Tường thuật: Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam”
Trong bối cảnh hiện nay, việc chuyển đổi từ kinh tế thẳng (kinh tế tuyến tính) sang kinh tế tuần hoàn là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, không ngoại trừ Việt Nam. Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người. Từ bối cảnh và yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng đã phối hợp Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam” – Khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền.
* 8 giờ 30 phút: Hội thảo chính thức khai mạc tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam, và được kết nối trực tiếp với điểm cầu Nam Cầu Kiền, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Nội dung chính của Hội thảo gồm 2 phần: Công bố Đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên của Việt Nam về kinh tế tuần hoàn áp dụng trong khu công nghiệp và Trưng cầu ý kiến đóng góp xây dựng hoàn thiện Đề tài.
Đồng chủ trì, điều hành Hội thảo: TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam và ông Nguyễn Thiệu Anh – Chủ tịch HĐQL, Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng.
Tại đầu cầu Hà Nội, tham dự Hội thảo, có các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý:
PGS.TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia; nguyên: Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Chủ tịch CLB các nhà Công Thương Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách Quốc hội.
PGS, TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Giám đốc Trung tâm Tri thức Kinh tế tuần hoàn.
Ông Phạm Hữu Duệ – Trưởng ban Tổ chức – Chính sách Liên hiệp Hội Việt Nam.
Ông Trần Xuân Việt – Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ & Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam.
Bà Phạm Thị Mỵ – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hải – Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE).
Ông Nguyễn Ngọc Hoa – Viện trưởng Viện Khoa học – Công nghệ hàn Việt Nam.
Và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, nhiều cơ quan truyền thông báo chí.
Tại đầu cầu Hải Phòng, có các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý:
Giáo sư, Viện sỹ Phạm Văn Thức – Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y dược Hải Phòng.
Ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hải Phòng.
ThS, Luật sư, doanh nhân Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền).
TS Mai Văn Sỹ – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, Giám đốc Công ty Duyên Hải..
Và đại diện lãnh đạo: Ban quản lý KKT TP Hải Phòng, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hải Phòng, Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hải Phòng; Phòng TN&MT huyện Thủy Nguyên; lãnh đạo Công ty CP Shinec và các doanh nghiệp trong KCN Nam Cầu Kiền, nhiều cơ quan truyền thông báo chí.
* 8 giờ 40 phút: TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc tại hội thảo.
TSKH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: “Với chức năng nghiên cứu của Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng, nhằm thúc đẩy các sáng kiến ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) về bảo vệ môi trường (BVMT), xây dựng mô hình phát triển kinh tế bền vững, nâng cao sức khỏe cộng đồng; góp phần thực hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách của Nhà nước để từ thực tiễn hoạt động vào hoàn thiện các cơ chế, chính sách về BVMT. Chính vì vậy, việc thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam. (Khảo sát mô hình điểm khu công nghiệp Nam Cầu Kiền)” có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng và Công ty Cổ phần Shinec (Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền), mà còn đối với các tổ chức khác trong nước, đối với việc xây dựng chính sách của Nhà nước vì mục tiêu chiến lược phát triển quốc gia bền vững.
Việt Nam đang thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu phù hợp với điều kiện cụ thể. Trong đó, tập trung những mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo, BVMT và biến đổi khí hậu; đảm bảo mọi người ở khắp nơi có thể tận hưởng hòa bình và thịnh vượng. Một trong những mục tiêu quan trọng, đó là làm sao phải quản lý tài nguyên bền vững, sử dụng tiết kiệm, hợp lý trước tình hình tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt để hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng đó chính là chuyển đổi mô hình kinh tế sang mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH).
Vấn đề KTTH đã được đề cập trong nhiều Văn kiện của Đảng, như Nghị quyết 55-NQ-TW tháng 02/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; đã được cụ thế hóa thành những chính sách, pháp luật, như Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã chính thức đề cập đến khái niệm và các quy định về KTTH.
