Thông tin trên được ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm (IAV) chia sẻ tại họp báo ngày 24/4. Con số này chiếm 46% doanh số khai thác mới của kênh bảo hiểm nhân thọ trong năm ngoái.

Đồng thời, ông Dũng chia sẻ thêm "đây là giai đoạn khủng hoảng truyền thông lớn nhất từ trước đến nay của ngành bảo hiểm nhân thọ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn gần đây trên thị trường đó là phát triển nóng trong ngành bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua, nhất là phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, liên quan đến hoạt động tư vấn không được đầy đủ".

Theo hiệp hội, trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 11.534 tỉ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư trở lại nền kinh tế của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 636.585 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 141.235 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số hợp đồng cuối kỳ ước đạt hơn 13,686 triệu hợp đồng, tăng 3,5%. Tổng doanh thu ước đạt 37.849 tỉ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Gần một triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã bán qua kênh ngân hàng năm 2022 với tổng phí năm đầu lên gần 23.800 tỉ đồng, chiếm 46% doanh số khai thác mới của kênh bảo hiểm nhân thọ. Tính lũy kế đến hết năm 2022, có khoảng 2,9 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mua kênh ngân hàng với doanh số khai thác là 45.000 tỉ đồng. Tổng số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cuối năm 2022 đạt hơn 13,921 triệu hợp đồng (tăng 5% so với cùng ký năm trước), doanh thu đạt 178.327 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Vào cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng cần rà soát toàn bộ mạng lưới của mình, xử lý nghiêm những trường hợp “ép” khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết.

Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/1/2023 đã bổ sung một số quy định đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm tổ chức, bao gồm các tổ chức tín dụng. Luật cũng đã sửa đổi và bổ sung những quy định về hoạt động bán bảo hiểm dành cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng.

Các chuyên gia SSI Research nhận định, phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng từ năm 2023 trở đi sẽ không còn "dễ ăn" như trước nữa. Dự báo, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng 16-18% so với cùng kỳ, cao hơn kết quả năm 2022 nhưng thấp hơn 26% so với mức trung bình lịch sử giai đoạn 2012-2021.