Việt Nam cải thiện nhiều chỉ số thành phần trong đổi mới sáng tạo
Toàn cảnh Hội thảo giới thiệu báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2022. |
Tại Hội thảo, đại diện WIPO cho biết, năm 2022 là năm WIPO có điều chỉnh lớn nhất cả về phương pháp tính toán và chỉ số thành phần của GII. Cụ thể, trong 81 chỉ số, WIPO đã thay đổi phương pháp tính toán cho 3 chỉ số, bổ sung 7 chỉ số, loại bỏ 7 chỉ số, thay đổi nguồn dữ liệu của 1 chỉ số. WIPO nhấn mạnh những điều chỉnh này ảnh hưởng đến việc so sánh thứ hạng giữa các năm của từng quốc gia.
Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo thế giới năm 2022, chỉ số Đổi mới sáng tạo Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, nằm trong top 50 và đứng thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, đứng thứ 10 trong số 17 nền kinh tế ở Đông Nam Á và châu Đại Dương. Đặc biệt, báo cáo GII cũng chỉ rõ một số chỉ số Việt Nam đã có cải thiện đáng chú ý như trụ cột thể chế tăng 32 bậc, từ thứ hạng 83 năm 2021 lên 51 năm 2022; nhóm chỉ số liên kết đổi mới sáng tạo tăng 10 bậc, từ thứ hạng 58 năm 2021 lên 48 năm 2022 (trước đó năm 2021 đã tăng 17 bậc từ thứ hạng 75 năm 2020 lên 58 năm 2021); trụ cột sản phẩm sáng tạo tăng 7 bậc, từ thứ hạng 42 năm 2021 lên 35 năm 2022…
Trưởng cơ quan hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ, đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO Marco M.Aleman cho biết, GII được thiết kế làm công cụ hoạch định chính sách đổi mới sáng tạo cho các quốc gia trên thế giới. Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong số các nước thu nhập trung bình thấp. Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia mình. Những sáng kiến, tốc độ vượt bậc này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế - xã hội. WIPO sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam để giúp đổi mới sáng tạo là một yếu tố thúc đẩy tạo việc làm và tăng trưởng.