Bên cạnh đó, hiện đã có nhiều cơ quan Bộ, ban ngành của nước ta đang tổ chức những chương trình lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó cũng nêu rõ lộ trình thực hiện KTTH và các cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH, tiến tới hoàn thiện thể chế, chính sách về KTTH. Đồng thời, cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực, chủ động trao đổi và triển khai các mô hình KTTH, góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Nhằm đưa chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đưa mô hình KTTH trở thành mô hình phát triển phổ biến, góp phần BVMT và đem lại hiệu quả kinh tế, Hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam. (Khảo sát mô hình điểm khu công nghiệp Nam Cầu Kiền)” được tổ chức là cần thiết, nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi, thảo luận và thu nhận những đánh giá, phân tích khoa học, những góp ý về phát triển KTTH ở nước ta.
Đồng thời, kết quả của Hội thảo cũng sẽ giúp việc xây dựng hoàn chỉnh đề tài khoa học của Việt Nam về vấn đề này. Điều đó khẳng định, đề tài nghiên cứu khoa học do Viện Sức khỏe và Môi trường vì công đồng chủ trì, phối hợp thực hiện với Công ty cổ phần Shinec (Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền) là phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; nhằm tạo ra sản phẩm khoa học về mô hình KTTH hiệu quả có thể áp dụng và nhân rộng trong khu công nghiệp trên cả nước”.
Tại hội thảo, Chủ tịch Phan Xuân Dũng cũng kêu gọi các tổ chức, đơn vị thành viên trong Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, các cộng đồng doanh nghiệp hãy cùng chung tay, chủ động, sáng tạo nghiên cứu nhiều đề tài, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học hơn nữa, đáp ứng tính cấp thiết trong đời sống, góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển bền vững.
Để chúc mừng sự kiện Hội thảo quan trọng, Chủ tịch Phan Xuân Dũng đã tặng Viện IOHEC bức ảnh Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại (Ba Vì, Hà Tây) năm 1969, mang ý nghĩa kế thừa truyền thống, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và lan tỏa truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường.
* 9 giờ: Ông Nguyễn Thiệu Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng công bố và trình bày khái quát Đề tài nghiên cứu khoa học: “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình Kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam – Khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền”.
Đề tài nghiên cứu khoa học đưa ra 3 điểm mới trong Phương pháp nghiên cứu, Phạm vi nghiên cứu và Mục đích nghiên cứu. Theo đó, về Phương pháp nghiên cứu được vận dụng theo học thuyết chủ nghĩa duy vật, trên cơ sở lý luận thực tiễn về KTTH như một dạng vật chất được luân chuyển trong vòng tròn khép kín, phù hợp với từng điều kiện để biến đổi từ dạng vật chất này sang dạng vật chất khác, nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm vật chất bền vững. Theo đó, dòng vật chất luôn được duy trì tồn tại, tham gia vận hành, phục vụ xã hội nhân sinh, thông qua quá trình chuyển đổi dạng thức bằng cách thiết kế chủ động tổng thể toàn bộ hệ thống. Vấn đề đăth ra, là phải xây dựng mô hình KTTH mang đặc thù nền kinh tế Việt Nam, phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về Phạm vi nghiên cứu, là mô hình KTTH trong KCN Việt Nam, không phải cho toàn bộ các lĩnh vực ngành nghề khác, qua đó đánh giá, nghiên cứu thực trạng KCN Việt Nam với vai trò phát triển bền vững, đồng thời thông qua khảo sát cụ thể mô hình điểm KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, từ đó làm luận cứ và phương pháp nền để nghiên cứu tính khả thi áp dụng mô hình KTTH. Về Mục đích nghiên cứu, trên cơ sở xây dựng khái niệm thế nào là KTTH trong KCN, từ đó xác định và xây dựng Bộ Tiêu chí về KTTH của Việt Nam.
Trên cơ sở 3 điểm mới Phương pháp nghiên cứu, Phạm vi nghiên cứu, Mục đích nghiên cứu, bố cục Đề tài khoa học được xây dựng gồm 4 chương: Chương I – “Đánh giá tổng quan kinh tế tuần hoàn thế giới và Việt Nam”, Chương II – “Khả năng áp dụng kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam”, Chương III – “Nghiên cứu và khảo sát thực tiễn mô hình điểm KCN sinh thái Nam Cầu Kiền trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn”, Chương IV – “Xác định và đề xuất bộ tiêu chí mô hình kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam”.
