ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 03h24 20/11/2020

Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến

(KDPT) – Mua sắm trực tuyến (shopping online) đã thâm nhập sâu hơn tới đông đảo người dân. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, những người sử dụng các ứng dụng mua sắm trực tuyến (như Shopee, Lazada, Shopee, …) ít nhất một lần trong vòng 7 ngày qua đã tăng từ 31% lên 61%. Shopee là ứng dụng mua sắm trực tuyến được sử dụng nhiều nhất (49%).

Khảo sát này được thực hiện trong tháng 11 để tìm hiểu xu hướng và hành vi sử dụng ứng dụng di động (mobile app) của người Việt. So với năm 2019, người Việt Nam tăng sử dụng các ứng dụng di động cả về số lượng ứng dụng và thời gian sử dụng những ứng dụng đó. Trung bình, người Việt sử dụng 22,1 ứng dụng trong một tuần và dành 5,1 giờ mỗi ngày để sử dụng các ứng dụng trên điện thoại.

Những người trẻ tuổi dành nhiều thời gian để sử dụng ứng dụng hơn. Mua sắm trực tuyến của giới trẻ thể hiện các đặc điểm của xã hội tiêu dùng. Mô hình thương mại điện tử mới cho phép người dùng chia sẻ sản phẩm với bạn bè và tham gia nhóm để hưởng mức giá rẻ đang được người dùng trẻ đón nhận.

Người Việt Nam dành 28% thời gian sử dụng ứng dụng di động trên mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Twitter… và 16% để dành xem video, phim ảnh qua ứng dụng: Youtube, Tiktok…; 15% thường để nhắn tin, gọi điện qua các ứng dụng Facebook Messenger, Zalo…; 12% cho các danh mục trò chơi điện tử; 3% cho các ứng dụng tiện ích và 3% xem thời tiết.

Khảo sát những người đã sử dụng ứng dụng qua thiết bị điện thoại thông minh để mua sắm ít nhất trong 7 ngày đã tăng vọt lên 61% so với 31% của năm 2019. Mua sắm trực tuyến đã thâm nhập 49% người dùng ứng dụng mua sắm Shopee; 16% người dùng ứng dụng mua sắm Lazada; 14% người dùng ứng dụng mua sắm Tiki; 6% người dùng ứng dụng mua sắm Sendo. Trong đó, 61% người sử dụng 3 ứng dụng hoặc hơn cùng một lúc; 25% người sử dụng 2 ứng dụng cùng một lúc; 14% người sử dụng một ứng dụng.

Các ứng dụng thanh toán trực tuyến cũng được sử dụng cao hơn năm ngoái, ở mức 68% trong khi năm 2019 là 20%; thậm chí cao hơn ứng dụng của các ngân hàng trực tuyến. Momo là ứng dụng thanh toán di động được sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ sử dụng đạt 42%; ứng dụng Zalo Pay có 13% người sử dụng; 11% và 10% lần lượt cho ứng dụng Viettel Pay và Air Pay.

Theo báo cáo của iPrice Group và App Annie, tổng số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam đã đạt 12,7 tỷ, cao nhất từ trước đến nay và tăng 43% so với năm trước đó.

Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam xếp thứ 3 sau Philippines và Thái Lan về tốc độ tăng trưởng; đồng thời cũng vào top 3 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (chỉ sau Indonesia và Thái Lan) về tổng lượng truy cập các ứng dụng mua sắm trực tuyến, chiếm 19,5% thị phần toàn khu vực.

Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 chính là bước ngoặt để thương mại điện tử Việt Nam đẩy nhanh quá trình phát triển. Đây là điều kiện lý tưởng để các sàn thương mại điện tử áp dụng các tính năng mà họ đã thử nghiệm thời gian qua. Nền kinh tế thương mại điện tử bùng nổ đang ảnh hưởng đến lối sống và thói quen tiêu dùng của một bộ phận người trẻ.

NGUYỄN NGÂN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/11/2024