Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong cuộc đua fintech
Theo CNBC, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra vào năm 2028, một số lượng lớn các công ty được thành lập nhằm đảm nhận các công việc tài chính hiện tại và cung cấp những dịch vụ dễ dàng tiếp cận cho người tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp.
Tại Anh, các startup như Monzo và Starling là những doanh nghiệp tạo sóng trong lĩnh vực ngân hàng với các dịch vụ số hóa hoàn toàn. Trong khi tại Trung Quốc, hai “ông lớn” Alibaba và Tencent đã tung ra thị trường ví thanh toán Alipay và WeChat Pay.
Danh sách các công ty fintech hàng đầu thế giới trong năm 2023 được CNBC hợp tác với Statista công bố. Để chọn được những doanh nghiệp toàn cầu hàng đầu, Statista đã sử dụng phương pháp nghiêm ngặt đánh giá một số chỉ số kinh doanh chính và nguyên tắc cơ bản (gồm doanh thu và số lượng nhân sự).
Theo đó đã xác định ra 200 công ty hàng đầu thế giới, thuộc 9 danh mục, gồm: Ngân hàng mới, tài sản kỹ thuật số, thanh toán kỹ thuật số, quản trị tài sản số, lập kế hoạch tài chính số, tài trợ thay thế, cho vay thay thế, giải pháp ngân hàng kỹ thuật số, giải pháp kinh doanh kỹ thuật số.
Các fintech giá trị cao tập trung tại Mỹ và Trung Quốc
Dữ liệu của Statista cho thấy, Mỹ là quê hương của các công ty công nghệ tài chính có giá trị cao nhất thế giới trong năm qua. Song, Trung Quốc cũng nối bước khi sở hữu những công ty thanh toán lớn như Tencent và Ant Group, giúp họ trụ vững tại Top 2.
Tính đến tháng 4/2023, Hoa Kỳ tạo ra nhiều giá trị nhất về mặt công nghệ tài chính, trong số 15 công ty fintech có giá trị cao nhất thế giới thì có 8 công ty là của Mỹ với tổng giá trị là 1,2 nghìn tỷ USD.
Visa và Mastercard là hai công ty công nghệ tài chính lớn nhất tính theo giá trị thị trường, tổng vốn hóa lên tới 800,7 tỷ USD.
Các công ty fintech có giá trị cao thứ hai thế giới nằm tại Trung Quốc, với những “gã khổng lồ” công nghệ có tổng vốn hóa thị trường là 338,92 tỷ USD.
Mỹ tiếp tục dẫn đầu về số lượng fintech, Vương quốc Anh xếp thứ hai
Trong danh sách 200 công ty fintech hàng đầu thế giới, Mỹ tiếp tục dẫn đầu về số lượng với 65 công ty fintech hàng đầu. Đứng thứ 2 là Vương quốc Anh với 15 công ty, trong khi Liên minh Châu Âu quy tụ 55 công ty fintech hàng đầu.
Thị trường fintech ở Mỹ rất sôi động, nhờ vào việc các nhà đầu tư có nguồn vốn dồi dào. Đặc biệt, Thung lũng Silicon là ngôi nhà tự nhiên của lĩnh vực này nhờ có lịch sử hình thành lâu đời, là quê hương của một số “ông lớn” công nghệ toàn cầu như Apple, Meta, Google và Amazon. Đồng thời, sở hữu hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm lâu đời với các doanh nghiệp lớn như Sequoia Capital và Andreessen Horowitz.
Trong danh sách của Statista xuất hiện một số công ty fintech của Mỹ như Stripe, PayPal và Intuit. Đây là những công ty đã chiếm thị phần đáng kể và là các sản phẩm tiêu biểu được hàng nghìn, hàng triệu doanh nghiệp lớn nhỏ sử dụng.
