo điều kiện để phát triển hệ sinh thái tài chính số nói chung và P2P Lending nói riêng.
Thứ hai, hệ thống đánh giá rủi ro. Hiện nay, các công ty P2P Lending khi thành lập phải xây dựng được một hệ thống chấm điểm rủi ro tín dụng công khai và minh bạch. Đặc biệt là các yêu cầu về quản lý rủi ro lan truyền đến thị trường tài chính. Có thể thông qua khuyến khích các công ty P2P Lending có cơ chế phòng vệ hợp lý thông qua quỹ dự phòng rủi ro tín dụng. Một yếu tố nữa đó là cần xây dựng cơ chế cấp phép đối với công ty P2P Lending trên cơ sở xác định các tiêu chuẩn về vốn tối thiểu, năng lực về công nghệ, tiêu chuẩn đội ngũ quản lý và nhân viên.
Thứ ba, quản lý và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Chúng ta cần nghiên cứu và áp dụng các biện pháp kiểm soát các nhà đầu tư them gia P2P Lending để tránh các hệ lụy kinh tế - xã hội trong trường hợp xảy ra rủi ro. Cụ thể, cần thiết lập các quy định cũng như có biện pháp giám sát tuân thủ về các giới hạn đầu tư so với thu nhập của đối tượng là nhà đầu tư hay các quy định về giới hạn góp vốn của mỗi nhà đầu tư hoặc quy định về quyền tiếp cận thông tin.
Thứ tư về khoa học và công nghệ. Để hoạt động P2P Lending phát triển an toàn, hiệu quả, Chính phủ cũng như các Bộ, Ngành liên quan cần chú trọng nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia. Đặc biệt là cơ sở dữ liệu về chính quyền điện tử, định danh cá nhân,… cũng như chú trọng yêu cầu về quản lý rủi ro công nghệ thông tin của hệ thống tài chính - ngân hàng. Nếu thực hiện được các điều nêu trên không chỉ tạo nền tảng quản lý P2P Lending nói riêng mà còn hỗ trợ cho cả thị trường tài chính - ngân hàng số nói chung.
Xin cảm ơn ông!
- Cần hành lang pháp lý minh bạch với P2P Lending
- Hoạt động P2P Lending giúp kiểm soát tín dụng đen
- Nhiều cơ hội "vượt khó" của doanh nghiệp từ P2P Lending