ISSN-2815-5823
Minh Hằng
Chủ nhật, 06h00 21/04/2024

“Vỡ mộng” chứng khoán, giới trẻ chuyển sang mua vàng tích lũy

Cover image
(KDPT) - Nếu như giới trẻ trước kia thường mặc định chỉ thích chứng khoán vì sinh lời nhanh, thì thực tế ngày nay càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến vàng. Tại sao lại như vậy?

Giữa thời điểm giá nhà đất bị đẩy lên cao, lãi suất tiết kiệm thấp, chứng khoán và vàng được ưa chuộng bởi sự linh hoạt và không cần quá nhiều vốn. Theo đó, “Nên mua vàng hay đầu tư chứng khoán?” đang là bài toán đau đầu với nhiều người trẻ.

Nếu như giới trẻ trước kia thường mặc định chỉ thích chứng khoán vì sinh lời nhanh, thì thực tế ngày nay càng có nhiều bạn trẻ quan tâm đến vàng - kênh đầu tư được cho là chậm chạp. 

Giới trẻ từng chuộng chứng khoán hơn vàng

Có thể thấy, nhiều người trẻ từng chê vàng, chỉ thích chơi chứng khoán. Bởi hình thức đầu tư này được cho là sinh lời nhanh chóng, lãi theo ngày chứ không phải chờ đợi tăng trong dài hạn như vàng. Tuy nhiên, sau khi trải qua các đợt lao dốc của thị trường chứng khoán, người trẻ lại bắt đầu tích trữ vàng để bổ sung sự an toàn và ổn định vào danh mục đầu tư.

Ngọc Trâm (29 tuổi, TP.HCM) chia sẻ, từ khi mới đi làm, cô được mẹ khuyên mua vàng tích lũy nhưng không quan tâm. Lý do bởi Ngọc Trâm nghĩ vàng là kênh đầu tư chậm chạp. 

Năm 2021, sau khi đầu tư vào đúng thời điểm thị trường chứng khoán bùng nổ, Ngọc Trâm nhanh chóng bỏ túi một khoản lời. Cũng vì thế cô lại càng không muốn tích lũy vàng. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, thị trường chứng khoán biến động mạnh và khắc nghiệt hơn. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn đối với không chỉ Ngọc Trâm mà cả nhiều “chứng sĩ” khác. Bởi nếu không đủ kiến thức lựa chọn cổ phiếu, họ có thể chạm đáy và không biết đến bao giờ mới hoàn vốn được. Lúc này, Ngọc Trâm lại tìm đến vàng - một kênh tích lũy an toàn và lâu dài.

“Nên mua vàng hay đầu tư chứng khoán” đang là bài toán đau đầu với nhiều người trẻ. (Ảnh minh họa)
“Nên mua vàng hay đầu tư chứng khoán” đang là bài toán đau đầu với nhiều người trẻ. (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về lý do ban đầu không chọn mua vàng, vì Ngọc Trâm không nghĩ vàng có thể mang lại lợi nhuận cao nên chỉ tập trung vào chứng khoán. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19 năm 2022, thị trường chứng khoán lao dốc, cô nàng đã chuyển sang đầu tư vàng theo lời của mẹ. Cho đến nay Ngọc Trâm mới nhận thấy, quan điểm của ông bà ta luôn đúng.

Một trường hợp khác là Phan Thành (24 tuổi, Hà Nội) cũng nhận nhiều bài học “vỡ lòng” sau khi bắt đầu chơi chứng khoán vào đầu năm 2021. Ban đầu, Thành tham gia thị trường sau những lời rủ rê của bạn bè, nhưng sau khi càng đầu tư càng hăng say. Thêm nữa, trong giai đoạn đầu chơi chứng khoán, đỉnh điểm Phan Thành đã thu được khoản lời 20% chỉ sau 3 tháng. Thời điểm đó, nhà đầu tư trẻ này cũng “chịu chi” khi dành tới hơn 30% số tiền tiết kiệm vào sàn chứng khoán.

Phan Thành chia sẻ thời điểm đó thích chơi chứng khoán vì vốn ít, nhanh chóng có lời. Đỉnh điểm, cậu bạn từng dành đến 70% tiền lương để all-in hết vào chứng khoán. “Chơi chứng khoán vừa đem lại cho mình cảm giác ‘ăn tiền’ nhanh lại còn có chút gì đó may rủi, rất kịch tính. Vậy là mình càng chơi càng nghiện”, Phan Thành nói.