Tương tự, Vương quốc Anh đang sở hữu ngành công nghiệp fintech nổi bật, được các cơ quan quản lý với định hướng đổi mới (như Cơ quan quản lý tài chính), các nhóm vốn ngày càng tăng (gồm các quỹ đầu tư mạo hiểm, vốn cổ phần tư nhân), Chính phủ thúc đẩy. Vương quốc Anh rất nỗ lực trong việc xây dựng uy tín trong thế giới fintech, đơn cử như “gã khổng lồ” kỹ thuật số Monzo và công ty thanh toán niêm yết Wise.
Trung Quốc được xem là thị trường dịch vụ tài chính kỹ thuật số rất lớn khi có sự hiện diện của Tencent và Ant Group. Hai dịch vụ của họ là WeChat Pay và Alipay đã tham gia thị trường thanh toán di động, tạo sự cạnh tranh rộng rãi cho lĩnh vực ngân hàng vốn còn phân mảng và kém phát triển của họ. Người tiêu dùng Trung Quốc cũng dần thay đổi thói quen, liên kết chặt chẽ hơn với các nền tảng kỹ thuật số.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong ngành công nghiệp fintech, nhất là các trở ngại về kinh tế vĩ mô. Trong số những rào cản đó, tính thanh khoản của vốn mạo hiểm ngày càng giảm.
Tại EU, tình huống của Nga - Ukraine, hậu quả của lệnh phong vì Covid-19, việc tăng lãi suất gần như ảnh hưởng tới toàn bộ các nền kinh tế lớn.
Trong khi nước Anh phải đối mặt các vấn đề của ngành công nghiệp công nghệ nói chung ngày càng trầm trọng do Brexit - điều được nhận định là đang làm hạn chế nhà đầu tư nước ngoài.
CNBC dẫn lời của Ông Nick Parmenter - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn quản lý kinh doanh Class3: “Nhìn chung, môi trường mạo hiểm đang gặp khó khăn. Những đợt IPO ít dần và được định giá thấp hơn, các quỹ đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các thành viên và định giá giảm trong suốt chu kỳ đầu tư mạo hiểm.
Việc này gây khó khăn hơn rất nhiều cho việc tăng huy động vốn, đội ngũ quản lý thận trọng hơn trong việc tiêu thụ tiền mặt, tác động tới thị trường fintech - người tiêu dùng có ít thu nhập tùy ý hơn để chi tiêu hay đầu tư, làm hạn chế tiềm năng doanh thu cho các fintech tập trung vào người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp nhỏ”.
Mỹ dẫn đầu về số lượng “kỳ lân fintech”
Có thể thấy, Mỹ luôn dẫn đầu về fintech, các công ty kỳ lân hầu hết đều tập trung tại đây. Đứng thứ hai là Vương quốc Anh với sự xuất hiện của các công ty được hỗ trợ bởi quỹ mạo hiểm có mức định giá tối thiểu là 1 tỷ USD.
Một số kỳ lân lớn nhất tại Hoa Kỳ như kỳ lân fintech Stripe (95 tỷ USD), Chime (25 tỷ USD), Ripple (15 tỷ USD), Plaid (13,5 tỷ USD), Devoted Health (12,6 tỷ USD) và Brex (12,3 tỷ USD).
Tại Anh, công ty khởi nghiệp ngân hàng trực tuyến Revolut (33 tỷ USD); Nhà cung cấp ví tiền điện tử Blockchain.com (14 tỷ USD); Các nhóm thanh toán kỹ thuật số Checkout.com (11 tỷ USD), Rapyd (8,75 tỷ USD) và SumUp (8,5 tỷ USD).
Lần lượt những vị trí tiếp theo là Ấn Độ với 17 kỳ lân, Trung Quốc với 8 kỳ lân; Pháp, Brazil và Đức đều có 1 kỳ lân fintech; Mexico và Singapore đều có 5 kỳ lân và Hà Lan có 4 kỳ lân./.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động kiểm toán
- Gen Z năng động thời 4.0: Mạnh dạn đầu tư từ sớm, dùng công nghệ số để đạt thu nhập đáng mơ ước
- Năm 2024, các startup fintech lạc quan về mục tiêu IPO