Qua đó, Đề tài đã đánh giá khả năng thực hiện mô hình Kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam – khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền, sự ra đời và thực tiễn tổ chức kinh tế tuần hoàn thế giới và kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia, để khẳng định tính tất yếu của xu hướng chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính (KTTT) sang kinh tế tuần hoàn (KTTH).
Trên cơ sở thực tiễn, đề tài đã nêu 3 lý do chính cần thiết phải thay đổi mô hình KTTT bao gồm: KTTT gây ra sự gia tăng rác thải; KTTT làm gia tăng tiêu thụ tài nguyên, năng lượng; Việt Nam có tốc độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế cao, đặc biệt tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, các hiệp định thương mại tự do thế giới.
Quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng đã đề cập trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 1991-2000 và phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường. Sau đó quan điểm này được khẳng định ở Nghị quyết trung ương khác nhau 41 -2004, 24-2013 về tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Khái niệm KTTH được đề cập tại Nghị quyết 55 -2020 và khẳng định tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 “Kinh tế số, KTTH, tăng trưởng xanh là mô hình nhiều quốc gia lựa chọn và đưa ra chiến lược 2021- 2030” Việt Nam xây dựng kinh tế xanh, KTTH thân thiện với môi trường. Ngày 1/10/2021 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”. Với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế. Đây cũng là một chỉ thị cấp bách cho sự phát triển KKTH ở Việt Nam đặc biệt đối với các KCN.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có lộ trình định hướng và phát triển KKTH qua các chủ trương, chính sách trong những năm qua, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý cho KTTH, do vậy để thực hiện cần một khung chính sách tổng thể, với tiêu chí rõ ràng và phương pháp tiếp cận phù hợp với thực tiễn Việt Nam, hướng tới thực hiện từng nội dung của KTTH.
* 9 giờ 20 phút: Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) trình bày tham luận về mô hình hoạt động và phát triển bộ tiêu chí sinh thái của KCN Nam Cầu Kiền:
Được thành lập vào năm 2008, do Công ty Cổ phần Shinec là chủ đầu tư, trong hơn 12 năm xây dựng và khai thác kinh doanh, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền luôn chú trọng cải tiến hệ thống quản lý, phát triển các hoạt động dịch vụ tiện ích nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng, trở thành đối tác phát triển bền vững của các doanh nghiệp.
Mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền đang đáp ứng cả 2 phương pháp tiếp cận cơ bản của KTTH là Quy mô nền kinh tế, thành lập các không gian địa lý và Nhóm ngành các nguyên vật liệu. Đồng thời, KCN Nam Cầu Kiền đã hoàn thành 100% 8 tiêu chí về KCN sinh thái theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ, phát triển thêm 4 tiêu chí về hoạt động sản xuất công nghiệp sinh thái, trở thành mô hình ưu việt cho nền kinh tế công nghiệp hiện đại ở Việt Nam, giải quyết mạnh mẽ thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Vận dụng KTTH tại Nam Cầu Kiền là sự cộng sinh đa dạng trong tổng thể mô hình cộng sinh lớn, từ đó tạo ra vòng tròn liên kết hữu cơ bền vững trên 3 trục: Kinh tế – Môi trường – Xã hội và trong vòng tròn liên kết đó các dòng vật chất đều trở thành tài nguyên bền vững.
KCN Nam Cầu Kiền đã ký hợp tác với thành phố Kitakyushu, Nhật Bản xây dựng KCN sinh thái bao gồm cả 8 tiêu chí của Nghị định 82 và 4 tiêu chuẩn về thiết kế sản phẩm của doanh nghiệp và KCN dựa trên nội hàm của KTTH, thiết kế dây chuyền sản xuất dạng tuần hoàn từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, thu hồi, tái sử dụng, tái chế phế thải, tỷ lệ chất thải (Rắn, nước, khí) được tái sử dụng, tái chế mang lại hiệu quả kinh tế của từng doanh nghiệp và toàn bộ KCN, tiết kiệm tài nguyên năng lượng (Nhân tố đầu vào) so với khi chưa áp dụng mô hình KTTH của các doanh nghiệp và toàn bộ KCN.
