Tống Bí thư Tô Lâm: Phải có văn bản khẩn trương để đưa Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống
Thể chế là điểm nghẽn
Cụ thể, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Đề nghị phải có văn bản khẩn trương đưa Nghị quyết 57-NQ/TƯ vào cuộc sống. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đặt ra".
Tổng Bí thư cho rằng, đây là bài học về điểm nghẽn của thể chế. Không gỡ được thể chế thì Luật không đi vào cuộc sống. Các Luật đang có hiệu lực không thể thay thế được, vì vậy Quốc hội mới có kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề không bình thường".

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Chúng ta cần khẩn trương đưa những vấn đề này vào cuộc sống, phải rà soát những vấn đề tháo gỡ. Trong phạm vi dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra 3 nhóm tập trung và có định hướng. Nếu đi vào những vấn đề quá chi tiết sẽ không thể quy định được hết. Từ đó dẫn đến không ra được Nghị quyết và sẽ thất bại. Cách làm này cũng thể hiện tinh thần 'vừa chạy, vừa xếp hàng'. Những vấn đề khoa học và công nghệ, ai cũng thấy được giá trị, nhưng chưa phát triển được bởi còn nhiều khó khăn. Nếu nói sửa Luật Khoa học và Công nghệ cũng chưa đủ để thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển; trong khi đó, Luật Đấu thầu cũng đang là vướng mắc…".
Tổng Bí thư cũng đánh giá, cách thức quản lý đầu tư công và hợp tác công tư vẫn mang tính máy móc, chưa thực sự đặt trọng tâm vào tính hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, nếu chỉ quản lý theo quy định cứng nhắc, không tính đến hiệu quả kinh tế, sẽ không thể phát huy tối đa nguồn lực đầu tư. Do đó, chính sách thuế cũng cần được điều chỉnh theo hướng khuyến khích sản xuất, kinh doanh.
Trong thực tế, khi Chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng 2%, dù miễn thuế, tổng thu ngân sách vẫn tăng lên 300 tỷ đồng. Qua đó có thể thấy, chính sách thuế cần linh hoạt, không chỉ tập trung vào việc tăng thu trực tiếp mà còn phải tạo động lực cho nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, đối với Luật Doanh nghiệp, cần có các quy định khuyến khích doanh nghiệp gắn kết với khoa học công nghệ. Trường đại học, viện nghiên cứu phải có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều mô hình hợp tác chưa có trong luật nên không thể triển khai. Đây là một hạn chế lớn cần được tháo gỡ.
Cũng trong phiên thảo luận, Tổng Bí thư Tô Lâm đặt vấn đề: “Ai cũng thấy giá trị, sự cần thiết của phát triển khoa học công nghệ, mà tại sao không phát triển được", đồng thời chỉ ra rằng, luật đấu thầu “có vấn đề” khi không khuyến khích mua đồ đắt tiền, tìm thứ rẻ nhất thì hệ quả sẽ trở thành bãi rác của khoa học công nghệ, và thậm chí khoa học công nghệ bị đánh giá là lạc hậu.
Lấy ví dụ cụ thể, Tổng Bí thư chỉ ra một số nền kinh tế đã đi vào khoa học công nghệ nhưng không phát triển được là do mắc vốn cũ, trong khi lại lúng túng lo thu hồi vốn mới, cải tiến, đưa khoa học công nghệ. "Vết xe đổ" này không nên đi vào.
Tổng Bí thư đưa ý kiến: "Chúng ta đi sau thì phải biết đi tắt đón đầu khoa học công nghệ, nếu không cứ đi theo người ta thì lúc nào cũng lũn cũn đi sau. Nhưng theo quy định của luật đấu thầu thì sẽ vướng, bởi đấu thầu chỉ quan tâm về chuyện tiền nong và giá rẻ. Bây giờ vẫn quan tâm giá rẻ nũa thì biết đến bao giờ mình thu hồi đủ vốn để mình lại tiến triển hơn như tốc độ của thế giới".
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đưa ra quan điểm: Khoa học là miền đất hoang vu, ai đi vào mà trúng, đó là thắng lợi lớn. Ông chỉ ra sự cần thiết và quyết liệt trong việc tháo những điểm nghẽn thể chế để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang rất cấp thiết ở Việt Nam.
