ISSN-2815-5823

Từ vụ việc Chi cục trưởng túm cổ áo CSGT đến góc nhìn pháp lý

(KDPT) – Còn nhớ vào tháng 7/2011, Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1993, ngụ P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP HCM) đã bị Viện kiểm sát nhân dân Q.12 cáo buộc về tội “chống người thi hành công vụ”, với mức án lên đến 9 tháng tù giam. Cùng là hành vi đó, nhưng mới đây, vào ngày 11/1/2020, ông Lại Quốc Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGD) chỉ bị xử phạt hành chính, mặc dù khi đo nồng độ cồn, vị này còn vi phạm ở mức phạt kịch khung, trên 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Từ thực tiễn

Ngày 11/1, ông Lại Quốc Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (KHHGD) tỉnh Tuyên Quang có hành vi sử dụng rượu bia trong khi điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Toyota Prado BKS: 22A-059.88, đã phóng nhanh, lạng lách trên đường gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác.

Sau đó, đội CSGT TP Tuyên Quang có mặt, tiếp cận và dừng phương tiện, yêu cầu ông Đạt lên xe về đội CSGT thành phố để tiến hành đo nồng độ cồn theo quy định. Tuy nhiên, ông Lại Quốc Đạt không chấp hành mà bất ngờ túm cổ áo một trung úy cảnh sát giao thông nhằm quật ngã, kèm theo lời lẽ coi thường, xúc phạm người thi hành công vụ trước sự chứng kiến của nhiều người.

Ông Đạt sau đó bị Công an TP.Tuyên Quang xử phạt hành chính 3 triệu đồng về hành vi cản trở người thi hành công vụ; bị xử phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng về hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi hơi thở có nồng độ cồn.

Cùng với hành động trên, hãy quay trở lại thời điểm năm 2011 với vụ việc của Phạm Thị Mỹ Linh (SN 1993, ngụ P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP HCM) đã bị Viện kiểm sát nhân dân Q.12 cáo buộc về tội “chống người thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, chiều 2/7/2011, Linh đi trên xe gắn máy cùng bà Trương Thị Hạnh (SN 1974, thường trú tại P.Tân Thới Hiệp, Q.12) và Phạm Quang Minh (SN 1995). Khi phát hiện bà Hạnh đi xe ngược chiều trên đường Lê Văn Khương (hướng từ cầu Gò Dưa về UBND P.Thới An), thượng sĩ CSGT Nguyễn Đức Ánh và chiến sĩ thực tập Vũ Quang Long (thuộc Đội CSGT – Trật tự – Phản ứng nhanh Công an Q.12) đang làm nhiệm vụ đã yêu cầu bà Hạnh dừng lại để kiểm tra giấy tờ.

Bà Hạnh chỉ trình được giấy chứng nhận đăng ký xe, không trình ra được giấy tờ khác theo yêu cầu. Khi thượng sĩ Ánh lập biên bản, bà Hạnh giật cuốn sổ biên lai và giằng xe dẫn đi. Thượng sĩ Long và chiến sĩ Ánh giữ xe lại để lập biên bản hành chính liền bị Linh cự cãi, xô đẩy và quay ra tát vào mặt chiến sĩ CSGT thực tập Long 4 cái.

Được biết đại diện Viện kiểm sát nhân dân Q.12 đã đề nghị mức án 6-9 tháng tù giam đối với Phạm Thị Mỹ Linh vì tội “chống người thi hành công vụ”.

Rõ ràng, cả 2 vụ việc đều gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ, nhưng tại sao vụ việc của Phạm Thị Mỹ Linh thì bị xử lý hình sự với mức án cao nhất lên đến 9 tháng tù giam, còn vụ việc của ông Lại Quốc Đạt lại chỉ bị xử phạt hành chính ?

Đến những góc nhìn pháp lý

Hành vi của ông Lại Quốc Đạt và chị Phạm Thị Mỹ Linh đều đang xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ, thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.

Chị Phạm Thị Mỹ Linh đã tát vào mặt chiến sĩ CSGT thực tập 4 cái tát. Ông Lại Quốc Đạt không thực hiện yêu cầu của đồng chí CSGT mà còn có hành vi túm cổ áo, xô đẩy nhằm quật ngã một trung úy CSGT khi họ đang làm nhiệm vụ. Tất cả những hành vi của ông Lại Quốc Đạt và chị Phạm Thị Mỹ Linh đều đã được ghi hình lại, những video hình ảnh này đều có thể được làm bằng chứng để chứng minh dấu hiệu phạm tội trong trường hơp đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Chưa nói đến sự sai trái ở hành vi “chống đối người thi hành công vụ” trong cả hai vụ việc, nhưng nhìn qua cũng có thể thấy rõ vụ việc của ông Lại Quốc Đạt mang tính chất khá nghiêm trọng, không chỉ ở tình trạng say xỉn trong khi điều khiển phương tiện giao thông, mà còn ở việc ông là một cán bộ trong bộ máy chính quyền nhưng cách hành xử chưa đúng mực. Cùng với đó, nếu đặt trên bàn cân, có thể thấy mức xử phạt cho ông Đạt “nhẹ” hơn rất nhiều với trường hợp có hành vi tương tự là chị Linh như đã nói ở trên. Điều này không khỏi khiến dư luận có băn khoăn về tính công minh của luật pháp.

Theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Như vậy, trách nhiệm kỷ luật là một loại trách nhiệm pháp lý được áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, những người thay mặt nhà nước thực hiện công vụ. Việc thực hiện trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo sự nghiêm minh, khách quan và kịp thời.

Luật sư Nguyễn Thị Điển (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Thị Điển, Đoàn LS thành phố Hà Nội cho rằng: “Đối chiếu 02 trường hợp trên, thì hành vi của chị Phạm Thị Mỹ Linh và ông Lai Quốc Đạt đều có hành vi sử dụng vũ lực để cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ. Tất cả những hành vi của ông Lai Quốc Đạt và chị Phạm Thị Mỹ Linh đều đã được ghi hình lại, những video hình ảnh này đều có thể được làm bằng chứng để chứng minh dấu hiệu phạm tội trong trường hơp đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Tuy nhiên, để xem xét dấu hiệu phạm tội về hành vi vi phạm pháp luât của ông Lai Quốc Đat có đủ cấu thành để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ hay không còn tùy thuộc cách thức xử lý vụ việc của cơ quan Cảnh sát giao thông thành phố Tuyên Quang có chuyển hồ sơ tới cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Tuyên Quang để xác minh, làm rõ dấu hiệu phạm tội trong trường hợp này hay không?”

Tội chống người thi hành công vụ được qui định như thế nào trong pháp luật Việt Nam?

Căn cứ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau:

“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

MINH HẠ



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/04/2025