Tuy nhiên, đời không như mơ, Phan Thành cứ ngỡ thị trường cứ thế đi lên cho đến một phiên giao dịch, VN-Index “bốc hơi” sâu 46 điểm, rồi giảm tiếp 70 điểm. Từ đó cứ thế thua lỗ dần, dù rất muốn chốt lỗ nhưng không tìm được thời điểm phù hợp để bán. Thậm chí có thời điểm, Phan Thành thua lỗ đến hơn 40% và cao nhất là gồng lỗ 30 triệu đồng, tức 2 tháng lương.

“Bài học đó như cái tát để mình trở nên tỉnh táo hơn, không còn ‘nghiện’ kiếm lời nhanh và bị choáng ngợp trước những lời dụ dỗ mua mã trong các hội nhóm”, Phan Thành tâm sự.

Sau trải nghiệm này, Phan Thành rút ra một bài học là không nên đổ hết tiền vào chứng khoán. Theo đó, ngoài cổ phiếu, anh đã đầu tư vào tài sản khác an toàn hơn đó là vàng.

“Mình chuyển qua vàng - một loại tài sản có tính ổn định hơn. Trộm vía là thời gian gần đây vàng liên tục tăng giá, mình có thể nhanh chóng chốt lời, chứ không bỏ tiền ở nguyên một chỗ”, anh chàng cho hay.

Sau trải nghiệm thua lỗ, nhiều bạn trẻ rút ra bài học đó là không nên đem hết tiền vào chứng khoán. (Ảnh minh họa)
Sau trải nghiệm thua lỗ, nhiều bạn trẻ rút ra bài học đó là không nên đem hết tiền vào chứng khoán. (Ảnh minh họa)

Nguyên tắc đầu tư vàng cho nhà đầu tư trẻ

Được biết, hiện Phan Thành chỉ dùng tiền nhàn rỗi để mua vàng, tức 20% thu nhập hàng tháng. Gần đây, nhà đầu tư trẻ này chọn mua vàng nhẫn vì giá vàng miếng đắt đỏ và có khoảng cách chênh lệch giữa 2 đầu mua vào và bán ra lớn.

Quan điểm của Phan Thành cho rằng, vàng chỉ là một loại tài sản trong danh mục đầu tư. Do đó, anh sẽ không “mua đỉnh - bán đáy”, tức mua vàng ở giai đoạn giá cao và chấp nhận cắt lỗ ở giá thấp. Đơn cử, Phan Thành cho biết sẽ không mua vàng ở giai đoạn này vì giá đang rất cao. Đồng thời, anh cũng đặt mục tiêu chỉ cần lời 20 - 30% giá trị là sẽ bán ra chứ không đợi đu đỉnh vì tương đối rủi ro.

Tương tự, Ngọc Trâm cũng chọn mua vàng để tích lũy dài hạn nên chỉ bán khi được giá chứ không bao giờ chịu “cắt lỗ”. Đồng thời, cô cũng không coi vàng là kênh lướt sóng, do không biết khi nào “sóng kẹt”, tức thua lỗ rồi có thể phải ân hận với khoản tiền bỏ ra. Cũng chính nhờ nguyên tắc chỉ bán vàng khi được giá cao, nên Ngọc Trâm và Than Thành chưa từng thua lỗ khi đầu tư vào kim loại quý.  

Ngọc Trâm cho rằng, vì khoảng cách giữa giá mua và giá bán của vàng hiện thường chênh nhau đến 1 triệu đồng/chỉ. Vì thế, nếu muốn có lời, thì phải đợi khi giá mua vào của tiệm vàng tăng cao hơn so với giá bán tại thời điểm mua vào. Nhưng đây là chuyện khó có thể diễn ra trong ngắn hạn.

Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, giá vàng liên tục biến động, không biết lúc nào “sóng kẹt”. Việc lướt sóng vàng sẽ đem lại cho mình cảm giác lo sợ, hồi hộp mỗi ngày không biết vàng lên hay xuống. “Bản thân mình luôn tôn trọng những thứ đem lại thu nhập đều đặn và bền vững. Vì chỉ khi đầu tư bền vững thì tài sản đó mới ở với mình lâu dài”, Ngọc Trâm nói.

Bên cạnh đó, Ngọc Trâm cho biết cô cũng đa dạng danh mục đầu tư bên cạnh việc mua vàng, cụ thể cô còn có sổ tiết kiệm ngân hàng và mã chứng khoán từ giữa năm 2021. Thỉnh thoảng, Ngọc Trâm còn mua tiền đô để tích trữ và bảo hiểm nhân thọ.

Ngọc Trâm cho rằng, nếu các bạn trẻ muốn có một khoản tiết kiệm lâu dài và an toàn thì nên chọn đầu tư vàng. Mặc dù vàng không phải nơi cho bạn nhân đôi tài sản hay làm giàu qua một đêm nhưng đây là kênh đầu tư an toàn, giúp bạn có thói quen tích lũy tài sản cũng như quản lý tài chính. Còn nếu có kiến thức lựa chọn cổ phiếu thì có thể chọn chứng khoán để sinh lời hoặc đầu tư kinh doanh riêng nếu tự tin và chấp nhận được rủi ro mà nó mang lại.