"Nghị quyết 57 đã thấy được và có chủ trương về vấn đề này. Trước mắt là sửa Luật Khoa học công nghệ, sau đó tiếp tục sửa các luật khác cho đồng bộ, sát với yêu cầu của thực tiễn. Để đi được vào cuộc sống, chúng ta phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm, nhìn thẳng vào vấn đề của thực tế để có cách tháo gỡ", Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn.
Đề xuất miễn trừ trách nhiệm với nhà khoa học trực tiếp thực hiện dự án khoa học - công nghệ
Cũng tại phiên thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đưa ra ý kiến: "Để thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cần có các cơ chế, chính sách đặc biệt, chứ không chỉ là đặc thù".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, để đất nước có thể phát triển nhanh, bền vững, phải dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và cũng là ưu tiên hàng đầu. Để tháo gỡ vướng mắc về thể chế liên quan, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung sửa một loạt các luật như: Luật Ngân sách nhà nước, các luật thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ… Một số luật có thể trình tại Kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 này.
Tuy nhiên, để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống ngay, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dự thảo Nghị quyết tập trung tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc đang rất cần thiết để thực hiện Nghị quyết 57, nên cũng chưa bao trùm, toàn diện hết các vấn đề; do đó sau khi ban hành Nghị quyết này cần tiếp tục sửa các luật khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phải có những chính sách cụ thể hơn thì mới thực hiện đc Nghị quyết 57. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng đã đề xuất 5 cơ chế đặc biệt để phát triển khoa học công nghệ ở nước ta:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế đặc biệt để phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. "Hạ tầng hiện nay vẫn còn yếu" - Thủ tướng nhận định và nhấn mạnh sự cần thiết của việc huy động nguồn lực từ hợp tác công tư, doanh nghiệp, xã hội và người dân.
Thứ hai, cần cơ chế đặc biệt cho quản lý, trong đó áp dụng mô hình lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư công - quản lý tư; đầu tư và sử dụng nguồn lực công trong các hoạt động khoa học và công nghệ. Ví dụ, Nhà nước có thể đầu tư vào hạ tầng công nghệ nhưng giao cho khu vực tư nhân vận hành, trong khi Nhà nước sẽ đóng vai trò thiết kế chính sách, ban hành pháp luật và thực hiện giám sát, kiểm tra.
Thứ ba, tạo cơ chế đặc biệt để thúc đẩy thương mại hóa các công trình khoa học và hỗ trợ các nhà khoa học đưa sản phẩm ra thị trường. Theo đó, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các tỉnh, thành phố, bộ ngành và các chủ thể liên quan; đồng thời loại bỏ cơ chế "xin - cho" và cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà.
Thứ tư, đề xuất miễn trừ trách nhiệm với nhà khoa học trực tiếp thực hiện dự án. Nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ, sẽ dễ dẫn đến tâm lý sợ trách nhiệm, e ngại, né tránh. "Chúng tôi sẽ thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người thực hiện, không chỉ giới hạn ở người xây dựng chính sách", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Thứ năm, xây dựng cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn lực cho khoa học và công nghệ. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc thu hút không chỉ dừng lại ở việc đưa nhân lực ngoài khu vực nhà nước vào khu vực công mà còn cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào khoa học công nghệ. Cùng với đó, chính sách hấp dẫn về thuế, phí, lệ phí, thị thực, nhà ở, đất đai và hợp đồng lao động cũng được thiết kế để thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài đến Việt Nam. "Tất nhiên, khi có cơ chế đặc biệt thì cũng cần có công cụ quản lý đặc biệt để đảm bảo hiệu quả, tránh xảy ra tham nhũng, lãng phí", Thủ tướng khẳng định.
Những ý kiến, những phát biểu đầy tâm huyết, đầy trách nhiệm của Tổng Bí thư Tô lâm và những ý kiến cùng những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho thấy những quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong công cuộc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới với thế và lực mạnh mẽ.
Từ đó, sẽ là bệ phóng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thực sự mang lại sự hưng thịnh cho đất nước và nhân dân Việt Nam, được thụ hưởng những giá trị từ những bước tiến của thời kỳ phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ đang diễn ra trên thế giới. Do vậy Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất cần thiết để nền khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam có đủ những nội lực để phát triển bền vững cùng đất nước./.
- Nghị quyết 57 mang lại động lực mạnh mẽ cho hiện tại và định hình tầm nhìn dài hạn cho tương lai
- Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 10, khóa XIII