KCN Nam Cầu Kiền đã tạo ra nhiều không gian xanh giữa KCN: Tổ hợp Vườn Nhật tại KCN, Nhà máy xử lý nước thải, vườn Bách thảo, Sa hình Chiến dịch Điện Biên Phủ, Vườn Hạnh phúc, Vườn Kỷ vật Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vấn đề này không chỉ tạo không gian cảnh quan môi trường tốt mà còn có ý nghĩa nhân văn giáo dục sâu sắc. Đặc biệt tổ hợp Vườn Nhật nằm tại khu vực Nhà máy xử lý nước thải tập trung của cả KCN có giá trị cao cả về kinh tế, môi trường và sức khỏe. Các chất thải rắn được xử lý ngay tại KCN, không phải mang chôn ở nơi khác, chất thải KCN được xử lý tại chỗ trong KCN và được đánh giá online qua hệ thống quan trắc tự động, liên tục truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN&MT Hải Phòng giám sát.
* 9 giờ 40 phút: PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Viện trưởng Viện KH&CN Môi trường, Giám đốc Trung tâm TrI thức Kinh tế tuần hoàn tham gia tham luận về khả năng thực hành kinh tế tuần hoàn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam:
PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết đánh giá, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một bộ phận quan trọng trong mô hình kinh tế tư nhân và chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong các KCN. Năm 2019, cả nước có khoảng gần 542 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trong mô hình kinh tế, với tổng số vốn đăng ký khoảng 130 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp này chủ yếu sản xuất dựa trên mô hình kinh tế tuyến tính, trên nguyên lý khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu cho hệ thống kinh tế, thông qua quá trình sản xuất, tiêu dung và cuối cùng thải loại ra môi trường. Do đó tính bền vững của các doanh nghiệp này càng trở nên khó khăn hơn. Dựa vào việc khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời phân tích các thách thức cũng như cơ hội cho việc áp dụng Kinh tế tuần hoàn vào các doanh nghiệp này, đã cho thấy việc thực hiện kinh tế tuần hoàn cần nghiên cứu ứng dụng từng nhóm ngành cụ thể, làm cơ sở đề xuất chính sách phát triển trong sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.
Việc đánh giá khả năng thực hiện KTTH trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ giúp chủ đầu tư KCN có định hướng về thu hút từng lĩnh vực, ngành nghề vào hoạt động. Qua đó, thuận lợi trong việc tạo ra các nhóm ngành cộng sinh công nghiệp.
* 10 giờ: PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Chủ tịch CLB các nhà Công Thương Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế – Ngân sách Quốc hội tham gia tham luận về mô hình Kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam: Thách thức và giải pháp.
PGS.TS Đặng Văn Thanh đánh giá Đề tài nghiên cứu khoa học được nghiên cứu nghiêm túc, công phu. Kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Đề tài đã chứng minh được xu thế tất yếu và khả năng áp dụng của mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. PGS.TS Đặng Văn Thanh cũng bình luận: Kinh tế tuần hoàn và kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp là vấn đề mới, chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn thách thức, do đó cần nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể từ phía Nhà nước, các cơ quan quản lý, các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp trong và ngoài khu sinh thái, các chuyên gia và nhà Khoa học. Cần có lộ trình cho việc xây dựng và vận hành các Khu CN sinh thái với Kinh tế tuần hoàn đóng vai trò chủ đạo. Cần tập trung vào một số giải pháp như thống nhất về nhận thức Kinh tế tuần hoàn trong KCN, KCN sinh thái; tạo dựng khung pháp lý về kinh tế tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái; hình thành hệ thống chính sách đối với kinh tế tuần hoàn, công nghiệp tái chế…
PGS. TS Đặng Văn Thanh đề xuất, cần hoàn thiện và thừa nhận cũng như sử dụng bộ tiêu chí mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu CN. Dựa trên hai phương pháp tiếp cận KTTH và thực tiễn nghiên cứu KCN Việt nam, đề tài đã đưa ra Bộ tiêu chí KTTH trong khu công nghiệp theo cấp độ phân vùng (Quy mô nền kinh tế) và tiêu chí theo nhóm ngành Vật liệu. Đồng thời đã đánh giá hiệu quả kinh tế và môi trường khi áp dụng Bộ Tiêu chí KTTH.
