ISSN-2815-5823
Huyền Nguyễn
Thứ tư, 14h47 10/04/2024

4 mã cổ phiếu dầu khí, công nghệ cần lưu ý trong tháng 4

(KDPT) - Báo cáo chiến lược tháng 4/2024 của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam vừa công bố mới đây, khuyến nghị các nhà đầu tư cần có chiến lược phòng thủ tháng 4 để chờ cơ hội và lưu ý vào 4 mã dầu khí, công nghệ.

Dự báo GDP năm 2024 tăng lên 6,2%

Báo cáo của Yuanta cho biết, kinh tế Việt Nam phục hồi khá tốt trong quý I/2024 từ mức nền thấp cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng mạnh, nguồn vốn FDI cùng các chính sách điều hành kinh tế hiệu quả.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành duy trì lãi suất ở mức thấp, ổn định tỷ giá, siết chặt quản lý tín dụng và nợ xấu; Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, duy trì chính sách giảm thuế VAT, giảm lãi, hỗ trợ an sinh xã hội; Các chính sách mới được thông qua là động lực thúc đẩy các ngành nghề như Quy hoạch điện VIII; học phí, giá khám chữa bệnh, cước dịch vụ cảng mới…

Tăng trưởng GDP trong quý đầu năm nay là 5,66% - mức tăng trưởng cao nhất của quý I từ năm 2020 đến nay. Trong đó, hai lĩnh vực có mức đóng góp mạnh nhất là công nghiệp - xây dựng (tăng 6,28%;) và dịch vụ (tăng 6,12%).

“Tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ là điều rất tích cực khi duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 6% liên tục hàng quý từ quý II/2022 tới nay” - Trích báo cáo. Bên cạnh đó cũng cho biết, các ngành dịch vụ tăng trưởng tốt trong quý đầu năm là vận tải - kho bãi (tăng 11%); Dịch vụ hỗ trợ (tăng 9%), Lưu trú và ăn uống (tăng 8%), Buôn bán và sửa chữa ô tô (tăng 7%), Nghệ thuật vui chơi giải trí (tăng 7%), Tài chính - Ngân hàng -Bảo hiểm (tăng 5%)....

Tăng trưởng GDP quý I/2024 ở mức tích cực
Tăng trưởng GDP quý I/2024 ở mức tích cực

Xuất nhập khẩu tiếp tục phục hồi tích cực khi tình hình xuất nhập khẩu tháng 3 ghi nhận đà tăng tích cực so với tháng trước lẫn cùng kỳ; Xuất siêu mạnh trở lại nhờ khối FDI tăng xuất siêu trong khi khối doanh nghiệp nội địa giảm nhập siêu.

Trong quý I/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 178 tỷ USD (tăng 15,8%), bao gồm: xuất khẩu đạt 93,06 tỷ USD (tăng 17,0%), nhập khẩu đạt 84,98 tỷ USD (tăng 13,9%) và xuất siêu đạt 8,08 tỷ USD (tăng 37,3%).

Các chuyên gia của Yuanta nhận định: “Nhìn chung, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục quá trình phục hồi tốt và mạnh trong tháng 3. Tình hình xuất khẩu yếu tại Mỹ và Châu Âu đã được các doanh nghiệp bù đắp phần nào bằng việc mở rộng khách hàng mới tại khu vực Châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ). Chúng tôi kỳ vọng tình hình xuất nhập khẩu vẫn sẽ khả quan trong năm 2024 và cải thiện rõ nét hơn từ quý III/2024 khi FED bắt đầu giảm lãi suất”.

Số liệu lạm phát đã giảm nhẹ trong tháng 3, ở mức 0,23% so với tháng trước và tăng 3,97% so cùng kỳ, Yuanta lưu ý các nhà đầu tư cần quan tâm tới rủi ro lạm phát từ chi phí xăng dầu, vận tải, áp lực tỷ giá khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng. Tuy nhiên, nhận định hàng đầu là nhiều khả năng lạm phát sẽ giảm vào cuối năm nay khi áp lực lạm phát (CPI tăng mạnh chủ yếu do những quy định giá mới của Nhà nước về giá dịch vụ y tế, giáo dục) giảm dần.