“Mình mong các bạn trẻ ngày nay có thể tập cho mình thói quen tiết kiệm đầu tư mỗi tháng, tích sản dài hạn, vì cuộc sống sẽ có lúc thịnh lúc suy. Nhưng chỉ cần bạn có một khoản tài sản tích lũy cộng thêm khả năng quản lý tài chính tốt thì mình tin bạn sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn cách dễ dàng", Ngọc Trâm nhận định.

Nếu các bạn trẻ muốn có một khoản tiết kiệm lâu dài và an toàn thì nên chọn đầu tư vàng. (Ảnh minh họa)
Nếu các bạn trẻ muốn có một khoản tiết kiệm lâu dài và an toàn thì nên chọn đầu tư vàng. (Ảnh minh họa)

Đầu tư vàng qua mặt dân chơi chứng khoán, vượt xa lãi gửi tiết kiệm ngân hàng

Những phiên giao dịch đầu năm 2024, giá vàng miếng bán ra ở mức 75 triệu đồng/lượng. Trong khi vàng nhẫn và nữ trang gần như đi ngang so với thời điểm cuối năm 2023. Tuy nhiên, chỉ 3 tháng sau, giá vàng đã nhanh chóng “nhảy múa”. 

So với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng SJC hiện đã đắt hơn 14,8%, còn vàng nhẫn tăng tới 22,3%. Tỷ suất sinh lời của kim loại quý cũng vượt mức tăng lần lượt 12,6% và 12,8% của VN-Index và VN30-Index trong 3 tháng đầu năm 2024. Còn so với lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng vốn ở mức thấp, dao động từ 1,15 - 1,3% trong cùng khoảng thời gian, thậm chí tỷ suất sinh lời của vàng tùy loại còn gấp 12 đến 15 lần.

Lý do giá vàng biến động mạnh và trở thành kênh đầu tư sinh lời tốt nhất đến từ nhiều yếu tố như nhu cầu tăng trong bối cảnh lãi suất ở mức thấp, kênh chứng khoán “khó nhằn” với nhiều người không chuyên. Ngoài ra, nguồn cung eo hẹp của thị trường trong nước cũng cộng hưởng với đà tăng của vàng thế giới làm giá kim loại quý nhảy múa.

Không chỉ tại riêng Việt Nam, giá vàng thế giới cũng biến động mạnh kể từ tháng 3. Bà Ewa Manthey - chiến lược gia hàng hóa tại ngân hàng ING cho biết, giá vàng cao hơn do đây là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và cuộc bầu cử tại Mỹ đang diễn ra.

Ngoài ra, giá kim loại quý tăng còn đến từ động thái mua ròng của các ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương đã tăng mua vàng từ năm 2022. Báo cáo Nhu cầu xu hướng vàng năm 2023 cho thấy, lượng vàng mua ròng từ các ngân hàng đã vượt 1.000 tấn và đây là năm thứ 2 liên tiếp nhóm này “gom” trên 1.000 tấn kim loại quý.

Trước đó, các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Citi đã dự báo, giá vàng có thể lên mức 3.000 USD/ounce trong năm tới. Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây, giới chuyên môn cho rằng kim loại quý có thể chạm mốc này sớm hơn so với dự báo.

Trong khi đó, kênh đầu tư chứng khoán được đánh giá đang tiềm ẩn rủi ro. Theo đó, để tối ưu danh mục và gia tăng cơ hội sinh lời từ kênh đầu tư này, nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán đuổi trong các phiên giảm mạnh, giữ tâm lý ổn định và chờ những nhịp phục hồi để cơ cấu lại danh mục.

Còn với kênh gửi tiết kiệm, tỷ suất sinh lời trong quý I/2023 là 1,15 - 1,3%, thấp hơn nhiều so với vàng trong cùng thời gian. Trừ một số giai đoạn tăng nóng, thông thường, gửi tiết kiệm khó có “cửa” để cạnh tranh về tỷ suất sinh lời so với các kênh đầu tư khác. Dù vậy, kênh này lại được lòng các nhà đầu tư có khẩu vị an toàn nhờ tính thanh khoản ổn định.

Vì vậy, ngoài diễn biến thị trường, nhà đầu tư cần cân nhắc dựa trên khẩu vị rủi ro, kiến thức và kinh nghiệm để tối ưu dòng tiền cũng như khả năng sinh lời./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/05/2024