ISSN-2815-5823

Tuần lễ Điện ảnh Nga 2020 tại Hà Nội: Những xúc cảm đồng điệu vượt biên giới

(KDPT) – Nhân kỷ niệm 75 năm chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1945-2020), đồng thời chào mừng kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Liên bang Nga (1950-2020), từ ngày 9/12 – 13/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Đại sứ quán Nga tại Việt Nam phối hợp tổ chức Tuần lễ Điện ảnh Nga 2020.

Cả 5 bộ phim được trình chiếu tại Tuần lễ Điện ảnh Nga 2020 đều là những tác phẩm đặc sắc của điện ảnh Nga, gồm: Đường tới Berlin, Cọp trắng, Tinh cầu, Đến mà xem, Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc.

Phát biểu tại buổi chiếu khai mạc, Tham tán công sứ Đại sứ quán Nga tại Việt Nam Vadim Bublikov nhấn mạnh, hai nước có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, đối thoại chính trị và sự hợp tác giữa hai nước đã phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, giáo dục và nghệ thuật, trong đó giao lưu văn hóa đóng vai trò quan trọng.

2. Tham tán Đại sứ quán Nga tại Việt Nam Bublikov Vadim Vladimirovich cho biết rất hài lòng khi Tuần lễ Điện ảnh Nga 2020 được tổ chức tại Việt Nam trong điều kiện bất thường trên toàn thế giới. Ảnh: ĐSQ Nga

Ông Vadim Bublikov cũng cho biết năm nay, Tuần lễ Điện ảnh Nga tại Hà Nội diễn ra trong điều kiện bất thường và không nhiều nơi trên thế giới, các nhà ngoại giao của Nga có thể tổ chức những hoạt động lớn nhân dịp 75 năm chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Bởi vậy, Đại sứ quán Nga rất hài lòng khi sự kiện văn hóa này được tổ chức tại Việt Nam.

Phát biểu chào mừng Tuần lễ Điện ảnh Nga 2020, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng khẳng định sau 70 năm quan hệ ngoại giao, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ngày càng được củng cố, tăng cường và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước. Đặc biệt, các chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam-Nga không ngừng được mở rộng, tạo ra nhiều gắn kết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nga anh em.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định Tuần phim Nga tại Hà Nội sẽ giúp khán giả Việt Nam có cơ hội thưởng thức các giá trị văn hóa đặc sắc, hiểu rõ hơn giá trị nhân văn từ chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đồng thời tăng cường nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Việt Nam Tạ Quang Đông phát biểu trong buổi khai mạc. Ảnh: ĐSQ Nga

Sản xuất vào năm 2015, “Đường tới Berlin” dựa trên tiểu thuyết “Two in the Steppe” của nhà văn từng phục vụ ở mặt trận Emmanuil Kazakevich và nhật ký chiến tranh của Konstantin Simonov đã mở đầu cho Tuần lễ Điện ảnh Nga 2020. Bộ phim là câu chuyện của sĩ quan trẻ Ogarkov bị Ban tham mưu buộc tội hèn nhát và kết án tử hình bằng cách xử bắn. Sau đó, một cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Đức đã tạo nên “mối lương duyên” giữa Ogarkov và người lính canh giữ – người sau này trở thành bạn thân của anh. Những diễn biến về cuộc hành trình tìm đến Ban tham mưu của Ogarkov và người bạn thân, tuy khác mục đích nhưng cùng chung lý tưởng, cùng những hình ảnh tái hiện chân thực về cuộc chiến, bộ phim gây xúc động mạnh về tình đồng đội cũng như sự hy sinh, lòng dũng cảm của những người lính Hồng quân năm xưa.

Hay như phim “Cọp trắng” trình chiếu tối ngày 10/12, lấy bối cảnh Thế chiến thứ hai ở vùng Great, người lính Hồng quân Nga ra trận cùng với những cỗ xe tăng đầy sức mạnh. Cuộc chiến cam go và khó khăn hơn nhiều khi binh đoàn thiết giáp Nga cùng nhân vật chính Ivan Naydenov phải đối đầu với chiếc xe tăng được mệnh danh “cọp trắng”, được cho là của quân đội Đức. Nhưng kỳ lạ, khi một sĩ quan Đức bị bắt, ông tiết lộ rằng ông chưa bao giờ nhận được báo cáo hay tài liệu nào về sự tồn tại của chiếc xe tăng “cọp trắng” này, và chiếc xe tăng tử thần đó gây ra nhiều sợ hãi hơn là hi vọng trong quân đội Đức.

Một cảnh trong phim “Cọp trắng”. Ảnh: jaredmobarak

“Cọp trắng” thực sự đã miêu tả khá chân thực về cuộc tàn sát của Chiến tranh thế giới lần thứ hai bằng những cỗ xe tăng cùng những cảnh chiến đấu hào hùng dưới lửa, hay những xác người cháy đen. Khi cuộc chiến kết thúc, bụi bẩn, bùn đất, máu, vẫn nhuộm màu mọi khung hình, như nhắc nhở người xem về nỗi đau, nỗi sợ hãi và sự tàn nhẫn vẫn còn nguyên đó dù tháng năm có qua đi.

Bộ phim dựa trên nhiều sự kiện và nhân vật lịch sử có thật, nhưng vẫn được lồng thêm vào các yếu tố kể chuyện thần bí, tâm linh, nhằm dẫn đến các triết lý về chiến tranh, ví nó như một cuộc đấu tranh không ngưng nghỉ giữa thiện và ác. Ví dụ như cảnh độc thoại của nhân vật lịch sử Adolf Hitler ở đoạn kết: “Không đâu không có chiến tranh, và nó luôn tồn tại. Không có khởi đầu, và không có kết thúc”.

Những tác phẩm điện ảnh Nga trong nhiều năm qua đã có sự đầu tư trong khâu dàn dựng, kỹ thuật, kỹ xảo cũng như cách tiếp cận vấn đề, trong đó yếu tố chân thực, tinh thần thời đại và chiều sâu cảm xúc luôn được đề cao. Tuần lễ Điện ảnh Nga tại Hà Nội được tổ chức hằng năm đã trở thành điểm hẹn của thế hệ những người yêu điện ảnh Nga. Thông qua các bộ phim được trình chiếu trong tuần lễ, công chúng Việt Nam sẽ có nhiều trải nghiệm mới về đất nước, con người Nga đương đại. Đồng thời, hiểu thêm về những con người đã chiến đấu không tiếc thân mình trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941 – 1945). Như Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định trong buổi khai mạc: “Tuần Phim Nga tại Hà Nội lần này sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường hơn nữa quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai nước, góp phần thúc đẩy tình hữu nghị, hợp tác, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phát triển”.

Tuần phim Nga 2020 được chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (87 Láng Hạ, Hà Nội) và vào cửa tự do.

THUÝ HIỀN

Bạn đang đọc bài viết Tuần lễ Điện ảnh Nga 2020 tại Hà Nội: Những xúc cảm đồng điệu vượt biên giới
tại chuyên mục Văn hóa-Giải trí.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
03694529040977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/12/2024