ISSN-2815-5823
Huyền Nguyễn
Thứ năm, 06h06 21/03/2024

Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển Fintech xanh 

(KDPT) - Thị trường fintech đang ngày càng lớn mạnh tại Việt Nam, ở giai đoạn này còn xuất hiện làn sóng sản phẩm mới thân thiện với môi trường được gọi là “fintech xanh”. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phát triển fintech xanh ở giai đoạn sơ khai, vì vậy Chính phủ sẽ đóng vai trò rất quan trọng để tạo điều kiện cho thị trường này phát triển.

Thuật ngữ “fintech xanh” (công nghệ tài chính xanh) nói về những đổi mới dựa trên công nghệ được áp dụng vào những hoạt động, sản phẩm tài chính với mục đích hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Báo cáo phân loại fintech xanh cho thấy, fintech xanh bao gồm các hình thức như: phân tích kỹ thuật số xanh, giải pháp đầu tư kỹ thuật số xanh, thanh toán kỹ thuật số xanh, huy động vốn từ cộng đồng cho các dự án xanh, giải pháp tài sản kỹ thuật số xanh và công nghệ quản lý xanh, phân tích rủi ro xanh, cho vay kỹ thuật số xanh.

Fintech xanh bao gồm các hình thức như: phân tích kỹ thuật số xanh, giải pháp đầu tư kỹ thuật số xanh, thanh toán kỹ thuật số xanh...
Fintech xanh bao gồm các hình thức như: phân tích kỹ thuật số xanh, giải pháp đầu tư kỹ thuật số xanh, thanh toán kỹ thuật số xanh...

Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, một số thị trường như Singapore, Hàn Quốc, Australia và Hồng Kông đang phát triển fintech xanh ở giai đoạn chín muồi. Indonesia và Thái Lan cũng cho thấy những tiến bộ trong việc triển khai thị trường trái phiếu xanh và thiết lập ra những giải pháp khuyến khích đầu tư bền vững.

Riêng tại Singapore, hệ sinh thái fintech xanh được thiết lập đặc biệt tốt, với các doanh nghiệp nổi bật như CO2 Connect, MetaVerse Green Exchange, STACS... Chính phủ nước này cũng đang hợp tác với nhiều công ty fintech nhằm đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo để thúc đẩy tài chính bền vững.  

Trong khi đó tại Việt Nam, fintech xanh vẫn đang trong giai đoạn phát triển sơ khai, dù Chính phủ cho thấy sự quan tâm đối với lĩnh vực này. Vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng để tạo điều kiện phát triển cho fintech xanh.

Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nỗ lực để sớm ban hành hướng dẫn cho các tổ chức tài chính để thúc đẩy tài chính xanh. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị yêu cầu những đơn vị liên quan xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh để phát triển tín dụng xanh và kế hoạch hành động nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội hút vốn từ những công ty đầu tư mạo hiểm hay các tổ chức phi lợi nhuận cho những sáng kiến fintech bền vững.

Còn rất nhiều người chưa biết tới khái niệm tài chính xanh và chưa hiểu rõ tầm ảnh hưởng của quyết định tài chính của họ tới môi trường.
Còn rất nhiều người chưa biết tới khái niệm tài chính xanh và chưa hiểu rõ tầm ảnh hưởng của quyết định tài chính của họ tới môi trường.

TS. Phạm Nguyễn Anh Huy - Giảng viên cấp cao ngành Tài chính, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của fintech xanh là phải đối mặt với tình trạng thiếu nhận thức của công chúng và doanh nghiệp và những lợi ích của tài chính bền vững và đầu tư xanh. 

Thực tế, vẫn còn rất nhiều người chưa biết tới khái niệm tài chính xanh và chưa hiểu được tầm ảnh hưởng của quyết định tài chính của họ tới môi trường.

Đồng thời, một trở ngại lớn khác là hành lang quy định, bởi khung pháp lý dùng để quản lý tài chính bền vững hiện tại vẫn còn khá hạn chế. Do đó rất cần các quy định và hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích xây dựng và áp dụng những giải pháp công nghệ tài chính thân thiện với môi trường.

Trong trường hợp không có dữ liệu sạch, chính xác, đáng tin cậy về tác động lên môi trường và kết quả hoạt động, thì việc đánh giá hiệu quả và độ tin cậy của những nền tảng fintech xanh sẽ ngày càng khó khăn hơn. 

Việc tiếp cận dữ liệu về năng lượng sạch, lượng khí thải carbon cùng những yếu tố môi trường khác thường bị hạn chế, sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các công ty fintech trong việc đánh giá tác động môi trường của những sản phẩm họ tạo ra tại Việt Nam.

Chưa kể, khả năng tiếp cận tài chính và vốn mạo hiểm vẫn đang hạn chế. Đây là một vấn đề mà các công ty khởi nghiệp thường gặp phải vì các dự án fintech xanh thường đòi hỏi vốn ban đầu đáng kể cho việc nghiên cứu, phát triển và triển khai.

TS. Phạm Nguyễn Anh Huy nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là fintech xanh yêu cầu hợp tác giữa nhiều bên, gồm cả các công ty fintech, tổ chức tài chính, cơ quan chính phủ, tổ chức môi trường cho tới người tiêu dùng. Do đó, quan hệ đối tác mạnh mẽ là điều cần thiết để có thể xây dựng một hệ sinh thái fintech xanh bài bản và bền vững hơn.

Sẽ rất khó đánh giá hiệu quả và độ tin cậy của các nền tảng fintech xanh nếu không có được dữ liệu chính xác và đáng tin cậy về tác động lên môi trường và kết quả hoạt động. Các công ty fintech cũng khó có thể đánh giá được tác động môi trường của các sản phẩm của họ tại Việt Nam khi việc tiếp cận dữ liệu năng lượng sạch, lượng khí thải carbon và các yếu tố môi trường khác thường bị hạn chế”.

Việt Nam cần huy động vốn tối đa từ các nguồn tài chính xanh từ những nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước
Việt Nam cần huy động vốn tối đa từ các nguồn tài chính xanh từ những nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước

Tại Việt Nam, ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 20-75 tỷ USD. Để huy động được số vốn khủng như vậy để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xanh, Việt Nam cần huy động tối đa từ các nguồn tài chính xanh từ những nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Song, thực tế là thị trường tài chính xanh của Việt Nam vẫn còn rất sơ khai và mới ở giai đoạn đầu hình thành.

Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ về fintech. Cụ thể, báo cáo của Fintech News Singapore (2020) cho thấy, số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam tăng hơn 179% giai đoạn 2017-2020. 

Trong đó, phân khúc lớn nhất vẫn là dịch vụ thanh toán. Hai phân khúc tăng trưởng mạnh nhất trong giai đoạn đó là hoạt động cho vay ngang hàng và tiền điện tử/blockchain. Như vậy, tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ tài chính để mở rộng và phát triển những nguồn lực fintech xanh tại Việt Nam còn rất lớn./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024