“Sẽ có những ý kiến khác nhau về Bộ tiêu chí KTTH và có những thảo luận, trao đổi thêm, nhưng bộ tiêu chí do đề tài đề xuất là rất đáng trân trọng về ý tưởng. Đây là những gợi mở và phác thảo cần thiết. Cần hoàn thiện, cụ thể hóa bộ tiêu chí và đưa vào áp dung thực tế. Tôi đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài”, PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.
* 10 giờ 20 phút: Ông Trần Xuân Việt – Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên hiệp hội Việt Nam) tham gia tham luận về chủ đề: Tầm quan trọng của khu công nghiệp sinh thái đối với nền kinh tế tuần hoàn.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy cả nước có trên 300 KCN đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cũng như xu hướng chung của các khu công nghiệp trên thế giới, ngoài lợi ích về kinh tế, các KCN ở Việt Nam cũng đang gây ra nhiều tác động xấu tới môi trường như trong số 300 KCN đã đi vào hoạt động thì có 218 KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhiều KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng tỷ lệ đấu nối của các doanh nghiệp trong KCN còn thấp và chỉ xử lý được khoảng 60% lượng nước thải phát sinh, lượng nước thải còn lại, một phần do các cơ sở đã được miễn trừ đầu nối và tự xử lý, một phần không qua xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường (đều có các thông số ô nhiễm cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn Việt Nam).
Ông Việt nhấn mạnh: Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, tối thiểu hóa chất thải đầu ra của nền kinh tế cần hướng đến mục tiêu tất cả các luồng vật liệu đã qua sử dụng đều được quay vòng trở lại thành đầu vào của quá trình sản xuất. Như vậy, KTTH là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Nói cách khác, áp dụng các mô hình KTTH thì vừa có thể phát triển kinh tế và vừa bảo vệ môi trường.
Hiện nay, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng mô hình KCNST nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hơn. Trong KCN sinh thái đầu thải ra của một cá thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho một cá thể khác trong nền kinh tế. Như vậy dòng nguyên liệu sẽ được tận dụng tối đa để tạo ra sản phẩm và hạn chế tối thiểu nguồn thải bỏ. Cho đến nay, KCNST là một khái niệm tương đổi mới và vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng, chuẩn xác. Tuy nhiên, có thể hiểu KCNST là một cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ nằm ở cùng một địa điểm. Các doanh nghiệp thành viên tìm cách nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội thông qua sự cộng tác về quản lý các vấn đề môi trường và tài nguyên.
* 10 giờ 40 phút: TS Mai Văn Sỹ – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, Giám đốc Công ty Duyên Hải tham gia tham luận: Những vấn đề thực tiễn trong quá trình xây dựng KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, những khó khăn gặp phải và cách tháo gỡ.
Mặc dù những năm gần đây Việt Nam đã thu hút được khá nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu công nghiệp, tuy nhiên, đa số các chủ đầu tư còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhất là theo nguyên lý của kinh tế tuần hoàn. Sự liên kết cộng sinh giữa các doanh nghiệp còn yếu… Vấn đề TS Mai Văn Sỹ đặt ra, là nguyên nhân nào mà mô hình KCN sinh thái hay như vậy, KTTH tốt như vậy, nhưng tại sao ở Việt Nam vẫn mới, khó áp dụng, khó thực thi? Qua đó, giải pháp đưa ra, để phát triển kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp cần có định hướng rõ ràng của Nhà nước, có đầy đủ cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, đặc biệt là sự hỗ bởi các công cụ thuế; chủ đầu tư cần chủ động thực hiện mô hình một cách bài bản, nghiêm túc…
* 11 giờ: GS, Viện sĩ Phạm Văn Thức – Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Pháp tham gia tham luận góp ý Đề tài “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong KCN Việt Nam (Khảo sát mô hình KCN Nam Cầu Kiền).
Giáo sư Phạm Văn Thức đánh giá, đây là đề tài đầu tiên tại Việt Nam, được áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn theo 12 tiêu chí chuẩn quốc tế, trong đó có 8 tiêu chí theo Nghị định 82 của Chính Phủ. Đề tài xây dựng phương pháp tiếp cận KTTH trong mô hình KCN mang đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.
