ISSN-2815-5823
Thứ ba, 05h05 09/06/2020

Tuyển dụng và ứng tuyển qua mạng xã hội: Khó tìm tiếng nói chung

(KDPT) – Dịch Covid-19 đã có tác động lên hầu hết lĩnh vực của đời sống. Giờ đây, để tìm kiếm một công việc, tìm kiếm ứng viên cũng có sự thay đổi. Mạng xã hội một lần nữa chứng minh tính hữu ích khi trở thành nơi “người tìm việc – việc tìm người”. Tuy vậy, khi “xa mặt” thì “cách lòng”, dẫn đến khúc mắc giữa cộng đồng tuyển dụng và các ứng viên.

Tính đến giữa tháng 4/2020, dịch Covid-19 khiến gần 5 triệu người lao động Việt rơi vào tình cảnh mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm sâu thu nhập. Tới nay, dịch bệnh đã kiểm soát được, nhưng người lao động với tâm lý e ngại, hạn chế tập trung đông người đã góp phần thúc đẩy thị trường tuyển dụng thông qua mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.

Tại nhiều nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội Facebook, những lĩnh vực được tuyển dụng nhiều thuộc về dịch vụ ăn uống, nhà hàng, giáo dục, chăm sóc khách hàng, bất động sản, marketing…

Một số trang tuyển dụng trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, việc tìm việc trên mạng xã hội không hề đơn giản, nhiều ứng viên gặp trường hợp thông tin tuyển dụng một đằng đến khi phỏng vấn phát hiện công việc sẽ làm lại một nẻo.

Chị H.T.Thủy (28 tuổi), nhân viên khách sạn bị mất việc từ tháng 4/2020 do dịch, cho biết: “Mặc dù được nhận trợ cấp thất nghiệp nhưng không đủ sống ở Hà Nội, nên tìm công việc mới ở vị trí chăm sóc khách hàng qua nhóm tuyển dụng trên Facebook. Nhưng đều không thành, cảm giác như bị lừa vì các công ty thường nói quá về công việc và chế độ so với yêu cầu thực tế”.

Có trường hợp ứng viên lặn lội đến phỏng vấn sau khi đã trao đổi qua mạng xã hội, thì nhận “quả đắng”. Chị N.T.Thanh tìm việc trong lĩnh vực dược, chia sẻ: “Đến phỏng vấn công ty không hỏi về chuyên môn mà hỏi quá sâu đời tư cá nhân”.

Ở chiều ngược lại, các nhà tuyển dụng cũng bức xúc về ứng viên có văn hóa ứng xử tệ, nghĩ mạng xã hội ảo nên không coi trọng những cơ hội mới. Nhiều người hứa hẹn sẽ đến phỏng vấn nhưng sau đó “mất hút”. Nguyên nhân, theo các nhà tuyển dụng, có thể ứng viên đã tìm được công việc phù hợp hoặc đơn giản họ chỉ đi “rải hồ sơ” nhằm chờ đợi. Cũng có những trường hợp được hẹn phỏng vấn nhưng đến muộn giờ, tác phong không chuẩn, thậm chí đi phỏng vấn với bề ngoài lôi thôi, thiếu hồ sơ…

Một nhà tuyển dụng bức xúc về thái độ của người ứng tuyển.

Bên cạnh sự bất đồng quan điểm giữa người tuyển dụng và ứng viên thì cũng có nhiều người tìm được công việc ổn định với chế độ tốt, thù lao phù hợp năng lực khi tìm việc làm qua mạng xã hội. Đây cũng là cơ hội cho người lao động có thời gian học hỏi những kỹ năng mới, chuẩn bị sẵn sàng cho công việc trong tương lai.

Hậu dịch Covid-19 thị trường việc làm sôi động như “nấm mọc sau mưa”, do đó hai bên nhà tuyển dụng và ứng viên cần có những kỹ năng và cách xử lý tình huống khéo léo “thuận mua vừa bán”, để đi tới mục đích cuối cùng là nhà tuyển dụng tìm được ứng viên tiềm năng, người lao động tìm được việc làm phù hợp.

BÍCH NGA

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024