ISSN-2815-5823

6 nhiệm vụ phục hồi và phát triển thị trường lao động

(KDPT) – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa ra Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH về việc ban hành chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động.

Ảnh minh hoạ.

Mục tiêu của chương trình là duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%. Bên cạnh đó, Quyết định 1405 được ban hành để hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh, đặc biệt hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay lại làm việc.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều người lao động, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội và bị mất việc. Nhằm tạo việc làm tốt, thu nhập bền vững cũng như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng lao động, Quyết định 1405 sẽ hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất an toàn. Đồng thời thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu kịp thời phục vụ kết nối cung – cầu lao động.

Quyết định 1405 nêu rõ 6 nhiệm vụ chính để phục hồi và phát triển thị trường lao động:

Thứ nhất, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Chia hai nhóm lao động để hỗ trợ cụ thể là nhóm lao động ngoại tỉnh và nhóm lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Thứ hai, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Chủ trương hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian tới như đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh lao động, thực hiện các quy định về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển thị trường lao động. 4 hướng giải pháp chính là tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cơ bản cho người lao động để kịp thời cung ứng cho doanh nghiệp, hoặc vùng kinh tế trọng điểm; nâng cao chất lượng nguồn cung lao động; chuyển đổi số và dạy học trực tiếp trong giáo dục nghề nghiệp; đầu tư vào các trường chất lượng cao.

Thứ tư, tổ chức kết nối cung – cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung – cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ. Trong số này, nhiệm vụ kết nối cung – cầu lao động sẽ được thực hiện thông qua việc tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đa dạng hóa các hình thức, chuyên đề của các phiên; tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến trong vùng hoặc toàn quốc.

Thứ năm, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực.

Thứ sáu, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Về phía địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị thực hiện gấp 7 việc. Một, xây dựng phương án với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tạo việc làm. Hai, nắm chắc nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh; và nhu cầu tìm việc của người lao động. Ba, nghiên cứu chính sách giúp doanh nghiệp, người sử dụng lao động giữ chân người lao động để yên tâm làm việc. Bốn, giới thiệu, tạo việc làm ổn định cho người lao động trở về từ TP. HCM và các tỉnh phía Nam. Năm, đa dạng hóa hình thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm để kết nối cung – cầu lao động. Sáu, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Bảy, định kỳ trước ngày 15 tháng đầu tiên của Quý gửi báo cáo kết quả thực hiện.

NGUYỄN NGÂN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/09/2024