Mô hình KCN sinh thái Nam Cầu Kiền áp dụng KTTH thông qua thiết kế sản phẩm, sản xuất, cung ứng, phân phối, sử dụng và thu hồi đã gần như không còn khái niệm chất thải mà hình thành thị trường tài nguyên chất thải. Đặc biệt là xử lý chất thải triệt để tại chỗ tạo ra môi trường xanh, môi trường sống, làm việc lành mạnh, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Mô hình này thích hợp, là xu thế khuyến khích các tỉnh thành khác trong cả nước học hỏi và xây dựng áp dụng.
* 11 giờ 10 phút: PGS.TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia; nguyên: Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, phát biểu đánh giá Đề tài và nêu thực trạng xu hướng KTTH ở Việt Nam.
PGS.TS Trần Đình Thiên đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề cần hoàn thiện và nghiên cứu sâu sắc hơn nữa của đề tài đánh giá khả năng thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp. Quá trình biến đề án trở thành hiện thực còn rất nhiều thách thức, tuy nhiên kinh tế tuần hoàn đang là xu thế tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, do đó ông đánh giá rất cao khi Viện Môi trường và Sức khỏe vì cộng đồng đã lựa chọn đề tài này để nghiên cứu, lấy ý kiến, hoàn thiện và đưa vào thực tiễn. Những đánh giá mà PGS. TS Trần Đình Thiên đưa ra, đó là, trên cơ sở những nội dung đã nghiên cứu, Đề tài nên bố cục lại để tăng hơn tính logic, cần tập trung đi sâu thêm vào bản chất lý luận, đặc biệt, có thể làm dày thêm phần đánh giá nghiên cứu thực trạng của toàn bộ ngành công nghiệp Việt Nam, đồng thời chuyển nội dung khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền ở phụ lục để làm ví dụ minh chứng thực tiễn. Tuy nhiên, để đánh giá, nghiên cứu kỹ hết những tổng quan này, cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhiều cơ quan, đơn vị ban ngành, nhất là điều kiện tiềm lực tài chính, tài chính đến đâu thì làm đến đó, cũng như khi cộng sinh công nghiệp, không đủ số lượng doanh nghiệp, không đủ ngành nghề, không đủ khối lượng chất thải, thì cũng không thể đấu nối. Mặc dù vậy, với những nội dung nghiên cứu đề tài đã đưa ra, rất cần sự cổ động của cộng đồng, từ chính quyền đến doanh nghiệp, bởi trên cơ sở đó đã phác thảo và mở ra cách tiếp cận, hướng đi cho KTTH ở Việt Nam trong thực tiễn.
* 11 giờ 30 phút đến 12 giờ 05 phút: Phần thảo luận, góp ý.
Trong suốt thời gian diễn ra, hội thảo nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu tại 2 điểm cầu. Các ý kiến đều đưa ra trọng tâm, có vấn đề, đánh giá cả về lý luận và thực tiễn, giúp đề tài có thể hoàn thiện, mang tính khả thi cao. Các chuyên gia, đại biểu cho rằng: Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống.
Đa số, các đại biểu đều nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế tuần hoàn, giúp Việt Nam giảm lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”.
* 12 giờ 05 phút đến 12 giờ 15 phút: Với sự ủng hộ và đồng thuận cao của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu và doanh nghiệp vào đề tài khoa học, ông Nguyễn Thiệu Anh – Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo. Qua đó đánh giá, Hội thảo có chất lượng, mang nhiều ý nghĩa, thu nhận được nhiều sự góp ý cả về lý luận và thực tiễn cho đề tài, nhất là đối với các vấn đề về quan hệ chi phi – lợi ích trong tổ chức KTTH, sức khỏe người lao động trong KCN, bổ sung thêm nội dung hoàn thiện Bộ tiêu chí Đề tài đưa ra theo 2 phương pháp tiếp cận KTTH… Đồng thời, Viện trưởng Nguyễn Thiệu Anh cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các đại biểu trong thời gian Đề tài đang lộ trình hoàn thiện, để trở thành một sản phẩm trí tuệ có hàm lượng khoa học cao, phù hợp và nhân rộng, đi vào đời sống thực tiễn trong bối cảnh chung nền kinh tế, nhất là khu vực các khu công nghiệp.
Nhóm PV