“Chúng tôi vẫn đánh giá cao kịch bản lạm phát năm 2024 với mục tiêu 4-4,5% của Chính phủ” - Trích từ báo cáo. Từ đó, công ty chứng khoán này kỳ vọng sản xuất sẽ phục hồi tốt từ quý III/2024 trở đi và tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,2%.

Triển vọng của bán lẻ trong trung hạn

Trong báo cáo, Yuanta lưu ý, ngành bán lẻ đã cải thiện trong tốc độ tăng trưởng chung. Ước tính tổng mức bán lẻ tháng 3/2024 đạt 509.000 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Theo đó, dịch vụ lữ hành tăng 66,1%; Dịch vụ ăn uống tăng 15,8%; Dịch vụ khác tăng 10,6%...

Lũy kế quý I/2024, tổng mức bán lẻ tăng 8,2% lên 1.538 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dịch vụ lữ hành tăng 46,3%; Dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 13,4%; Dịch vụ khác tăng 9,5%; Bán lẻ hàng hóa tăng 7%...

Ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng khá tốt
Ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng khá tốt

Yuanta nhận định: “Chúng tôi vẫn giữ quan điểm tích cực về tiềm năng mạnh mẽ của thị trường bán lẻ trong trung và dài hạn. Theo đó, ngành bán lẻ vẫn đang phục hồi và sẽ sớm lấy lại tốc độ tăng trưởng nhanh như trước (trên 10%/năm)".

Công ty này còn cho rằng, nền kinh tế cần thêm thời gian để phục hồi cũng như để số việc làm, sức mua người tiêu dùng thật trở lại. Yuanta kỳ vọng tổng mức bán lẻ sẽ tăng mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi FED hạ lãi suất, giúp sản xuất phục hồi, số lượng việc làm tăng lên, nhu cầu chi tiêu nội địa mạnh hơn.

Cần phòng thủ trong tháng 4, chú ý 4 mã dầu khí, công nghệ

Theo báo cáo của Yuanta, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán tháng 3 đã có sự tăng trưởng vượt trội. Cụ thể, nhóm viễn thông tăng mạnh nhất với 20%; Công nghệ thông tin tăng 15%; Dược phẩm và y tế tăng 5%...

Công nghệ là nhóm ngành cần chú ý trong tháng 4
Công nghệ là nhóm ngành cần chú ý trong tháng 4

Đóng cửa tháng 3, chỉ số VN-Index tăng 2,5% so với tháng 2 và đạt mức cao nhất kể từ năm 2023. Thanh khoản cũng tăng mạnh trong tháng vừa qua và độ rộng thị trường có diễn biến tích cực cho thấy chứng khoán vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn rõ rệt.

Tuy nhiên, điểm trừ với xu thế thị trường là việc khối ngoại liên tục bán ròng hơn 11.000 tỷ đồng, chủ yếu là nhóm vốn hóa lớn, nhiều nhất là nhóm thực phẩm - đồ uống, tiếp theo là ngân hàng, bán lẻ, vật liệu - xây dựng, dịch vụ tài chính…

Đối với hàng hóa nói chung và giá dầu nói riêng, việc duy trì đà tăng có thể làm gia tăng áp lực lạm phát trong ngắn hạn. Rủi ro địa chính trị gia tăng có thể sẽ thúc đẩy giá vàng, giá USD tăng trong tháng 4/2024.

Đồng thời, lợi suất trái phiếu Chính phủ tại các thị trường đã tăng trở lại, cảnh báo về rủi ro ngắn hạn cho thị trường chứng khoán. Theo khuyến nghị của Yuanta, thị trường có thể còn khó khăn trong tháng 4, các nhà đầu tư nên thận trọng khi giao dịch, nên duy trì phòng thủ và chờ cơ hội. 

Trong tháng 4 này, nhóm cổ phiếu cần chú ý là Dịch vụ dầu khí: PVD, PVS; Công nghệ: FPT, CMG./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/05/2024