ISSN-2815-5823

Xây dựng cảng biển làm đòn bẩy phát triển kinh tế toàn diện

(KDPT) – Sóc Trăng là một trong những tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế cảng biển ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với 72 km bờ biển cùng hệ thống sông, rạch dài hơn 3.000 km và các cửa sông lớn ra vào Biển Ðông, tỉnh Sóc Trăng được đánh giá có nhiều tiềm năng về cảng biển, vận tải biển và vận tải thủy nội địa.

Xây dựng Cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng) – tạo bước đệm chiến lược cho toàn vùng ĐBSCL phát triển bật lên.

Việc đầu tư xây dựng cảng nước sâu ở tỉnh này sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển của địa phương nói riêng và toàn vùng ÐBSCL nói chung.

Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ÐBSCL khoảng 17 – 18 triệu tấn. Tuy nhiên, 70% trong số này phải chuyển tải về các cảng lớn ở khu vực miền Ðông Nam Bộ, khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 – 40%. Nguyên nhân do hạn chế về luồng nên tàu biển tải trọng lớn khó ra vào sông Hậu và trong vùng chưa có trung tâm logistics, phần lớn các dịch vụ logistics là tự phát. Hơn 85% các cảng còn phân tán, manh mún, công suất xếp dỡ nhỏ, chi phí làm hàng cao, dẫn đến giảm tính cạnh tranh của hàng hóa trong khu vực.

Hiện nay, ÐBSCL đóng góp khoảng 65% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% kim ngạch xuất khẩu gạo,của cả nước, nhưng chỉ có khoảng 20 – 30% lượng hàng hóa được xuất khẩu qua hệ thống cảng trong vùng. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các hoạt động logistics tại ÐBSCL chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng. Vì vậy, nhu cầu xây dựng một cảng biển nước sâu tại ÐBSCL để trực tiếp xuất, nhập khẩu hàng hóa của các địa phương trong vùng ngày càng trở nên bức thiết. Xuất phát từ thực tế này, thời gian qua, nhiều nghiên cứu quy hoạch đã được thực hiện, theo đó đều khẳng định tính cần thiết và khả thi xây dựng hệ thống cảng cho tàu biển trọng tải lớn để làm hàng xuất, nhập khẩu trực tiếp cho vùng ÐBSCL, cũng như hình thành hệ thống logistics và chuỗi cung ứng chuyên nghiệp cho khu vực.

Tại buổi họp báo thông tin về Đại hội Đại biểu tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra vào hồi tháng 10, ông Lâm Tấn Hòa, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh: “Cảng nước sâu là dự án quan trọng, tác động rất lớn đến sự phát triển của địa phương nói riêng và toàn vùng nói chung Đồng bằng sông Cửu Long nói chung”.

Theo “Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng ÐBSCL sẽ có một trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và hơn 70 ha đến năm 2030. Trên cơ sở khảo sát, các chuyên gia hàng hải thống nhất cho rằng, vị trí phù hợp xây dựng cảng biển nước sâu ở ÐBSCL là cách cửa biển Trần Ðề khoảng 20 km do ở khu vực này ít bị bồi lấp, không phải nạo vét nhiều. Hơn nữa, với vị trí nằm ở trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, cảng nước sâu xây dựng tại đây sẽ thu hút, góp phần rút ngắn và tạo thuận lợi nhất cho thông thương hàng hóa của các tỉnh trong vùng. Mặt khác, Cảng Trần Ðề kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông thủy, bộ trong vùng như: Tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu nối các tỉnh, thành phố Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ; tuyến quốc lộ 60 nối Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng; tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp nối Hậu Giang, Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau. Tương lai còn có đường cao tốc Châu Ðốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và cầu Ðại Ngãi nối Trà Vinh – Sóc Trăng, cùng mạng giao thông đường bộ liên vùng khác kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh trong vùng ÐBSCL và các nước trong tiểu vùng sông Mê Công. Bên cạnh đó, với hệ thống sông, rạch chằng chịt, nhất là tuyến sông Hậu, từ Sóc Trăng rất thuận tiện giao thương khắp vùng ÐBSCL và nhiều nước trong khu vực.

Mặc dù Sóc Trăng có tiềm năng lớn nhất để phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển và vận tải thủy nội địa, nhưng vướng mắc hiện nay là vốn đầu tư cho dự án khá lớn. Nếu chi cho xây dựng cảng sẽ chiếm hơn 60% suất đầu tư hằng năm cho ÐBSCL. Ðể không tạo gánh nặng cho ngân sách, giải pháp đưa ra là kêu gọi nhà đầu tư và trên thực tế đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn quan tâm đến vấn đề này. Ðến nay, dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã hoàn thành đưa vào khai thác và bước đầu phát huy hiệu quả, đáp ứng cho tàu biển có trọng tải 10 nghìn tấn đầy tải, 20 nghìn tấn giảm tải ra, vào các cảng trên sông Hậu. Việc nghiên cứu quy hoạch một cảng cho tàu biển trọng tải lớn để làm hàng xuất, nhập khẩu trực tiếp cho vùng ÐBSCL, hạn chế tiếp chuyển qua các cảng nhỏ, trung chuyển cần được thực hiện phục vụ cho sự phát triển lâu dài.

Bến cảng Trần Ðề được xây dựng nằm ngoài khơi cách bờ khoảng 15 – 20 km. Quy mô xây dựng: Bến tiền phương ngoài khơi tiếp nhận cỡ tàu từ 20 nghìn đến 160 nghìn DWT, Khu bến hậu phương trong bờ gồm đầu tư xây dựng 3.000 m cầu cảng trung chuyển than cho tàu 2.000 đến 5.000 DWT, cầu vượt biển dài khoảng 10 – 16 km. Theo quy hoạch, năng lực thông qua hàng hóa của cảng vào năm 2030 đạt khoảng 50 đến 55 triệu tấn/năm, định hướng công suất có thể đạt 130 đến 150 triệu tấn/năm. Cảng biển Sóc Trăng được đánh giá đủ điều kiện xếp loại cảng biển loại IA có tổng diện tích quy hoạch là 5.750 ha; tổng vốn thực hiện quy hoạch ước tính khoảng 50.509 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư theo quy hoạch được thực hiện trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội, không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhận định, sau khi quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và bến cảng Trần Ðề được công bố và kêu gọi đầu tư thành công sẽ là bước đi cần thiết hướng đến trở thành một điểm kết nối hàng hải quan trọng trong vùng ÐBSCL. Không chỉ tăng cường vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu mà còn kết nối ÐBSCL với thế giới, góp phần đắc lực trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ. Cảng nước sâu là dự án quan trọng, tác động rất lớn đến sự phát triển của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, cũng như sự phát triển của toàn vùng ÐBSCL và cả nước, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vùng biên giới biển của Tổ quốc.

MINH LONG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024