ISSN-2815-5823

Trung Quốc tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài

(KDPT) – Có thể nói, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu làm cản trở tiến trình phát triển kinh tế dài hạn của Trung Quốc.

Tại cuộc họp Bộ Chính trị gần đây do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, một mô hình tăng trưởng mới được gọi là mô hình tăng trưởng “lưu thông kép” để vận hành nền kinh tế do các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đề xuất đã được thông qua. Tại cuộc họp, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc có thể áp dụng mô hình phát triển mới, huy động cả nguồn lực kinh tế quốc gia và động lực kinh tế quốc tế thay vì chỉ tập trung vào các thị trường nước ngoài như trước.

“Bối cảnh bên ngoài Trung Quốc đang trải qua những thay đổi rõ rệt ngay cả trước đại dịch, như xung đột thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc sẽ dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa để tăng trưởng. Sau tất cả, họ vẫn sở hữu thị trường lớn nhất thế giới”, Tang Jianwei, Giám đốc nghiên cứu tại Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc, nhận định.

Xu thế hướng nội này được củng cố bởi Kế hoạch “hướng Tây” công bố vào ngày 17/5, Chính phủ Trung Quốc cam kết tăng cường đầu tư vào các dự án công nghiệp ở khu vực miền Trung và miền Tây nước này để bù đắp thiệt hại cho các tỉnh phía Đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Sự thay đổi chiến lược này sẽ tác động tới nhu cầu tiêu dùng tại địa phương và phát triển công nghệ mặc dù chuỗi cung ứng trong nước sẽ được xây dựng với một phần từ sự trợ giúp của đầu tư nước ngoài.

Trung Quốc hướng tới tự chủ phát triển công nghệ cao.

Trung Quốc đã cố gắng tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tăng trưởng tiêu dùng từ xuất khẩu và đầu tư. Năm ngoái, tổng xuất khẩu và nhập khẩu chiếm 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm từ mức cao nhất là 64% trong năm 2006, theo dữ liệu của chính phủ nước này.

Tự chủ trong phát triển lĩnh vực công nghệ được đánh giá là nội dung chính của chiến lược mới này. Nguyên nhân bởi thời gian qua tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc là đối tượng của Mỹ và hàng loạt các quốc gia đồng minh trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Những biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ cao vào Trung Quốc khiến các nhà lãnh đạo của quốc gia này phải tìm ra phương hướng mới để không phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu.

Chiến lược lưu thông kép có thể trở thành ưu tiên chính trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của chính phủ Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ được thảo luận và tán thành bởi các nhà lãnh đạo cao nhất tại một hội nghị quan trọng của Đảng Cộng sản vào tháng 10 năm nay. Đến tháng 3/2021, văn bản cuối cùng của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 mới được công bố.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), sẽ kết thúc vào năm nay, đã đặt ra 25 mục tiêu như hạn chế các ngành công nghiệp truyền thống và gây ô nhiễm, thúc đẩy đổi mới công nghệ, xây dựng một xã hội thịnh vượng vừa phải,.. trong đó 13 mục tiêu đã đạt được chủ yếu tập trung vào xóa đói giảm nghèo.

BÍCH NGA

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024