Xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch Bắc Trung Bộ
Chương trình có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý về du lịch lữ hành, thành viên của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, hiệp hội du lịch các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, cùng sự góp mặt của các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, năm 2023 vừa qua, hoạt động du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Một số điểm sáng có thể kể tới: Các chỉ tiêu phát triển du lịch "về đích” và vượt kế hoạch chứng tỏ hướng đi đúng trong cơ cấu lại thị trường khách, làm mới sản phẩm; Hiệu ứng của chính sách thị thực mới góp phần gia tăng lượng khách du lịch quốc tế; Hoạt động xúc tiến, quảng bá, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế, hình ảnh của Du lịch Việt Nam trên trường quốc tế được chú trọng thực hiện cả trên thực tế và trên không gian mạng. Mục tiêu “phục hồi và thúc đẩy phát triển du lịch nhanh, bền vững” trở thành quyết tâm chung, quy tụ được sức mạnh và trí tuệ tập thể để tháo gỡ một số điểm nghẽn, tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nhấn mạnh: “Việc tìm kiếm, xây dựng sản phẩm mới là hoạt động quyết định sự sống còn của một điểm đến. Thương hiệu du lịch cần phải được triển khai liên tục. Đặc biệt là khi vùng Bắc Trung Bộ còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả. Trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch đã có và tìm kiếm các sản phẩm du lịch mới, các tỉnh Bắc Trung Bộ có thể tập trung phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử - cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển. Hội nghị cũng là cơ hội để địa phương giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước về những sản phẩm du lịch mới”.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. |
Tổng kết hoạt động năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn do những ảnh hưởng của dịch COVID-19 để lại, phần lớn các doanh nghiệp trong Câu lạc bộ Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực triển khai kích cầu du lịch trong nước, kết nối lại các thị trường nước ngoài; mở rộng thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng: “CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam đã bám sát các chỉ đạo của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam; của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các cơ quan liên quan trong việc xây dựng sản phẩm mới, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá xúc tiến. Bằng các hoạt động, việc làm thực tế, CLB sẽ hợp tác với các địa phương và tổ chức, gắn kết các doanh nghiệp để thu hút đầu tư, hình thành các sản phẩm du lịch, tăng cường quảng bá xúc tiến, thu hút khách du lịch đến các điểm đến, các địa phương; phát triển đồng đều cả du lịch nội địa, outbound và inbound... Từ đó, đóng góp chung vào các hoạt động của ngành du lịch, đưa du lịch phục hồi, phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong năm 2024, CLB sẽ chủ động, sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, trong đó tiếp tục tập trung vào việc kết nối các doanh nhân trẻ, doanh nghiệp du lịch toàn quốc để cùng nhau hỗ trợ kinh doanh”.
Lễ ký Biên bản thoả thuận hợp tác phát triển du lịch giữa CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam và các địa phương, đơn vị tại Hội nghị. |
Trước đó, trong 2 ngày 15-16/1, Câu lạc bộ Du lịch doanh nhân trẻ Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị tại Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức Chương trình khảo sát, xúc tiến phát triển sản phẩm du lịch Bắc Trung Bộ.
Trong hành trình khảo sát, đoàn đã tới tham quan một số địa điểm đặc sắc như: Chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc), Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân), Khu di tích Nguyễn Công Trứ (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân)… cùng trải nghiệm tour du lịch văn hóa “Làng cá gỗ - sau ánh hào quang” ở làng Quỳnh Đôi (xã Quỳnh Đô, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Đây là sự kiện đầu tiên của năm 2024 do CLB Du lịch Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác, hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm du lịch của vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên thế mạnh nổi trội.
Chương trình này cũng nhằm hỗ trợ các địa phương đa dạng hóa sản phẩm du lịch hướng tới khắc phục tính thời vụ; liên kết phát triển sản phẩm; đề xuất cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch; ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm mở rộng thị trường; xúc tiến, quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch điểm đến vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh./.